Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giảm 30% thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Ý kiến này được đề cập trong báo cáo hôm nay (01/6) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của
Quốc hội vừa có báo cáo Thẩm tra sơ bộ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập
doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Về hồ sơ dự án Nghị quyết, Thường trực Ủy ban TCNS thấy rằng, hồ sơ dự án nghị quyết đã bao gồm tờ trình, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Do đó, nhất trí việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp để đảm bảo kịp thời xử lý các trường hợp khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật Ban hành VBQPPL về các trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị quyết và cho phép trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 tại cùng một phiên họp.
Tại báo cáo, Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh
Covid-19.
Bàn về dự thảo, đầu mối thẩm tra này cho biết cơ bản nhất trí với đối tượng áp dụng như dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên việc quy định đối tượng là tổ chức thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam là chưa rõ ràng, vì có rất nhiều tổ chức hoạt động theo pháp luật của Việt Nam nhưng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này.
Bên cạnh các đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã còn các đối tượng là người nộp thuế khác như các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức theo quy định của pháp luật về hội,… cũng phát sinh doanh thu và nộp thuế. Theo đó, đề nghị Chính phủ rà soát, quy định cụ thể các đối tượng được giảm thuế phải là người nộp thuế theo quy định tại Điều 2 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, tại Điều 4 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên tổng số lao động đóng bảo hiểm, tổng nguồn vốn, tổng doanh thu và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết (Nghị định 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ).
Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng: “Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 100 người và tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng”; Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: “Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 50 người và tổng doanh thu không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng”.
Còn doanh nghiệp siêu nhỏ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng: “Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 10 người và tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng”; Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: “Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 10 người và tổng doanh thu không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng”.
Đối chiếu với tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại dự thảo nghị quyết là chỉ căn cứ vào hai yếu tố là tổng doanh thu (tương ứng là dưới 50 tỷ và dưới 03 tỷ đồng) và số lao động (không quá 100 người và không quá 10 người), không áp dụng tiêu chí theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động thì đối tượng theo quy định tại Nghị quyết này đã khác so với đối tượng quy định tại pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với tờ trình của Chính phủ về giảm số thuế phải nộp (30%) và chỉ áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu, kết hợp với tiêu chí về lao động để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng này, theo đó về cơ bản đã bao quát hết các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Tuy nhiên, để đảm bảo tránh mâu thuẫn với pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo đồng bộ của hệ thống pháp luật, cơ quan thẩm tra đề nghị:
Về tên gọi của nghị quyết, Ủy ban TCNS đề nghị không gọi là hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì khái niệm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật hiện hành khác với quy định tại dự thảo Nghị quyết này, theo đó chỉ quy định về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 cho một số doanh nghiệp.
Việc thay đổi tên nghị quyết nhằm tránh trường hợp các doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng lại không đáp ứng các tiêu chí về doanh thu và lao động như quy định tại dự thảo nghị quyết.
Ủy ban TCNS cũng đề nghị bỏ nội dung về “thuộc nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ” và “thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ” tại mục 1 của Điều 2.
Cùng với đó là bỏ nội dung về “Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 03 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ)”, chỉ quy định đối với nhóm đối tượng về doanh nghiệp nhỏ là đã đảm bảo bao quát được các nhóm đối tượng là doanh nghiệp siêu nhỏ, vì nội dung nghị quyết chỉ quy định giảm một mức là 30% cho các đối tượng.
Theo đó, Ủy ban TCNS đề nghị sửa lại như sau: “Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhất trí với tên gọi của dự thảo nghị quyết như tờ trình của Chính phủ để ngắn gọn và hướng vào mục tiêu ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Một số ý kiến cho rằng, nghị quyết quy định theo hướng chung cho tất cả đối tượng đáp ứng về tiêu chí doanh thu và lao động, trong khi mục tiêu của việc ban hành Nghị quyết này là hướng tới nhóm đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ trong giai đoạn xẩy ra dịch bệnh.
Do đó, việc quy định như dự thảo nghị quyết sẽ dẫn đến một số đối tượng có doanh thu và lợi nhuận tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh lại được hưởng chính sách giảm thuế này là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị quy định phạm vi nghị quyết chỉ áp dụng đối với những đối tượng có doanh thu 2020 giảm so với doanh thu năm 2019.
Có ý kiến cho rằng, việc chỉ thực hiện giảm thuế cho các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như tờ chính của Chính phủ là chưa thực sự hợp lý, vì các doanh nghiệp sản xuất trong cả nước đều chịu sự tác động của dịch bệnh Covid-19, trong khi cùng một tác động như nhau thì quy mô doanh nghiệp lớn sẽ bị thiệt hại lớn, quy mô nhỏ chịu thiệt hại nhỏ theo tỷ lệ tương ứng và chưa phân định, làm rõ các lĩnh vực, ngành nghề chịu tác động lớn nhất từ đại dịch để làm căn cứ hỗ trợ cho các đối tượng một cách phù hợp, khách quan. Do vậy, có đề nghị nghiên cứu để thực hiện giảm thuế cho tất cả các doanh nghiệp.
Tại mục 2 Điều 2, Ủy ban TCNS đề nghị sửa lại như sau: “Doanh nghiệp căn cứ quy định nêu trên tại khoản 1 Điều này để tự xác định số thuế được giảm khi kê khai tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020″.
Theo đó, Điều 2 được chia thành khoản 1 và khoản 2 tương ứng với hai mục như dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, bỏ quy định về xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, vì đây là nội dung đương nhiên, không cần thiết phải quy định trong dự thảo Nghị quyết.
Ngoài ra, để đảm bảo cân đối NSNN năm 2020, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ các phương án bù đắp nguồn hụt thu do thực hiện chính sách giảm thuế này, gắn với các chính sách đã ban hành làm giảm thu NSNN trong thời gian qua hoặc cần thiết phải trình Quốc hội điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước để bảo đảm cân đối NSNN trong năm 2020.
Trước đó, tờ trình của Chính phủ tính toán: “Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ đồng”.
Tại phiên họp chiều nay (1/6), qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ, nhưng đề nghị chỉnh sửa tên gọi của dự thảo Nghị quyết để phù hợp với phạm vi điều chỉnh là chỉ những doanh nghiệp đáp ứng hai tiêu chí về doanh thu và lao động nói trên, chứ không phải tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Bizlive