(NSO) – Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Chiều 07/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì thì phải có trách nhiệm tái chế và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì thì phải có trách nhiệm xử lý chất thải.
Để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã thành lập Tổ soạn thảo và giao Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Dự thảo Thông tư quy định 2 cơ chế hỗ trợ tài chính gồm hỗ trợ các hoạt động tái chế và hỗ trợ các hoạt động xử lý rác thải.
Trong đó, hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải là hỗ trợ chi phí tái chế gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì. Hỗ trợ hoạt động tái chế là hình thức hỗ trợ không hoàn lại thông qua hợp đồng hỗ trợ chi phí tái chế.
Còn hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải gồm hỗ trợ UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện các dự án, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Việc lựa chọn dựa vào các tiêu chí: Tính cấp thiết của dự án, hoạt động; Phạm vi hưởng lợi từ dự án, hoạt động; Điều kiện kinh tế – xã hội nơi thực hiện dự án, hoạt động; Hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của dự án, hoạt động; UBND thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đối với từng dự án, hoạt động cụ thể.
Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện, hồ sơ, quy trình hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tái chế, xử lý chất thải, kèm theo các cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính do nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Để được hỗ trợ tài chính, doanh nghiệp tái chế được hỗ trợ phải được đơn vị kiểm toán độc lập xác nhận khối lượng sản phẩm, bao bì được tái chế; không hỗ trợ cho khối lượng sản phẩm, bao bì tái chế từ phế liệu nhập khẩu.
Theo đó, các Hiệp hội kiến nghị sửa lại Dự thảo cho đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất của Dự thảo và không phát sinh biên chế. Không sử dụng tiền đóng góp của doanh nghiệp sai mục đích, cần quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của Văn phòng EPR…
P.V