Niều “cửa” vào đại học
Một trong những nội dung quan trọng đầu tiên được Bộ GD&ĐT vừa công bố đầu năm 2023 là không ban hành quy chế tuyển sinh mới để không bị xáo trộn, giúp thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất. Tổng hợp thông tin từ đề án tuyển sinh do các trường vừa công bố cho thấy, thí sinh có nhiều “cửa” vào đại học. Các trường đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh. Đáng chú ý, các trường vẫn duy trì phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng tỷ lệ chỉ tiêu giảm hơn năm trước.
Kỳ tuyển sinh năm 2023 có nhiều thuận lợi cho thí sinh hơn khi thêm các trường công bố tổ chức kỳ thi riêng và công nhận chéo kết quả thi của nhau để tuyển sinh. GS, TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của đơn vị dự kiến tổ chức 8 đợt, bắt đầu từ tháng 3 đến 6 với 17 địa điểm thi. Thí sinh đăng ký dự thi từ tháng 2 và có thể chuyển đổi kết quả bài thi đánh giá năng lực giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Năm 2022, cả nước có hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển đại học. Năm nay, thêm nhiều trường đại học phía Nam dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh.
Năm 2023, trên địa bàn Hà Nội còn có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi độc lập để xét tuyển, dự kiến có 2 đợt, diễn ra vào cuối tháng 4 và 5. Tính đến thời điểm này, 7 trường đại học sư phạm lớn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Thí sinh cần lưu ý
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2023, công tác tuyển sinh vẫn giữ ổn định như năm 2022. Thí sinh tiếp tục được hưởng nhiều quyền lợi như: Được đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT; không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển đại học; toàn bộ quy trình đăng ký xét tuyển đều được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ…
Từ thực tế của kỳ tuyển sinh năm trước, Phó GS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khuyến cáo, thí sinh không nhất thiết đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ chỉ cho phép thí sinh trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất, không có chuyện trúng tuyển vào nhiều trường hoặc đỗ vào nguyện vọng đứng sau. Ngoài ra, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học được thực hiện vào thời điểm sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, vì vậy thí sinh nên cân nhắc để đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.
Trước thông tin về việc năm nay thí sinh không thể tham gia xét tuyển sớm do các trường không được tổ chức xét tuyển sớm như năm trước, Phó GS, TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định, theo quy chế, các trường được tổ chức xét tuyển sớm, nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, việc cung cấp thông tin khi xét tuyển xong chỉ là tạm thời hoặc trúng tuyển có điều kiện, thí sinh cần hoàn tất các thủ tục theo quy định, đừng lơ là, chủ quan mà quên đi điều kiện phải tốt nghiệp THPT, phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT…
Ngoài ra, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và 1 năm kế tiếp. Như vậy, từ năm 2023 trở đi, điểm ưu tiên đối với thí sinh sẽ giảm dần khi thí sinh đạt tổng điểm 3 môn thi tốt nghiệp THPT ở mức 22,5 điểm trở lên. Với cách tính này, học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng nếu thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.