Tiếp theo 20 Kỷ lục Bất biến đã được giới thiệu, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức công bố 20 Kỷ lục tiếp theo trong HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM VÀ CÔNG BỐ TOP 100 KỶ LỤC BẤT BIẾN CỦA VIỆT NAM (Lần thứ nhất/Năm 2022), dưới góc nhìn Kỷ lục.
Năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) triển khai thực hiện HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM VÀ CÔNG BỐ TOP 100 KỶ LỤC BẤT BIẾN CỦA VIỆT NAM (Lần thứ nhất) nhằm giới thiệu, quảng bá các Kỷ lục không thể thay thế và không hoặc khó bị phá vỡ của đất nước và con người Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, góp phần tôn vinh các giá trị độc đáo của Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước.
Các Kỷ lục Bất biến được tổng hợp và ghi nhận nhằm giúp người dân Việt Nam thêm hiểu và tự hào về những giá trị đặc biệt của đất nước. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy để những giá trị ấy mãi mãi song hành cùng thời gian.
1. Mỏ than Kế Bào (Quảng Ninh) – Mỏ than đầu tiên tại Việt Nam
Nằm tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, mỏ than Kế Bào là một trong những địa điểm khai thác mỏ than đầu tiên tại Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo các tài liệu lịch sử, mỏ than Kế Bào được xác định là mỏ than đầu tiên ở Việt Nam.
Vào năm 1888, người Pháp bắt đầu lập mỏ khai thác than và Kế Bào là mỏ than đầu tiên được S.F.C.T (Công ty Than Bắc Kỳ) thành lập vào ngày 1-9-1888. Năm 1890 có 2.750 công nhân. Sản lượng than đã khai thác của Công ty Kế Bào là 30.242 tấn. Năm 1932, có 1.700 công nhân Á Đông và 13 người châu Âu. Mỏ than Kế Bào ra đời là sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Than Việt Nam. Cũng từ đây, đội ngũ công nhân mỏ Việt Nam ra đời.
Đến nay, mỏ than Kế Bào chỉ còn lại dấu tích của hệ thống cầu sắt, đường xe goòng tải than, tường bao nền nhà hoang phế, đường thông gió,… được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
2. Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) – Vườn quốc gia bảo tồn hệ sinh thái rừng Khộp duy nhất tại Việt Nam
Vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những cánh rừng lớn, nơi đây ẩn chứa rất nhiều điều thú vị hấp dẫn khách du lịch cũng như các nhà nghiên cứu khoa học bởi những phong cảnh độc đáo và hoang sơ của thiên nhiên. Vườn quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, xã Ea Bung, Chư M’Lanh huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và xã Ea Pô huyện Cư Jút (tỉnh Đăk Nông); cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40km về phía Tây Nắc.
Được thành lập năm 1992, với diện tích 115.54 ha, Yok Đôn là khu vực duy nhất tại Việt Nam bảo tồn được hệ sinh thái rừng khộp.
Nơi đây sở hữu hệ sinh thái rừng khộp điển hình, đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Yok Đôn được xếp hạng A trong các khu bảo vệ có tầm quốc tế. Rừng khộp là loại rừng khô, thưa, chủ yếu là cây họ dầu, có đặc trưng rụng lá vào mùa khô. Còn vào mùa mưa, thảm cỏ và lớp thực bì phát triển mạnh, trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho các loài động vật.
Rừng có hệ thống động – thực vật đa dạng, phong phú. Đặc biệt với hệ sinh thái rừng khộp điển hình của khu vực Đông Dương với những loài cây dầu như: dầu trà beng, dầu lông, dầu đồng… và rất nhiều loài cây làm thuốc: địa liền, thiên niên kiện, sâm bổ chính, mã tiền… cùng hàng chục loài cây làm cảnh và cung cấp nguyên liệu thủ công mỹ nghệ, thực phẩm. Với hệ sinh thái tuyệt vời như vậy, đây cũng là nơi lí tưởng để động vật sinh sống.
Vườn quốc gia Yok Đôn có hệ thống động – thực vật đa dạng, phong phú
Đặc biệt, từ năm 2014, Vườn quốc gia Yok Don là đơn vị đầu tiên thay đổi mô hình du lịch thân thiện với voi tại Việt Nam. Không những lưu giữ một hệ sinh thái phong phú và đa dạng mà vườn Quốc gia Yok Đôn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
3. Bãi biển Trà Cổ (Quảng Ninh) – Bãi biển dài nhất Việt Nam
Cách thành phố Móng Cái sầm uất và náo nhiệt chưa đến 10km là một không gian hoàn toàn khác biệt của Trà Cổ hoang sơ, yên bình. Với hơn 15km đường bờ biển, diện tích khoảng 170ha cong hình vành khuyên, trải từ Mũi Gót phía bắc đến Mũi Ngọc ở phía Nam, Trà Cổ là bãi biển dài nhất Việt Nam. Đặc biệt hơn, đây cũng chính là bãi biển đầu tiên có trên bản đồ và nhờ vị trí địa lý, nơi đây còn là bãi biển gần biên giới nhất.
Cảnh đẹp biển Trà Cổ không nơi đâu có được: làn cát mịn, nước biển trong xanh mang dáng dấp của biển miền Trung nhưng lại có những dãy núi soi mình mang dáng dấp biển miền Bắc. Sự hòa lẫn của các vùng biển ấy tạo cho Trà Cổ vẻ đẹp sông núi hiền hòa, trữ tình và nên thơ.
4. Rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) – Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam
Nằm cách trung tâm TP.HCM gần 40 km, rừng ngập mặn Cần Giờ có tổng diện tích hơn 75.000 ha, trong đó vùng lõi rộng 4.721 ha, vùng đệm 41.000 ha và vùng chuyển tiếp 29 nghìn ha. Nơi đây là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú
Mức độ đa dạng sinh học tại đây ngày càng gia tăng cả về chủng loài và số lượng cá thể. Theo như tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học thì hiện nay ở Cần Giờ đang có:
– Hệ thực vật: có 318 loài thực vật bậc cao (Nhóm cây ngập mặn chủ yếu: 37 loài; Nhóm cây tham gia rừng ngập mặn: 56 loài; Nhóm cây du nhập: 225 loài)
– Hệ động vật: Côn trùng: 89 loài; Cá: 282 loài; Lưỡng cư: 36 loài; Bò sát: 36 loài; Chim: 164 loài; Thú: 35 loài
– Phiêu sinh vật: 66 loài động vật nổi, 66 loài thực vật nổi.
Mức độ đa dạng sinh học tại Rừng ngập mặn Cần Giờ ngày càng tăng
Theo các chuyên gia nước ngoài đánh giá rằng đây là một khu rừng được khôi phục, chăm sóc và bảo vệ thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam và cả trên toàn thế giới. Bên cạnh là địa điểm lý tưởng để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học thì đây còn là một khu du lịch trọng điểm quốc gia của Việt Nam.
5. Trạm khí tượng Phù Liễn (Hải Phòng) – Trạm khí tượng thủy văn đầu tiên tại Việt Nam
Năm 1902, toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định 421 cho phép xây dựng tòa nhà chính của Sở khí tượng Đông Dương trên đỉnh núi Phù Liễn cách mặt nước biển 116m. Vào lúc bấy giờ, núi Phú Liễn còn là vị trí đắc địa phục vụ cho công tác nghiên cứu và dự báo khí tượng ở khu vực Đông Dương. Nơi này gồm 12 trạm khí tượng và 29 trạm khí hậu. Đài khí tượng tự hào là trung tâm nghiên cứu dự báo khí tượng thủy văn sánh ngang với đài khí tượng của Mỹ ở Manila (Philippines), đài khí tượng Tokyo (Nhật Bản).
Năm 1906, Đài khí tượng Phù Liễn được chính thức đi vào hoạt động quan trắc lấy số liệu về nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, lượng mưa, và tốc độ gió. Đài khí tượng Phù Liễn đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc quan trắc khí tượng cho ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào, Campuchia. Ngày 5/11/1976, đài được đổi tên thành Đài khí tượng thủy văn Phù Liễn và được giữ cho đến ngày nay.
Trạm Khí tượng Phù Liễn không chỉ là trạm quan trắc lâu đời, mà còn là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử phát triển của ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam cũng như thế giới.
Vào năm 2018, Tổ chức khí tượng thế giới đã chính thức cấp bằng công nhận trạm khí tượng thủy văn Phù Liễn là trạm khí tượng trên 100 tuổi.
6. Động Thiên Đường (Quảng Bình) – Hang động khô dài nhất Việt Nam
Động Thiên Đường nằm ở km 16 (cách rìa nhánh tây đường Hồ Chí Minh gần 4 km), nằm trong lòng một quần thể núi đá vôi ở độ cao 191m, bao quanh là cánh rừng nguyên sinh hoang sơ thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.
Hang động này được hình thành trên nền địa chất caxtơ cổ, có niên đại từ 350 – 400 năm về trước. Với chiều dài hơn 31,4km và rộng dao động từ 30 – 100 m, có đoạn rộng nhất lên tới 150m; chiều dài đáy đến trần khoảng 60 – 80m; động Thiên Đường trở thành hang động khô dài nhất Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung do Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá.
Động Thiên Đường được chia làm nhiều khoang, khoang rộng nhất có chiều rộng lên đến 150m, chiều cao 100m.
Cảnh quan mê hoặc trong Động Thiên Đường
Hệ hống thạch nhũ trong động vô cùng phong phú về giá trị địa chất cũng như hình hài, được gọi với những cái tên mỹ miều như: Thạch Hoa Viên, tháp Liên Hoa, Thỏ Ngọc, cung Giao Trì, cung Quảng Hàn, Quần Tiên hội tụ,…
7. Thảo Cầm Viên (TP.HCM) – Vườn thú lâu đời nhất Việt Nam
Thảo Cầm Viên ở TP.HCM là vườn thú lâu đời nhất Việt Nam và là một trong những vườn thú lâu đời nhất trên thế giới. Vườn thú được Pháp xây dựng từ năm 1864. Ban đầu, vườn thú có bên là Vườn Bách Thảo, từ năm 1956, Vườn Bách Thảo được tu sửa, tái thiết và đổi tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho đến nay.
Sau 158 năm tồn tại, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn với khoảng 1000 cá thể động vật gồm hàng chục loài có vú, hàng chục giống chim, nhiều giống bò sát và bộ sưu tập khoảng 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và thảm cỏ xanh trên diện tích 20ha… và liên tục được bổ sung thêm.
Hiện Thảo cầm viên là thành viên của nhiều tổ chức động, thực vật quốc tế, trong đó có Hiệp hội các Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA); Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); Hiệp hội Vườn thú và Hồ cá thế giới (WAZA); Tổ chức Quản lý loài quốc tế (ISIS)…
Ngoài ra, trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn có hai công trình kiến trúc đặc sắc khác, đó là Đền Vua Hùng dựng năm 1926 và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM mở cửa từ năm 1929.
8. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng) – Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam
Năm 1958, Việt Nam Cộng hòa đã thành lập Nguyên tử lực cuộc và đến năm 1961 một cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật hạt nhân được thành lập mang tên: Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt. Trung tâm được xây dựng tại một khu vực có diện tích 21 hecta bên đường Nguyên Tử Lực, phía đông bắc trung tâm Đà Lạt.
Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 4/1961 và được hoàn thành vào tháng 12/1962. Đây là một công trình do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng các kiến trúc sư phụ tá Nguyễn Mỹ Lộc, Phạm Quỳnh Lân và Vũ Tòng chịu trách nhiệm thiết kế công trình. Mục tiêu xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt là sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ để nghiên cứu trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế… cũng như thực hiện các nghiên cứu cơ bản về v��t lý lò phản ứng và an toàn bức xạ.
Từ đó đến nay, các nhà khoa học hạt nhân Việt Nam đã vận hành an toàn và khai thác thành công thiết bị hạt nhân này vào những mục tiêu hòa bình trong đời sống và công cuộc xây dựng đất nước.
9. Cầu sông Hàn (Đà Nẵng) – Cầu quay dây văng đầu tiên tại Việt Nam
Cầu quay Sông Hàn được khởi công xây dựng ngày 2/9/1998 và khánh thành, đưa vào sử dụng đúng ngày kỷ niệm 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng 29/3/2000.
Đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Đà Nẵng, vì cầu sông Hàn là cây cầu quay dây văng đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, cầu sông Hàn được thiết kế bởi kiến trúc sư Việt Nam, đồng thời được xây dựng với sự giúp đỡ của người dân địa phương. Cầu là vạch nối liền hai trục đường chính của Đà Nẵng là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông. Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.
Hàng đêm, phần giữa của cây cầu sẽ quay quanh trục một góc vuông 90 độ, nằm song song với dòng chảy để tàu bè lớn có thể chạy từ sông ra biển và ngược lại. Thời gian để cầu quay mất khoảng 15 đến 20 phút. Đến khoảng 3h30, cầu Sông Hàn sẽ được quay về vị trí cũ.
Cầu Sông Hàn không chỉ góp phần thuận lợi cho giao thông đô thị và phát triển kinh tế của thành phố như mà còn được xem là một biểu tượng của một thành phố biển Đà Nẵng.
10. Rạp hát Thầy Năm Tú (Tiền Giang) – Rạp hát cải lương đầu tiên tại Việt Nam
Thầy Năm Tú hay Pierre Tú có tên thật là Châu Văn Tú, người làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Vốn sinh ra ở vùng đất có truyền thống âm nhạc, nên ông rất say mê nghệ thuật cải lương. Ông xây dựng một rạp hát vào đầu năm 1918 ở gần chợ Mỹ Tho (hiện nay tọa lạc ở ngã ba đường Lý Công Uẩn và đường Nguyễn Huệ, phường 1, TP. Mỹ Tho) để gánh biểu diễn. Đây là rạp hát cải lương đầu tiên của nước ta.
Thầy Năm Tú
Rạp thầy Năm Tú có sân khấu rộng và cao; bố trí hệ thống ròng rọc để thay đổi phông, màn; hai bên sân khấu có treo nhiều lớp cánh gà; có hệ thống ánh sáng theo sự điều khiển hằng đêm của thầy tuồng. Rạp có hai tầng, ghế chia theo thứ hạng, trên lầu cạnh hai bên sân khấu được chia thành từng “lô” dành cho các vị khách quan trọng. Đến thập niên 1950-1960, rạp được bán lại cho một chủ tiệm vàng và đổi tên là Hí viện Vĩnh Lợi. Hí viện Vĩnh Lợi lúc bấy giờ vừa là rạp hát cho các đoàn cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh về biểu diễn vừa là rạp chiếu phim phục vụ công chúng. Sau năm 1975, rạp Vĩnh Lợi được đổi tên thành Rạp hát Tiền Giang và nay trở lại với tên gọi là Rạp hát Thầy Năm Tú.
Từ năm 2010, sau khi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã trùng tu, ngày 4/6/2012, rạp hát Thầy Năm Tú được UBND tỉnh Tiền Giang ra Quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Được biết, từ năm 2013 đến nay, hàng tuần, Sở VH-TT&DL vẫn tổ chức chiếu phim màn ảnh rộng, biểu diễn đờn ca tài tử và tổ chức một số sự kiện văn hóa của tỉnh.
11. Quần thể hang Chư Bluk (Đắk Nông) – Hang động núi lửa dài nhất Việt Nam
Hang Chư Bluk hay còn được gọi là Hang Dơi có chiều dài khoảng 25km, thuộc xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, nằm cách trung tâm huyện Krông Nô khoảng 20km. Bên trong hang chia thành hơn 100 hang động lớn nhỏ nhờ dòng chảy của nham thạch cách đây hàng triệu năm, ẩn mình trong đá bazan. Theo các nhà nghiên cứu dự đoán, quá trình hình thành các hang lớn nhỏ bên trong diễn ra cách đây 3.700 năm trước bởi quá trình phun trào núi lửa.
Theo khảo sát sau 7 năm nghiên cứu, của nhóm các nhà khoa học thuộc Bảo tàng địa chất Việt Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản) và các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy khu vực này có trên 100 hang động lớn nhỏ khác nhau, chiều rộng khoảng 5km, chiều dài khoảng 25km.
12. Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) – Hệ sinh thái rừng khô hạn duy nhất tại Việt Nam
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa nằm ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích 106.646,45 ha; trong đó, vùng lõi là Vườn Quốc gia Núi Chúa với hơn 15.752 ha, vùng đệm chiếm hơn 48.762 ha và vùng chuyển tiếp gần 42.132 ha. Đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới.
Hệ sinh thái rừng ở khu vực này có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites – thuộc khu vực SA4), là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên trái đất. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay với lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 700-800mm, thời tiết quanh năm nắng nóng.
Điều kiện khí hậu khô nóng đã hình thành nên một hệ sinh thái đặc thù với diện tích khoảng 10.600ha, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Điển hình của hệ sinh thái này là các loại thực vật có khả năng chịu hạn với các đặc điểm như rụng lá về mùa khô, cây thấp lùn; lá nhỏ và dày, có răng cưa, nhiều gai để giảm quá trình thoát hơi nước như xương rồng, trâm bầu, mùng quân ấn, lọ nồi ô rô, huyết giác, quyển bá xoắn…
13. Làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội) – Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất Việt Nam
Các thư tịch cổ, một số tài liệu và di vật cổ còn lưu giữ cho thấy nghề dệt làng Vạn Phúc ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 9. Tương truyền có bà A Lã Thị Nương từng sống ở trang Vạn Bảo (sau đổi thành làng Vạn Phúc) đã có công dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa. Sau khi mất, bà được dân làng tôn kính và phong làm Thành Hoàng làng. Trong miếu thờ bà ngày nay vẫn còn lưu lại trang lịch sử được viết trên đá, cùng với đó là chiếc khung cửi cổ – chứng tích lịch sử của một làng nghề dệt lụa.
Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được giới thiệu ra thị trường quốc tế ở hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, lụa Vạn Phúc xuất sang các nước Đông Âu và đến nay được ưu chuộng tại nhiều nước trên thế giới.
Phải trải qua rất nhiều công đoạn kỳ công để tạo ra những sản phẩm tơ lụa hoàn hảo
Lụa Vạn Phúc rất bền và đẹp, khoác lên mình mọi người sẽ cảm nhận được sự mềm mại, nhẹ nhàng của nó. Nét đặc sắc và độc đáo nhờ phần lớn vào bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân nơi đây. Trải qua bao nhiêu thế hệ, nhưng lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, và vẫn đang đi đầu trong ngành dệt nước ta. Hoa văn trên lụa rất đa dạng, được các nghệ nhân chăm chú rất tỉ mỉ, bao giờ cũng được trang trí đối xứng với nhau, đường nét không rườm ra, phức tạp mà luôn tạo cảm giác phóng khoáng, dứt khoát. Chính vì thế mà từ lâu lụa Vạn Phúc đã được coi là đại diện của Việt Nam được xuất xứ ra nước ngoài, và cũng từng được chọn là một loại để may các trang phục triều đình, đặc biệt được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn.
14. Hang Sơng (Quảng Bình) – Hang động thạch nhũ san hô duy nhất tại Việt Nam
Hang Sơng được phát hiện vào cuối năm 2017, là hang động thạch nhũ san hô duy nhất tại Việt Nam. Hang Sơng là một trong mười hang thuộc hệ thống hang động Tú Làn, có chiều dài 639 mét.
Hang nằm trên đỉnh một ngọn núi cao khoảng 200 mét cạnh thung lũng Tổ Mộ. Đây là hang hiếm hoi hình thành trên đỉnh núi, đó cũng là lý do tại sao mãi đến gần đây hang Sơng mới được tìm thấy. Trong hơn 300 hang ở Quảng Bình, thạch nhũ san hô ở đây là duy nhất. Hang Sơng sở hữu những thạch nhũ san hô độc đáo bậc nhất và hiếm có.
Hệ thống san hô trong Hang Sơng được ví như một “thủy cung” trên không trung. Các rạn san hô trong Hang Sơng có hình thù như mô hình các vương quốc thu nhỏ. Hang Sơng chứa các khối thạch nhũ và đá có màu sắc lạ mắt nhất, kết hợp từ xanh rêu tới tím, xanh tím than…
15. Bảo tàng Thế giới Cà phê (Đắk Lắk) – Bảo tàng cà phê đầu tiên tại Việt Nam
Bảo tàng Thế giới Cà phê tọa lạc trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Kiến trúc công trình gồm 5 khối nhà uốn cong đầy ngẫu hứng kết nối với nhau, lấy cảm hứng từ hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê Đê và mái nhà rông Tây Nguyên. Quần thể công trình nằm trong một khuôn viên rộng rãi nhiều cây xanh. Đây là bảo tàng chuyên đề về cà phê đầu tiên ở Việt Nam, trưng bày và giới thiệu về lịch sử ngành cà phê cũng như văn hóa cà phê trên thế giới.
Bảo tàng Thế giới cà phê là tổ hợp của nhiều không gian, trong đó có các không gian dành cho trưng bày, triển lãm, thư viện, hội thảo, nơi thưởng lãm cà phê… Ở không gian quan trọng nhất là không gian trưng bày, khách tham quan có cơ hội được hiểu thêm rất nhiều về lịch sử và văn hóa của cà phê và ngành cà phê, từ việc trồng trọt, chăm sóc, thu hái, bảo quản cà phê tới việc chế biến, pha chế và thưởng thức cà phê. Cũng trong không gian này, khách tham quan cũng được khám phá về ba nền văn minh cà phê, đó là nền văn minh cà phê Thiền, Ottoman và Roman.
Với định hướng là một bảo tàng sống, công trình cho phép người xem trải nghiệm với 5 giác quan
Bảo tàng trưng bày rất nhiều hiện vật liên quan đến cà phê
Điểm nhấn của bảo tàng là bộ sưu tập hơn 10.000 hiện vật về lịch sử phát triển của cà phê thế giới được mang về từ bảo tàng Jens Burg nước Đức. Các hiện vật này được giới chuyên môn đánh giá là một trong những bộ sưu tập dụng cụ sản xuất, chế biến cà phê phong phú nhất thế giới. Bên cạnh đó, Bảo tàng Thế giới cà phê cũng trưng bày nhiều vật dụng, công cụ sản xuất và chế biến cà phê của Việt Nam từ thời kỳ sơ khai đến ngày nay. Bên cạnh không gian trưng bày cố định, bảo tàng cà phê còn liên tục tổ chức các trưng bày chuyên đề và nhiều sự kiện văn hóa.
16. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) – Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam
Nằm ở cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 90 km về phía Đông Nam, Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172 ha, vùng đệm có diện tích 6.079 ha, với ba khu vực liền kề nhau là: Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình.
Nơi đây tập hợp các đặc trưng thiên nhiên của vùng Bắc bộ với hệ sinh thái núi đá vôi và hệ thống động thực vật đặc hữu. Bên cạnh đó, Quần thể danh thắng Tràng An chứa những di chỉ khảo cổ có giá trị cao như hang Mòi, hang Bói, hang Trống, mái Ốc, thung Bình, thành Hoa Lư; những di tích lịch sử nổi tiếng gắn với 4 vương triều Đinh – Lê – Lý – Trần như cung điện Hoa Lư, đền Vua Đinh-Vua Lê, chùa Bích Động, chùa Bái Đính, hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, đền Trần, đền Suối Tiên hay những thắng cảnh khác như vườn chim thung Nham, thung Nắng, hang Múa, rừng đặc dụng Hoa Lư…
Quần thể danh thắng Tràng An được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới vào năm 2014 với 03 tiêu chí: Tiêu chí về văn hóa, Tiêu chí về vẻ đẹp thẩm mỹ, Tiêu chí về địa chất – địa mạo.
17. Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) – Khu bảo tồn loài Sếu đầu đỏ đầu tiên tại Việt Nam
Vườn quốc gia Tràm Chim, có diện tích 7.588 ha, thuộc huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp.
Vườn quốc gia này rộng 7.500ha, là khu đất ngập nước, được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và thứ tư của Việt Nam. Đây là nơi cư trú của trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước (trong đó có 13 loài chim quý hiếm của thế giới) Ở đây cũng có 130 loài thực vật, phân bố đơn thuần cũng như xen kẽ với nhau tạo thành những quần xã thực vật đặc trưng.
Năm 1986, loài sếu đầu đỏ (chim hạc, sếu cổ trụi), được tái phát hiện ở Tràm Chim. Năm 1991, Tràm Chim trở thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tràm Chim cấp tỉnh, nhằm bảo tồn loài sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii). Đây là phân loài chim quý hiếm tại miền nam Việt Nam, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN thế giới. Đàn sếu thường từ Campuchia bay về vườn kiếm ăn, trú ngụ từ tháng 12 đến khoảng tháng 5 năm sau rồi mới rời đi.
18. Nhã nhạc cung đình Huế – Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại đầu tiên của Việt Nam
Nhã Nhạc Cung Đình là thể loại nhạc có từ thời phong kiến được biểu diễn phục vụ trong cung đình vào những dịp lễ như: Đại triều, Thường triều, Tế giao, Tế miếu… Nhạc có lời hát tao nhã cùng điệu thức cao sang, quý phái góp phần tạo sự trang trọng cho các buổi lễ. Đây còn là biểu tượng của vương quyền và sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Chính vì thế Nhã nhạc cung đình Huế rất được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng.
Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của nghi lễ cung đình Việt Nam với hàng trăm nghi lễ khác nhau hằng năm. Tuy nhiên, vai trò của Nhã nhạc không chỉ giới hạn ở việc hòa nhạc phục vụ các nghi lễ mà còn cho thấy là một phương tiện giao tiếp và thể hiện lòng tôn kính đối với thần linh và các vua chúa thời phong kiến, cũng như truyền tải được những tư tưởng triết lý và tri thức về vũ trụ của người Việt Nam.
Ngày nay dàn nhạc, bài bản, ca chương, vũ khúc của Nhã nhạc có thể sử dụng ở các hình thức diễn xướng khác nhau trong các dịp như: Festival Huế, lễ hội dân gian, lễ hội Phật giáo, âm nhạc thính phòng, trong các nghi thức ngoại giao, biểu diễn phục vụ khách du lịch, biểu diễn phục vụ nhân dân trong các cuộc đại lễ hoặc tết cổ truyền dân tộc… Như vậy, Nhã nhạc có điều kiện và không gian diễn tấu phong phú hơn rất nhiều so với trước. Nhã nhạc đã trở về với nhân dân, chính vì vậy giá trị nghệ thuật của nó cũng sẽ được giữ gìn, trường tồn và không ngừng được phát huy.
Nhã nhạc được công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của Nhân loại vào ngày 07 tháng 11 năm 2003.
19. Làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) – Làng gốm Chăm cổ nhất Việt Nam
Bàu Trúc là một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) được biết đến với các sản phẩm gốm truyền thống. Tuy vậy, người ta còn biết rất ít về những phương pháp sản xuất các sản phẩm và các hệ thống tín ngưỡng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển nghề làm gốm này trong hàng trăm năm qua của người dân địa phương.
Theo nghiên cứu, ngôi làng này có lịch sử từ trước thế kỷ XII và thậm chí là từ trước thế kỷ thứ IX. Dưới triều Minh Mạng (1820-1840), nhà Nguyễn khi sáp nhập khu vực này đã đặt lại tên là “Vĩnh Thuận”, địa danh đến nay vẫn được người Việt cư trú trong khu vực sử dụng.
Cả Ninh Thuận có đến hàng chục làng Chăm nhưng chỉ có đất từ cánh đồng bên bờ sông Quao của làng Bàu Trúc mới có thể làm được gốm. Đây là loại đất sét nổi tiếng dẻo, mềm. Trong từng sản phẩm làm ra đều thể hiện sự tinh tế, kỹ lưỡng và chịu khó của người phụ nữ Chăm truyền thống. Từng đường xoay, chải vuốt đều rất tỉ mẩn vì đây là loại gốm hoàn toàn làm thủ công.
Làng gốm Chăm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình, trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm.
20. Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) – Vườn di sản ASEAN trên vùng đất than bùn đầu tiên của Việt Nam
Vườn quốc gia U Minh Thượng là khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn trải dài trên địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm thành phố Rạch Giá khoảng 60 km về phía Nam. U Minh Thượng chính là một nửa của rừng U Minh, phần còn lại chính là U Minh Hạ, thuộc tỉnh Cà Mau. Cả hai bị chia cắt bởi dòng sông Trẹm. Năm 2012, Vuờn quốc gia U Minh Thượng đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN đầu tiên trên vùng đất than bùn của khu vực Đông Nam Á và là Vườn Quốc gia thứ 5 của Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.
Trong hệ sinh thái rừng úng phèn của Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, với diện tích gần 3.000ha. Với đặc điểm này, Vườn quốc gia U Minh Thượng là một trong hai khu vực quan trọng nhất của rừng đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam (khu vực khác là U Minh Hạ).
Trên than bùn còn lại những cảnh quan tự nhiên của rừng U Minh xưa với những cây tràm cổ thụ, dòng nước đỏ vùng U Minh. Hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn trở thành một hệ sinh thái có tầm quan trọng đặc biệt, là nơi nuôi dưỡng, trú ngụ của hàng trăm loài động vật hoang dã, bao gồm cả chim, thú, bò sát, lưỡng cư, cá, côn trùng và nhiều loài thủy sinh vật phân bố ở các độ sâu khác nhau trong hệ sinh thái.
Đình Ngọc