Tại họp báo giới thiệu triển lãm Denims & Jeans Việt Nam lần thứ 5 ngày 17/2 tại TP HCM, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, ở Việt Nam hiện nay lĩnh vực sản xuất vải denim đang thu hút nhà đầu tư ngoại và nội, nhưng số lượng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn.
Vì vậy, nhằm mục đích giới thiệu với người tiêu dùng Việt và quốc tế những sản phẩm denim tốt, thân thiện, cũng như cho thấy được tiềm năng sản xuất của thị trường trăm triệu dân, VITAS sẽ phối hợp cùng nhiều đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm quốc tế Denimsandjeans về chuỗi cung ứng denim và đồ thể thao lần thứ 5, vào ngày 1 và 2/3/2023 tại TP HCM.
Chia sẻ tại họp báo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký VITAS, cho biết triển lãm năm nay sẽ có chủ đề Yogim. Chủ đề này gợi đến sự kết nối giữa bộ môn yoga và demin – hay còn gọi là vải bò, loại vải thô, bền, được dệt đan chéo một cách chắc chắn bằng 100% vải cotton.
“Thực tế các chuỗi cung ứng denim cũng đang có đóng góp tích cực cho chủ trương xanh hóa ngành dệt may Việt Nam. Nhiều nhà máy sản xuất vải và may thành phẩm denim đã được ứng dụng các công nghệ hiện đại để tiết kiệm nguồn nước và hạn chế các tác động của hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất đối với môi trường và người lao động”, bà Mai đánh giá.
Cũng tại buổi họp báo, ông Sandeep Agarwal, Giám đốc Công ty Balaji Enterprise kiêm Giám đốc Điều hành Denimandjeans, cho rằng, Việt Nam có lợi thế về sản xuất bền vững và chất lượng cao, và nguyên liệu sợi… để phát triển denim mạnh mẽ.
Theo ông Sandeep, Việt Nam hiện đang xuất khẩu hơn 65 triệu chiếc quần áo denim, đặc biệt mức thuế nhập khẩu vào thị trường EU hiện chỉ từ 4- 6%, dự kiến sẽ về 0% trong hai năm tới.
“Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn của Việt Nam. Ngoài ra ngành công nghiệp Việt Nam đã làm việc theo các quy trình sản xuất bền vững ngay từ đầu, nên sẽ giúp ích rất nhiều trong tương lai gần, khi chính phủ các nước phương Tây đang đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt đối với Green Washing (Tiếp thị xanh)”, ông Sandeep nhận định.
Một trong những phần quan trọng không thể thiếu của triển lãm Denimsandjeans là những buổi trao đổi, chia sẻ kiến thức và quan điểm của các chuyên gia đến từ khắp nơi trên thế giới. Phó Chủ tịch Nicolas Prophte của PVH sẽ chia sẻ về chủ đề “Việt Nam đóng vai trò như thế nào đối với vòng tuần hoàn của ngành công nghiệp denim”. Ông Võ Mạnh Hùng từ Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI) sẽ mang đến những điểm quan trọng của US Cotton Trust Protocol. Nhà sáng lập công ty Tonello danh tiếng của Ý – Alice Tonello, sẽ phát biểu về “Sự “Tiến hoá” trong công nghệ giặt là” và Kyle Stephens – Giám đốc điều hành KolAi denim USA sẽ trao đổi về AI (Trí thông minh nhân tạo) với chủ đề “Sự đột phá của denim với sự trợ giúp sáng tạo của AI”. Cựu Giám đốc PVH HK – Florian Schneider – sẽ chia sẻ tầm nhìn tương lai về “Denim năm 2030”. Ngoài ra còn có ông Serdar Denimcioglu từ công ty Kaiser (Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ chia sẻ cho khán giả chủ đề “Những cải tiến mới nhất trong hóa chất giặt là”.
Trong lần tổ chức thứ 5 tại Việt Nam, triển lãm sẽ ra mắt khu vực “DENIM BAZAAR”, nơi các thương hiệu thời trang Việt Nam trưng bày những mặt hàng denim sáng tạo của họ, bao gồm cả denim tái chế. Đây là dịp để khách tham quan có thể thưởng thức và sở hữu những sản phẩm chất lượng cao được làm ra bởi con người Việt Nam sáng tạo.
Đến với triển lãm, khách tham quan đến từ nước ngoài và cả Việt Nam sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về các dịch vụ cung ứng denim của Việt Nam. Điều quan trọng, Việt Nam hiện đang xuất khẩu hơn 65 triệu chiếc quần áo denim, đặc biệt mức thuế nhập khẩu vào thị trường EU hiện chỉ từ 4-6%, dự đoán sẽ bằng 0% trong 2 năm tới, điều đó cho thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn của Việt Nam. Ngoài ra, ngành công nghiệp Việt Nam đã làm việc theo các quy trình sản xuất bền vững ngay từ đầu, nên sẽ giúp ích rất nhiều trong tương lai gần khi chính phủ các nước phương Tây áp đang đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt đối với Green Washing (Tiếp thị Xanh).
P.V