Thiệt hại trong một trận động đất ở Myanmar năm 2011. Ảnh: Al Jazeera
(NSO) – Theo AP, một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter đã xảy ra tại Myanmar vào đầu giờ chiều ngày 28/3/2025, với tâm chấn nằm ở khu vực miền trung, cách thành phố Monywa khoảng 50 km về phía đông. Nhiều người ở Việt Nam cũng cảm nhận rõ sự rung lắc do trận động đất gây ra.
Tiếp tục cập nhật…
Người dân Myanmar và Thái Lan nói gì về trận động đất mạnh?
Người dân tràn ra bên ngoài tòa nhà ở thủ đô Bangkok sau trận động đất mạnh ở nước láng giềng – Myanmar. Ảnh: AFP
Theo CNN, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã xảy ra ở miền trung Myanmar vào ngày 28/3.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết trận động đất xảy ra cách thị trấn Sagaing, Myanmar 16 km về phía tây bắc vào khoảng 12:50 trưa (giờ địa phương).
Theo USGS, một dư chấn mạnh 6,4 độ Richter đã xảy ra ở khu vực này khoảng 12 phút sau trận động đất đầu tiên.
Một người dân ở Yangon, Myanmar, nói với CNN: “Chúng tôi cảm thấy trận động đất trong khoảng một phút và sau đó chúng tôi chạy ra khỏi tòa nhà”.
“Chúng tôi cũng thấy những người khác chạy ra khỏi các tòa nhà. Trận động đất xảy ra đột ngột và rất mạnh”, người này nói thêm.
Trận động đất có thể cảm nhận được ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, nơi một nhà báo của CNN đã ghi lại cảnh tượng hỗn loạn trong căn hộ của anh, với những bóng đèn đung đưa qua lại khi cư dân vội vã sơ tán khỏi tòa nhà. Tại Việt Nam, Ấn Độ hay Trung Quốc cũng cảm nhận được rung lắc.
Một cư dân khác ở thành phố Chiang Mai phía bắc Thái Lan, cho biết: “Khi đang ở trong phòng, tôi cảm nhận được động đất trong khoảng mười giây, sau đó tôi nhận ra rằng mình không thể ở trong phòng. Vì vậy, tôi vội vã chạy ra ngoài”.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người dùng cho biết họ có thể cảm nhận được trận động đất ở các tỉnh Vân Nam (giáp Myanmar), và tỉnh Thiểm Tây.
Động đất chấn động Đông Nam Á
Hiện chưa có báo cáo ngay lập tức về ảnh hưởng của trận động đất tại Myanmar. Trận động đất này đã gây rung lắc mạnh tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, khiến nhiều tòa nhà cao tầng rung chuyển và dẫn đến việc sơ tán người dân. Tại thành phố Hà Nội của Việt Nam, nhiều tòa nhà cũng ghi nhận rung lắc.
Khoảng 13h30, người dân ở nhiều khu vực tại Việt Nam đã cảm nhận được rung lắc vì động đất. “Động đất hả mọi người”, “Có động đất, động đất mọi người ơi”… là một số câu trong một nhóm chat của một chung cư tại TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Còn tại Hà Nội, chị L. (nhân viên văn phòng) cũng xác nhận vừa cảm nhận rung lắc khi ở trên cao của một tòa nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội. Qua nhóm chat Messenger, chị đã thông báo cho các nhân viên về sự việc này.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu thông tin: Trận động đất ở Myanmar diễn ra vào lúc 13 giờ 20 phút 20 giây ngày 28/03/2025 (giờ Hà Nội). Toạ độ : 21.71 N – 96.02 E. Độ sâu: 10 km.
Ông Putin nói Mỹ muốn kiểm soát đảo Greenland từ lâu
“Thoạt nhìn, điều này có thể khiến một số người ngạc nhiên. Thật sai lầm khi nghĩ rằng đây chỉ là kế hoạch viển vông của chính quyền mới ở Mỹ”, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Bắc Cực Quốc tế ở Murmansk, Nga.
Theo ông Putin, các chính quyền Mỹ đã muốn kiểm soát đảo Greenland từ những năm 1860, cùng với thời điểm mua lại Alaska, nhưng không được Quốc hội ủng hộ.
“Tôi xin nhắc lại rằng đến năm 1868, việc mua Alaska đã bị chế giễu trên các tờ báo Mỹ. Người ta gọi đó là sự điên rồ, gọi khu vực đó là ‘hộp đá’ hay ‘khu vườn gấu bắc cực’ của Andrew Johnson – Tổng thống Mỹ khi đó. Các đề xuất tiếp theo về việc mua đảo Greenland đã thất bại”, ông Putin nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik.
Ngày nay, bang Alaska là một trong những vùng lãnh thổ quan trọng của Mỹ, giúp Washington mở rộng vị thế ở Bắc Cực. Thông qua Alaska, Mỹ có thể tiếp tục mở rộng ảnh hưởng tới đảo Greenland.
Đây là lần đầu tiên ông Putin trực tiếp đề cập việc Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mua đảo Greenland từ Đan Mạch. Trước đây, Nga nói sẽ theo dõi sát sao diễn biến liên quan vì Moscow cũng có “lợi ích chiến lược” ở Bắc Cực.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Putin cho biết Nga ủng hộ hợp tác bình đẳng ở Bắc Cực, mặc dù thực tế là hợp tác quốc tế trong khu vực đang “trải qua thời kỳ khó khăn”.
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác không chỉ với các quốc gia Bắc Cực mà còn với tất cả những ai, giống như chúng tôi, chia sẻ trách nhiệm cho một tương lai ổn định, bền vững cho hành tinh và có thể đưa ra quyết định cân bằng trong nhiều thập kỷ tới”, ông nói thêm.
Pháp cảnh báo lực lượng gìn giữ hòa bình có thể “phản ứng”
Hôm 27/3, lãnh đạo 31 quốc gia đã tới Paris để tham dự hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer đồng chủ trì. Tổng thống Ukraine Zelensky cũng tới dự hội nghị.
Theo Reuters, các cuộc thảo luận tại hội nghị sẽ bao gồm việc duy trì, tăng cường viện trợ quân sự, củng cố ngành công nghiệp quốc phòng cho Ukraine và đàm phán ngừng bắn.
Từ trái qua phải, Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Anh Starmer trong cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh 31 nước (ảnh: Reuters)
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, với sự hỗ trợ của Mỹ. Trước hội nghị, Thủ tướng Anh Starmer đã nhấn mạnh rằng “Liên minh tự nguyện” cần sự hậu thuẫn của Mỹ để thành công.
Phát biểu trước khi khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp Macron cảnh báo, nếu được triển khai, lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu có thể “phản ứng” khi quân đội Nga tấn công Ukraine (sau khi có thỏa thuận hòa bình).
Theo ông Macron, lực lượng châu Âu có thể được triển khai tại “các thành phố quan trọng” và những khu vực khác.
“Nếu lại xảy ra một cuộc tấn công tổng lực vào lãnh thổ Ukraine, các lực lượng này trên thực tế sẽ bị tấn công, và khi đó, họ sẽ hoạt động theo khuôn khổ tham chiến thông thường của chúng ta”, ông Macron nói.
“Khi binh sĩ của chúng ta được huy động và triển khai, họ có nhiệm vụ phản ứng và thực hiện mệnh lệnh từ tổng tư lệnh. Nếu họ rơi vào tình huống xung đột, họ sẽ phải đáp trả”.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, trước hội nghị thượng đỉnh hôm 27/3, ông Macron đã điện đàm và trao đổi một số vấn đề với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó, hôm 26/3, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Igor Zhovkva cho hay, Ukraine cần sự đóng góp “nghiêm túc” từ châu Âu với các binh sĩ có năng lực và sẵn sàng chiến đấu, không chỉ là lực lượng gìn giữ hòa bình thông thường.
“Chúng tôi không cần sự xuất hiện của binh sĩ châu Âu chỉ để cho có”, ông Zhovkva nói.
Hôm 25/3, Tổng thống Pháp Macron cho biết, lực lượng gìn giữ hòa bình chỉ có thể được triển khai tới Ukraine sau khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết, nhằm đảm bảo “sự tôn trọng” đối với thỏa thuận đó.
Ông Macron khẳng định binh sĩ châu Âu không tới Ukraine để ra tiền tuyến chiến đấu.
“Đây là cách tiếp cận mang tính hòa bình”, Tổng thống Pháp khi đó nhấn mạnh.
Tại hội nghị hôm 27/3, Thủ tướng Anh Starmer và Tổng thống Ukraine Zelensky cũng có cuộc họp báo chung.
“Điều nổi bật nhất trong cuộc họp là nhiều quốc gia không hài lòng với Nga và họ đã ủng hộ Ukraine suốt hơn 3 năm qua”, ông Starmer nói.
“Các bạn có sự ủng hộ của chúng tôi”, ông Starmer nói với ông Zelensky.
Trong một phát biểu được cho là ngầm chỉ trích Mỹ, Zelensky cho biết ông “rất vui” khi các nước châu Âu “không dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Nga”.
“Việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga là rất quan trọng”, ông Zelensky nói.
Trước đó, hôm 25/3, Tổng thống Mỹ Trump cho biết, Mỹ đang cân nhắc nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Nga.
Nga tố Ukraine phá vỡ lệnh ngừng bắn
Hôm 27/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, trong vòng 24 giờ qua, lực lượng Ukraine đã ít nhất 3 lần vi phạm lệnh ngừng bắn vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các vụ tấn công bao gồm một đợt UAV tập kích vào tỉnh Bryansk, khiến đường dây điện cao thế bị hư hại. Một vụ pháo kích vào trạm biến áp ở Bryansk. Và một vụ UAV tập kích kho dự trữ khí đốt ở bán đảo Crimea.
“6 UAV của Ukraine đã bị đánh chặn khi tiếp cận mục tiêu”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, không tiết lộ về thiệt hại.
Hỏa hoạn ở Dnipropetrovsk do UAV tấn công (ảnh: Serhii Lysak/Telegram)
Cùng ngày 27/3, không quân Ukraine tuyên bố, quân đội Nga phóng một tên lửa Iskander-M và 86 UAV vào nhiều khu vực ở Ukraine. Lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ 42 UAV. Số còn lại “biến mất” khỏi màn hình radar.
Không quân Ukraine không tiết lộ tên lửa Iskander-M có bị đánh chặn hay không.
Vụ tập kích gây ra thiệt hại ở 4 khu vực Kharkiv, Sumy, Dnipropetrovsk và Chernihiv, không quân Ukraine cho hay, không tiết lộ thêm chi tiết.
Trước đó, hôm 18/3, quân đội Nga đã được lệnh không tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, theo thỏa thuận được Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump nhất trí.
Chính quyền Kiev cũng tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn giới hạn này. Tuy nhiên, sau đó cả Nga và Ukraine đều cáo buộc đối phương tiếp tục tấn công, nhắm và hạ tầng năng lượng.
Theo Vương Nam – Reuters, AP, Guardian, RT (Người đưa tin)