Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nguyên nhân thiếu giáo viên do từ nhiều năm về trước, nhiều năm không tuyển, số tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu. Thiếu giáo viên do tăng dân số tự nhiên…
Nếu vào năm học mới tháng 9/2015, tổng số học sinh trên 19 triệu thì tới tháng 9/2022 số học sinh đã trên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên vào tháng 9/2015 có hơn 1,1 triệu cho bậc mầm non đến phổ thông và đến tháng 9/2022 có hơn 1,2 triệu giáo viên. “Như vậy, số giáo viên nhích thêm hơn 100.000, trong khi số học sinh tăng hơn 3 triệu. Đây là thiếu do tăng dân số tự nhiên”- ông Sơn lý giải.
Ngoài ra, thiếu giáo viên còn do biến động vùng miền, dân số dồn về thành phố lớn, các khu công nghiệp. Thiếu giáo viên do tình hình dịch bệnh, tác động đến các trường mầm non, do dịch bệnh các trường mầm non đóng cửa rất lớn. Thiếu do nhu cầu do nhu cầu phổ cập mầm non; thiếu do chuẩn tỷ lệ giáo viên/học sinh, số học sinh/lớp cần đảm bảo…
Muốn nâng cao chất lượng thì không thể duy trì số lượng học sinh quá lớn. Nếu số lượng lớp học mà 60-65 học sinh/lớp thì sẽ rất khó nâng cao chất lượng dạy và học.
Cùng với việc làm rõ những nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên và tình trạng giáo viên bỏ việc, chuyển việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết vừa qua Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu, sẽ tuyển dần từ nay đến năm 2026; riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu.
Tại các địa phương, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiện còn một chính sách rất quan trọng có thể giúp giảm được tỷ lệ thiếu giáo viên, đó là cân nhắc việc giảm biên chế 10% và xem xét việc điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là ở bậc mầm non. Bộ trưởng cũng đề nghị cần giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng để đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển dụng giáo viên.
Về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng việc này không phải chỉ riêng Việt Nam mà sau giai đoạn kiểm soát dịch Covid -19, có dấu hiệu tái bùng phát, lan mạnh ở nhiều quốc gia thì vấn đề liên quan đến chuyển dịch làn sóng nguồn nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư nhân ở nhiều nước cũng đã xảy ra.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) dự báo hệ thống y tế toàn cầu thiếu khoảng 15 triệu nhân lực vào năm 2022. Bên cạnh những đặc điểm tương đồng với tình hình chung của thế giới thì làn sóng chuyển dịch của ngành y tế ở Việt Nam có những điểm đặc biệt hơn.
“Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ nhân viên y tế trên quy mô dân số ở mức thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới. Hiện nay chúng ta có khoảng 10 bác sĩ và 3 điều dưỡng trên 10.000 dân. Và tình hình nhân viên y tế công nghỉ việc chuyển sang công tác tại khu vực tư cũng tăng gần đây”- bà Đào Hồng Lan thông tin.
Qua quá trình triển khai thực hiện các chính sách rà soát, đánh giá nhân viên y tế nghỉ việc, Bộ Y tế nhận thấy quy mô và phạm vi dịch chuyển diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến từ cấp y tế cơ sở, trạm y tế đến các bệnh viện địa phương, trung ương, trong đó có nhiều địa phương có số lao động lớn.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu một số giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực y tế. Theo đó, đối với các chính sách liên quan hỗ trợ cho nhân viên y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, sở y tế dự phòng.
Hiện nghị định này đang được trình Chính phủ. Các chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giúp tăng nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ báo cáo bổ sung trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Giải đáp tổng thể bức tranh công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, số liệu tổng hợp của 63 địa phương và các bộ, ngành từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022 là 39.552 người, bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức. Trong đó, số công chức là hơn 4.000 người, chiếm 10% tổng số công chức, viên chức thôi việc. Viên chức là hơn 35.500 người, chiếm 90%.
Ở Trung ương, số thôi việc chiếm 18% và 82% ở địa phương. Nếu xét theo vùng miền thì khu vực Đông Nam Bộ chiếm hơn 37% tổng số công chức, viên chức thôi việc; Đồng bằng sông Cửu Long là gần 23%, đồng bằng sông Hồng chiếm hơn 14%, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là gần 11%. Còn vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Các địa phương có số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều là TPHCM (hơn 6.700 người) , Đồng Nai và Hà Nội mỗi nơi hơn 2.000 người; các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ trong khoảng 800-900 người.
Số lượng nghỉ việc nhiều tập trung ở ngành y tế và giáo dục. Trong đó, ngành giáo dục có hơn 16.400 người, y tế là hơn 12.000 người.
“Số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn nhưng tập trung ở lĩnh vực trọng điểm giáo dục và y tế nên đây là thách thức cho sự nghiệp công, trực tiếp chăm lo cho nhân tố con người”- Bộ trưởng Nội vụ nhận định.
Nhằm giảm thiểu thực trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, trưởng ngành Nội vụ cho rằng, giải pháp chủ yếu là cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả đồng thời các nhiệm vụ, trong đó có cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; quan tâm rà soát hệ thống thể chế, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, chất lượng, hiệu quả; sớm xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng người tài, có chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập…