(NSO) – Ngày 21/5, TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Lao động trẻ – Khát vọng phát triển Thành phố” nhằm tôn vinh đóng góp của lực lượng lao động trẻ trong 55 năm qua, đồng thời đề xuất giải pháp phát huy nguồn nhân lực này.
TP Hồ Chí Minh sau 55 năm hình thành và phát triển đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đầu tàu phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu của cả nước. Thế hệ trẻ không chỉ đơn thuần là những người lao động, mà dần trở thành đội ngũ tiên phong trong học tập, tiếp thu công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất và khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế TP Hồ Chí Minh đang trên đà phát triển, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh từng bước hoàn thiện ổn định, nhất là công nghiệp, thương mại, dịch vụ trọng yếu và du lịch… kéo theo nhu cầu nhân lực tăng cao, thị trường việc làm sôi động.
“Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân trên 95%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo đại học chiếm tỷ trọng bình quân 25%, Cao đẳng chiếm 23%, trung cấp chiếm 32% và sơ cấp chiếm 20%”, ông Cường cho biết thêm.
TP Hồ Chí Minh hiện có trên 2,3 triệu lao động trẻ trong độ tuổi thanh niên. Đây là một trong những nguồn lực quý giá nhất của thành phố. Theo bà Lương Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, lực lượng trẻ đã chuyển dịch tích cực từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ là những lĩnh vực then chốt trong phát triển bền vững.
Tuy nhiên, sự phát triển cũng đặt ra không ít thách thức. Lao động trẻ đang đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi từ “lao động tay chân” sang “lao động tri thức”, từ sản xuất đơn thuần sang đổi mới sáng tạo, dẫn dắt công nghệ. Trong quá trình này, không ít bạn trẻ còn gặp trở ngại như thiếu định hướng nghề nghiệp, thiếu kỹ năng mềm, không tìm được việc làm đúng ngành, phải chọn các công việc tạm thời hoặc rơi vào trạng thái “học xong không biết làm gì”.
“Tăng trưởng kinh tế chỉ bền vững khi gắn với tăng năng suất lao động, mà năng suất không thể tăng nếu bỏ qua nhân tố con người, đặc biệt là người trẻ”, bà Tới nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh hiện nay đang rất cần lao động trẻ, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 66%, công nghiệp và xây dựng 33%. Nhưng nghịch lý là trong khi thị trường thiếu hụt nhân lực thì người lao động lại loay hoay chưa tìm được vị trí phù hợp.
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: “Học sinh thường lo AI sẽ cướp việc làm. Thực tế, AI có thay đổi thị trường lao động, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho nhân lực số, chất lượng cao. Việc học là cần thiết nếu không học sẽ bị bỏ lại phía sau. Quan trọng là chọn đúng hướng nếu tốt nghiệp THPT có thể học đại học, cao đẳng, còn chỉ tốt nghiệp THCS thì nên học tiếp hoặc vào trung cấp nghề”.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Chuyển đổi số đang tái cấu trúc ngành nghề, người học cần thích ứng và lựa chọn ngành phù hợp để trở thành nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới”.
Ông Nguyễn Thiên Ân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại điện tử Cầu Vồng đặt câu hỏi thẳng thắn: “Tại sao sinh viên không có việc làm, còn doanh nghiệp lại thiếu người? Vấn đề cốt lõi là sinh viên thiếu kỹ năng mềm”.
Câu chuyện này phản ánh thực trạng đào tạo chưa sát với nhu cầu thị trường. Bên cạnh chuyên môn, kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy phản biện, làm việc nhóm và quản trị cảm xúc… đang là “khoảng trống” khiến nhiều lao động trẻ dù có bằng cấp vẫn không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để phát huy tối đa tiềm năng của lao động trẻ trong chiến lược phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ: “Chúng tôi đã chủ động đào tạo chính nhân viên của mình và tích hợp AI vào chương trình học. Biến động là bình thường, nhưng điều quan trọng là thích ứng nhanh”.
Bà Hạnh chia sẻ thêm: “Để tạo môi trường làm việc sáng tạo, giữ chân nhân tài thì cần phải xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp với tính năng tích hợp: Không gian học tập – làm việc – đổi mới sáng tạo. Phải có chính sách đãi ngộ hấp dẫn, chế độ phát triển nghề nghiệp dài hạn. Tạo các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm ý tưởng cho người trẻ. Mở rộng cơ hội học nghề và không giới hạn sinh viên”.
Đây là gợi ý thực tế về việc mở rộng cơ hội đào tạo cho nhóm lao động chưa qua đạo tạo chính quy trên ghế nhà trường cũng một phân khúc tiềm năng, nhưng chưa được khai thác đúng mức.
Trong chiến lược dài hạn, TP Hồ Chí Minh định hướng trở thành trung tâm tài chính, công nghệ, sáng tạo hàng đầu khu vực. Để hiện thực hóa điều này, việc đầu tư vào con người, đặc biệt là nguồn lao động trẻ là bước đi không thể thiếu.
Lao động trẻ TP Hồ Chí Minh đang đứng trước những cơ hội rộng mở, song cũng không ít thách thức. Khi được định hướng và hỗ trợ đúng cách, họ không chỉ vươn lên cho bản thân và gia đình mà còn góp phần kiến tạo tương lai cho thành phố. TP Hồ Chí Minh cần trở thành nơi người trẻ có thể học tập, làm việc, lập nghiệp và sống xứng đáng với những giá trị mà họ tạo dựng.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về vai trò và sự đóng góp của lực lượng lao động trẻ đối với sự phát triển của Thành phố; những trăn trở, quan tâm, khát vọng muốn cống hiến của lao động trẻ cho sự phát triển của Thành phố trong thời kỳ cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, các đại biểu đề xuất giải pháp phát huy vai trò lao động trẻ, những gợi mở, định của Thành phố cho lực lượng lao động trẻ trong giai đoạn sắp tới…/.
P.V