Bài toán điều hành chính sách tiền tệ một lần nữa đặt ra, dù không mới nhưng tiếp tục mới, khi dữ liệu từ bên kia bán cầu vừa cập nhật.
Với mức tăng 8,2% trong tháng 9, dù thấp hơn đỉnh hồi tháng 6, song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 vẫn ở vùng cao nhất 40 năm. Điều này dẫn đến khả nâng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng mạnh lãi suất trong tháng 11 tới.
Nếu điều này xảy ra, đây là lần thứ 6 trong năm và lần thứ 4 liên tiếp Fed tăng lãi suất. Theo đó, bài toán điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam thêm khó, khi vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải hỗ trợ thúc đẩy kinh tế phát triển.
ĐIỂM HẸN THÁNG 11
CPI tháng 9 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,3% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Xét trên giai đoạn 12 tháng, lạm phát tổng thể tăng 8,2% trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với đỉnh 9% hồi tháng 6, nhưng vẫn dao động gần mức đỉnh 40 năm.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn ước tính tăng 0,4% của Dow Jones. So với cùng kỳ, lạm phát lõi tăng 6,6%, mức cao nhất trong 40 năm.
Ông Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, để kiểm soát lạm phát, đến nay Fed đã nâng tổng cộng 3 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, hiện đang ở khoảng 3-3,25%. Dù vậy, lạm phát tháng 9 vẫn ở mức cao bất chấp nỗ lực nâng lãi suất quyết liệt của Fed.
“Tôi cho rằng kế hoạch tăng lãi suất của Fed sẽ diễn ra ngay trong tháng 11 với mức lãi suất mạnh hơn”, ông Hòe dự đoán.
Còn theo phân tích của TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), mức tăng 263.000 việc làm của Mỹ trong tháng 9/2022 thấp hơn dự báo của các chuyên viên phân tích và là tháng tăng thấp nhất trong gần một năm rưỡi.
“Việc tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm về 3,5% và tiền lương tiếp tục tăng phát đi tín hiệu rõ ràng rằng Fed cần tiếp tục nâng mạnh lãi suất”, ông Việt nhấn mạnh.
Trước đó, các quan chức Fed cũng phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến khoảng 4,25-4,50% vào cuối năm nay và kết thúc năm 2023 ở mức 4,50-4,75% để kiểm soát lạm phát.
BÀI TOÁN KHÓ?
Về tác động, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học viện Tài chính, Fed đã tăng 5 lần lãi suất từ đầu năm đến nay, và lần thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,75%/lần. Khi Fed tăng lãi suất, USD tăng giá và làm cho đồng tiền các nước suy yếu. Cho nên, hầu hết ngân hàng trung ương các nước trên thế giới cũng đã tăng lãi suất để rút ngắn khoảng cách với USD.
“Tính đến cuối tháng 9, ngân hàng trung ương của 90 nước trên thế giới đã có 278 lần tăng lãi suất. Điều này tạo ra một làn sóng tăng lãi suất mạnh mẽ trên thế giới làm cho các dòng vốn xáo động rất lớn đến hoạt động các quốc giá trên thế giới”, ông Thịnh thông tin.
Tại Việt Nam, mỗi lần Fed tăng lãi suất đều tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Kể từ lần Fed tăng lãi suất lần đầu tiền (16/3), tỷ giá USD/VND đã tăng liên tục. Tại Vietcombank, giá bán USD ngày 16/3 chỉ ở mức 23.030 VND/USD, đến nay đã tăng lên mức 24.200 VND/USD vào ngày 14/10, tăng 1.170 VND/USD, tương đương mức tăng 5,1%.
Để giảm áp lực tỷ giá, bên cạnh việc bán một phần dự trữ ngoại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đồng loạt tăng mạnh các lãi suất điều hành thêm 1%. Dù khẳng định là bước đi phù hợp, song ông Thịnh cũng cho rằng, việc này cũng khiến mặt bằng lãi suất cho vay chắc chắn tăng lên làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Để giữ mức “ghìm cương” tỷ giá ở mức vừa phải, thời gian qua, ngành ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động VND. Mức lãi trên 8%/năm xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí có mức lãi suất gần 9%. Trong khi doanh nghiệp vừa phục hồi sau dịch COVID-19 lại gặp phải rào cản chi phí tài chính tăng do lãi suất cho vay tăng”, ông Thịnh quan ngại.
Trong bối cảnh đó, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, việc tỷ giá vẫn tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất.
Về nguyên tắc, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi vì doanh thu đổi ra VND được tăng lên. Tuy nhiên, thực tế khi USD tăng giá, người tiêu dùng các nước thắt chặt ‘hầu bao’ khiến đơn hàng sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… đã ghi nhận mức giảm kể từ tháng 7 đến nay.
“Trong khi đó, nếu VND tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể, nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài”, ông Việt lưu ý.
Ngoài việc sẽ đẩy lạm phát của Việt Nam đi lên vì giá hàng hóa nhập khẩu cũng lên theo, tỷ giá USD/VND tăng thì nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng gia tăng khi quy đổi theo VND. Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ thấy gia tăng rủi ro vào Việt Nam dù đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Từ đó có thể khiến họ lo ngại và làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam.
“Trên thực tế, dòng vốn FDI đăng kí mới vào Việt Nam giảm mạnh so với cùng kì, do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi nhìn vào tốc độ phục hồi kinh tế thế giới còn tương đối rủi ro, nên họ cân nhắc kĩ lưỡng về việc đầu tư ở đâu, thời điểm nào”, ông Việt nhìn nhận.
“ỔN ĐỊNH” THEO… “CHIỀU GIÓ”
Báo cáo thị trường tiền tệ của Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI cũng chỉ ra, khả năng tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). “Về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao, không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá”, SSI dự báo.
Nhìn nhận về vấn đề này, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, việc điều hành tỷ giá và lãi suất của NHNN trong giai đoạn hiện nay cực kỳ “nhạy cảm” và cần phải “linh hoạt”.
Các chính sách này phải làm sao phải giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó “ổn định” tỷ giá là mục tiêu hàng đầu để từ đó giữ lạm phát thấp, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển. “Ổn định” ở đây không phải là nghĩa cố định, mà phải theo “chiều gió” để có chính sách hợp lý.
“Khi lãi suất các nước tăng lên thì lãi suất điều hành của Việt Nam cũng có thể tăng lên, sau khi ổn định thì có thể giảm đi. Tương tự, khi chỉ số USD ở mức cao, thì Việt Nam cũng không thể giữ tỷ giá quá thấp, không các nhà đầu cơ sẽ lao vào để ôm USD.
Vì vậy, nên để tự thị trường tự điều tiết để đồng USD thể hiện được sức mạnh của nó. Sau đó, USD sẽ chững lại và giảm xuống thì chúng ta cũng điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm.
Tôi hy vọng tỷ giá USD/VND chỉ tăng quanh mức 3%, và lãi suất điều hành tăng ở mức 1-1,5% trong năm nay”, ông Thịnh tính toán.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, từ nay đến cuối năm, mức lãi suất huy động vẫn có thể tăng. Bởi, đây được coi như là giải pháp thu hút được lượng lớn tiền gửi từ người dân và các tổ chức để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Tuy vậy, để hạn chế việc tăng lãi suất cho vay, NHNN nên tiếp tục can thiệp bằng cách thông qua thị trường mở, cũng như thông qua lãi suất chiết khấu giúp các NHTM có nguồn vốn giá rẻ để lãi suất cho vay ổn định hoặc có tăng thì không đáng kể.
“Với nhiều chính sách hỗ trợ của NHNN, lãi suất cho vay sẽ ổn định, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong thời gian tới”, ông Việt vẫn kỳ vọng.
Dù có những áp lực, song ông Phạm Xuân Hòe vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá bao gồm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với vốn FDI thực hiện vẫn ở mức cao, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu)…
“Chính phủ cần tiếp tục những chính sách để đẩy mạnh xuất khẩu hay tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn để có nguồn thu ngoại tệ dồi dào, từ đó giảm áp cho tỷ giá”, ông Hòe khuyến nghị.