Giới chức y tế Trung Quốc có kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp yêu cầu cách ly bắt buộc đối với khách du lịch nước ngoài ngay từ đầu tháng tới, đây là một trong những “bước đi” mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong việc nới lỏng kiểm soát tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Đáng chú ý, giới chức Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp này ngay cả khi mà số lượng ca nhiễm COVID-19 vẫn duy trì ở mức cao.
Theo Wall Street Journal, cho đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo nhất thế giới để ngừa COVID-19, các biện pháp này hãm mạnh đà tăng trưởng của kinh tế và gây ra tâm lý không hài lòng trong công chúng. Vào đầu tháng này, giới chức Trung Quốc đã bất ngờ từ bỏ chính sách không COVID-19.
Từ ngày 8/1/2022, giới chức Trung Quốc sẽ loại bỏ tất cả các biện pháp yêu cầu cách ly bắt buộc để ngăn COVID-19 áp dụng đối với tất cả các du khách, kể cả người nước ngoài cũng như công dân Trung Quốc, theo Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC).
Vào cuối ngày thứ Hai, ủy ban đã công bố về kế hoạch ngừng coi COVID-19 như bệnh lây nhiễm nhóm A, theo đó cần phải sử dụng để các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo, đồng thời hạ cấp độ virus này xuống nhóm B, nhóm chỉ cần đến biện pháp điều trị và phòng ngừa cơ bản. Tháng trước, Wall Street Journal đưa tin rằng Trung Quốc đang cân nhắc về một động thái như vậy, theo đó, các biện pháp y tế công cộng sẽ được nới lỏng.
Thay đổi mới nhất đồng nghĩa những người đến Trung Quốc từ nước ngoài sẽ chỉ cần đến xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 tiếng trước khi đến để có thể được cho phép vào Trung Quốc, NHC nhấn mạnh. Du khách quốc tế sẽ không còn bị yêu cầu phải xét nghiệm khi đến hoặc phải cách ly. Như vậy kinh tế Trung Quốc đang tiến gần hơn đến giai đoạn mở cửa sau khoảng thời gian hơn 3 năm đóng cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Trong tuyên bố mới nhất của mình, ủy ban cam kết sẽ điều phối hoạt động đi lại của người nước ngoài đến Trung Quốc, trong đó có cả người đến với mục đích kinh doanh, thăm thân, đoàn tụ gia đình và cũng sẽ hỗ trợ cả về visa.
Thay đổi này diễn ra khi mà số lượng các ca nhập viện vì COVID-19 tại Bắc Kinh đang tăng cao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức địa phương hành động mạnh tay để cứu lấy sinh mạng con người.
Trước thông báo giảm bớt các biện pháp kiểm soát, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc đến thực tế bệnh tất của Trung Quốc lần đầu tiên trong bài phát biểu quan trọng.
Việc Trung Quốc mở cửa đất nước và nền kinh tế trở lại có thể mang đến cú huých quan trọng cho thị trường năng lượng toàn cầu.
Giá dầu có thể đạt mức 120USD/thùng trong năm 2023 khi mà nguồn cung năng lượng không thể đáp ứng nhu cầu tăng cao, theo nhà sáng lập kiêm chủ tịch quỹ Annandale Capital – ông George Seay. Ông Seay khẳng định ngành năng lượng sẽ vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt trong năm 2023.
“Dự báo của tôi là giá dầu sẽ trong khoảng từ 80 đến 120USD/thùng. Nếu nhu cầu dầu tăng thêm từ 1 đến 3 triệu thùng dầu/ngày, tôi không biết liệu nguồn cung mới có đủ để phục vụ cho việc đáp ứng nhu cầu hay không, đó chính là lý do giá dầu tăng cao”, ông Seay phân tích.
Quỹ Annadale quản lý ước tính tổng tài sản khoảng 1 tỷ USD và đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng trong năm 2022, đặc biệt với nhiều cổ phiếu được đánh giá cao như Black Stone Minerals. Cổ phiếu này đã tăng giá trị ước tính 53% trong năm vừa qua còn cổ phiếu của Antero Resources tăng giá 82% tính từ đầu năm đến nay. Một số chuyên gia trong quỹ Annandale Capital đã có lợi suất hàng năm hơn 50%.
Ông Seay nhấn mạnh rằng Trung Quốc trong thời gian gần đây đã nới lỏng chính sách không COVID-19, chính vì vậy chắc chắn nhu cầu với dầu vẫn tăng cao ngay cả nếu sản xuất bị hạn chế.
“Khi mà kinh tế Trung Quốc vận hành bình thường trở lại, sẽ có thêm rất nhiều nhu cầu. Và nếu bạn nhìn vào nguồn cầu trên khắp thế giới, OPEC không có đủ năng lực để sản xuất thêm dầu, chúng ta đang có khoảng thời gian khó khăn”, ông Seay phân tích.
Ông Seay nói rằng thế giới sẽ sớm trải qua siêu chu kỳ trong ngành năng lượng, khi mà nguồn cung không thể theo kịp nhu cầu từ các thị trường mới nổi, chính vì vậy giá dầu tăng cao.
“Chính quyền Mỹ đang cố gắng giảm nguồn cung một cách giả tạo ở thời điểm mà kinh tế Trung Quốc hoạt động trở lại sau COVID-19 khi mà kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại. Khi chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này, chắc chắn nhu cầu năng lượng sẽ tăng cao hơn, chu kỳ này sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm tới”, ông Sean nhấn mạnh.