(NSO) – Trong năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Mở Thành TP HCM (OU) đón nhận hơn 4.500 tân sinh viên. Trong nửa đầu năm 2022, OU tăng 24 bậc, xếp hạng thứ 325 (so với vị trí 349 năm 2021) trong tổng số 1.485 các trường đại học của châu Á; và xếp hạng thứ 14 trong số 24 trường đại học của Việt Nam, do tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín Tây Ban Nha – SCImago công bố.
Sáng ngày 18/10, Trường ĐH Mở TP HCM (OU) đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2022 – 2023 Tham dự chương trình có sự hiện diện của Ban giám hiệu nhà trường, đội ngũ cán bộ giảng viên Trường, các vị khách mời vinh dự đến từ các đơn vị kinh tế, xã hội, giáo dục trong và ngoài nước cùng sự tham gia 5000 sinh viên và quý phụ huynh.
GS. TS Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM
Phát biểu tại Lễ khai giảng, GS. TS Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM chia sẻ: Hiện, trường thu hút gần 31.000 người học ở các bậc với 30.000 sinh viên bậc cử nhân, 970 học viên thạc sĩ và 59 học viên tiến sĩ với 13 khoa và 27 ngành đào tạo bậc đại học; trong đó có 11 ngành đã thực hiện đào tạo chất lượng cao, 12 chuyên ngành thạc sĩ và 05 chuyên ngành tiến sĩ ở cả ba lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và xã hội nhân văn. Trong năm học 2021 – 2022, Trường mở thêm ngành đại trà Quản lý công và ngành Kinh tế (chương trình chất lượng cao).
Trường đã đạt được kiểm định cơ sở giáo dục đào tạo vào năm 2017. Đến nay, trường có 5 chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của FIBAA, 3 chương trình đào tạo trình độ ĐH đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của FIBAA, 4 chương trình đào tạo trình độ Đại học đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, 4 chương trình đào tạo trình độ Đại học đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của AUN-QA”.
PGS. TS Nguyễn Minh Hà gửi gớm đến các sinh viên “Hãy vượt qua trước mắt và biến ước mơ hoài bão thành hiện thực, thành qủa hôm nay và mai sau không chỉ hỗ trợ từ nhà trường mà phải từ tinh thần phấn đấu từ chính các bạn sinh viên. Phải xác định rõ mục tiêu học tập, sẵn sàng tiếp thu nền tảng tri thức mới trong môi trường công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và quốc tế hóa. Sáng tạo trong học tập, đừng quên nâng cao kỹ năng của bản thân thông qua các chương trình của khoa và Nhà trường tổ chức thông qua CLB, đội nhóm đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ – tin học để dễ dàng tiếp cận tri thức của thế giới và khi ra trường”.
Được biết, Trong nửa đầu năm 2022, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tăng 24 bậc, xếp hạng thứ 325 (so với vị trí 349 năm 2021) trong tổng số 1.485 các trường đại học của châu Á; và xếp hạng thứ 14 trong số 24 trường đại học của Việt Nam, do tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín Tây Ban Nha – SCImago công bố.
Trường đã liên tục nhận nhiều Bằng khen của Bộ GĐ&ĐT, của UBND TP.HCM, UBND các tỉnh về các công tác phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục và đồng tham gia tổ chức các hội thảo, tham gia góp ý các chính sách có ảnh hưởng đến xã hội, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của đời sống kinh tế xã hội – thiết lập cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách với giới học thuật và doanh nghiệp.
Với các GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Mở rộng tri thức và năng lực nghề nghiệp – Gắn kết thực tiễn – Phục vụ cộng đồng – Chuyên nghiệp, sáng tạo và hiệu quả, nhà trường:
Thúc đẩy việc giảng dạy và nghiên cứu đáp ứng các yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao tri thức và năng lực nghề nghiệp cho người học, Trường kết nối rộng rãi với cơ quan, doanh nghiệp, địa phương bằng các phương thức linh hoạt, thuận tiện giúp người học thành công sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, Trường đã và đang xây dựng cộng đồng cựu sinh viên và hệ thống tuyển dụng trực tuyến chuyên nghiệp, kết nối hàng ngàn doanh nghiệp trên khắp mọi miền với mạng lưới kết nối, phục vụ cộng đồng hiệu quả. Ngày hội việc làm năm 2022 được tổ chức với hơn 1000 vị trí tuyển dụng được tư vấn và thông tin đến ứng viên của 25 doanh nghiệp tuyển trực tiếp và 95 doanh nghiệp tuyển trực tuyến. Hơn 10 năm tổ chức Ngày hội việc làm đã tạo cầu nối Nhà trường – Người học – Nhà tuyển dụng, thông qua cộng đồng cựu sinh viên mang đến thông tin hai chiều hỗ trợ doanh nghiệp, người học và hỗ trợ Nhà Trường trong cải tiến quá trình đào tạo sát với thực tế và đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động. Tỷ lệ sinh viên có việc làm năm học 2021-2022 là 95%.
Không chỉ vậy, trường còn mở rộng hợp tác và liên kết đào tạo với các trường đại học, học viện, viên nghiên cứu uy tín quốc tế để trang bị kiến thức chuyên môn kết hợp hoàn thiện các kỹ năng cũng như nâng cao khả năng ngoại ngữ cho sinh viên, bên cạnh đó là kết nối thực tập, giao lưu, nâng cao tri thức, tự tin hội nhập thế giới. Nhiều dự án hợp tác đào tạo như: Chương trình Việt – Bỉ (từ năm 1995 đến nay), Chương trình liên kết với ĐH USQ (Úc), Chương trình liên kết với Đại học ECU (Úc), Chương trình liên kết với ĐH Fresenius và liên kết với ĐH Kinh tế – Luật Berlin (Đức), Chương trình liên kết với Đại học Flinders và liên kết với Đại học Bonds (Úc) và Chương trình liên kết với Đại học ROENS (Pháp). Trường tiếp tục duy trì vai trò thành viên của các tổ chức quốc tế như AAOU (Asian Association of Open Universities), ICDE (International Council for Open and Distrance Education), SEAMEO SEAMOLEC (SEAMEO Regional Open Learning Centre – SEAMOLEC), SEAMEO SEPS (South East Asian Ministers of Education Organization Regional Centre for Sufficiency Economy Philosophy for Sustainability), QM (Quality Matters), AUN-QA (ASEAN University Network – Quality Assurance). Đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, tận tâm, tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng ở Anh, Úc, Mỹ, Đức, Pháp, có kĩ năng sư phạm cũng như kinh nghiệm thực tế.
Ngoài ra, trường còn hợp tác trao đổi giảng viên và sinh viên với nhiều trường trên thế giới. Từ năm 2016, Trường bắt đầu tham gia các dự án Erasmus+, đã triển khai thành công dự án “Phát triển và nghiên cứu toàn cầu: Thúc đẩy mạng lưới kiến thức và phương pháp nghiên cứu xuyên ngành để ứng phó với những thách thức toàn cầu” – KNOTS) và tiếp tục được tài trợ 02 dự án là RECOASIA (Regional cooperation in the field of recognition among Asian countries) và TRUST (Financial technology and digital innovation to modernise and develop curricula of Vietnamese and Philippines Universities). Các dự án hợp tác quốc tế này đã góp phần nâng cao năng lực (capacity building) và góp phần khẳng định việc thực hiện sứ mạng, tầm nhìn của Trường. Nhiều hội thảo quốc tế được tổ chức hàng năm và thu hút đông đảo các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước tham dự, như VBER, OpenTESOL, …
Nhắc đến Trường đại học mở TPHCM không thể không ấn tượng với phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên. Trong năm học vừa qua, có 433 công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên được công bố trong nước và quốc tế, trong đó: số lượng công bố quốc tế là 249, cụ thể số bài báo thuộc danh mục WoS là 149 bài, số bài báo thuộc danh mục Scopus là 44 bài, số bài đăng trên kỷ yếu hội thảo WoS/ Scopus là 23 bài. Nghiên cứu khoa học của sinh viên đã có gần 267 đề tài Nghiên cứu khoa học sinh viên đăng ký, 156 đề tài được duyệt thực hiện tại cuộc thi cấp trường, , trong đó có 32 giải Nhất 44 giải Nhì, 44 giải Ba và 36 giải Khuyến khích. Số lượng giải thưởng năm học 2021-2022 tăng 26 giải so với năm học 2020-2021 với 31 giải Nhất 34 giải Nhì, 28 giải Ba và 37 giải Khuyến khích. Các giải ngoài trường năm 2021 với kết quả 01 giải Nhất và 01 giải Khuyến khích giải thưởng Eureka so với 01 giải Ba Giải thưởng Eureka trong năm học trước; và xuất sắc giành được 01 giải Nhất giải thưởng KHCN dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2021. Cũng trong năm qua, nhà trường đã tổ chức 24 hội thảo hội thảo, báo cáo chuyên đề nhằm phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho sinh viên.
Bên cạnh đó, triển khai thành công Tạp chí online và Hệ thống quản lý tạp chí khoa học online. Tạp chí khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng phát triển, đến nay có 6 Tạp chí chuyên ngành, được xuất bản theo tháng bằng 02 ngôn ngữ riêng biệt tiếng Việt và tiếng Anh. Tất cả 6 tạp chí chuyên ngành này đều có mặt và có vị trí cao trong Bảng Công bố xếp hạng 84 tạp chí khoa học Việt Nam theo chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor – IF) và chỉ số H-index theo thông lệ quốc tế, trong hơn 400 tạp chí của danh mục được tính điểm công trình của Hội đồng Giáo sư nhà nước.
Đến tháng 8-2021, 6 tạp chí này cũng đã được chấp nhận tham gia hệ thống thư mục tạp chí truy cập mở quốc tế DOAJ (Directory of Open Access Journals). Hai tạp chí trong số này đã được chấp nhận tham gia hệ thống trích dẫn ACI (Asean Citation Index) vào cuối tháng 10-2021.
Trong năm học 2021-2022, thêm nhiều chương trình học bổng mới kịp thời hỗ trợ cho các sinh viên. Với mục đích hỗ trợ sinh viên trên con đường theo đuổi ước mơ của mình, mỗi năm học, hơn 4000 suất với tổng giá trị lên đến hơn 20 tỉ đồng được nhà trường trao tặng dành cho sinh viên học giỏi cũng như sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng nỗ lực học tập và rèn luyện.
Đình Ngọc