Sôi động mùa giáng sinh và Tết tây
Từ lâu, người Sài Gòn đã có thói quen đón mùa lễ Giáng Sinh như một lễ hội lớn dịp cuối năm và coi đây không chỉ là ngày lễ của những người theo đạo Thiên Chúa giáo mà đã trở thành mùa họp mặt gia đình, mùa hẹn hò lứa đôi. Theo thông lệ, bắt đầu từ giữa tháng 12 dương lịch, các đại lộ như Nguyễn Huệ, Lê Lợi… được trang trí những chùm đèn, kết hoa rực rỡ, lung linh, lộng lẫy. Trước cửa nhà hàng, quán cà phê đều có cây thông Noel được kết hoa, chuông, nơ xen kẽ những dây băng màu xanh, đỏ biểu tượng của Noel. Tất cả tạo nên không khí tràn ngập sắc màu rực rỡ thật ấm cúng, thật lãng mạn, vui tươi khắp phố phường. Những thiệp chúc mừng Giáng Sinh, mũ, quần áo ông già Noel… được bày bán ngay trên hè phố đa dạng, phong phú đủ loại.
Sau mùa Giáng Sinh, người Sài Gòn lại bắt đầu đón Tết dương lịch với nhiều hoạt động văn hóa ẩm thực, văn nghệ giải trí. Giống mùa Giáng Sinh, ăn Tết dương lịch đối với người Sài Gòn từ lâu đã trở thành thói quen thông lệ hàng năm. Nhưng dịp này, người Sài Gòn chủ yếu là dành thời gian du lịch, vui chơi hơn là mua sắm. Những gia đình có điều kiện thì đi chơi xa, như lên với thành phố ngàn hoa Đà Lạt hay về với bãi biển Vũng Tàu giải trí, nghỉ dưỡng. Những người không có điều kiện thì tới những khu vui chơi trong thành phố như Tao Đàn, Thảo Cầm Viên hay vào rạp hát, xem phim, nghe diễn tuồng cổ, ca cải lương.
Trong đó, Thảo Cầm Viên bao giờ cũng là điểm đến hấp dẫn, đông vui nhất của người Sài Gòn. Tọa lạc tại trung tâm thành phố, Thảo Cầm Viên có tên gọi ban đầu là Vườn Bách Thảo, được người Pháp xây dựng năm 1864 (nay là một trong 8 vườn thú lâu đời nhất thế giới). Nơi đây thu hút không chỉ người dân Sài Gòn mà cả người dân lục tỉnh miền Tây Nam bộ, Trung bộ xưa. Thảo Cầm Viên từ khi đi vào hoạt động là nơi chăm sóc, bảo tồn hơn 1.300 động vật, thuộc 125 loài, gồm nhiều giống quý hiếm như: Trĩ sao, trà vá, vượn má vàng, hươu vàng, báo lửa, báo gấm, hổ trắng… và khoảng 2.500 cây xanh thuộc hơn 900 loài thực vật. Trước 1975, Thảo Cầm Viên luôn là nơi vui chơi, chụp hình quen thuộc với nhiều thế hệ người Sài Gòn trong dịp lễ, Tết.
Tấp nập chợ Tết
Sài Gòn xưa trước Tết Nguyên Đán khoảng 2 tuần bắt đầu nhộn nhịp những hoạt động thương mại mua bán, tấp nập hơn so với ngày thường. Dịp này, những khu mua sắm sầm uất như thương xá Tax, Cry Stal Palace và đặc biệt là chợ Bến Thành đông nghẹt người. Những người khá giả, giàu có thường mua sắm ở hai thương xá nổi tiếng trước 1975 là Tax và Cry Stal Palace, còn đa số đi chợ Bến Thành. Một ký giả Sài Gòn từng mô tả chợ Bến Thành vào mùa sắm Tết luôn tưng bừng náo nhiệt, tấp nập người mua, kẻ bán. Khung cảnh chợ từ năm 1940 đến những năm 1970 cũng không khác mấy, bao quanh chợ vẫn là những sạp bán bánh mứt các loại, đồ khô mở bán từ sáng tới nửa đêm dưới ánh sáng đèn nê ông sáng rực màu sắc và tiếng nhạc rộn rã của các bản nhạc xuân thịnh hành. Chợ Bến Thành bạt ngàn hàng hóa phục vụ nhu cầu sắm Tết từ bánh mứt, rượu ngoại, trà, bông vải (hoa vải), mỹ phẩm, vật phẩm phong thủy trang hoàng bàn thờ… Khi thấy người Sài Gòn bắt đầu mua, trữ các loại lương thực, thực phẩm như: Gạo nếp, đâu xanh, đường, măng khô, bóng cá và rước về chậu mai vàng, chậu quất, hay chậu cúc vạn thọ… là Tết cổ truyền đã cận kề.
Người Sài Gòn còn đi chợ hoa Bến Thành hay chợ hoa bến Bình Đông. Nằm ở khu trung tâm sầm uất nhất Sài Gòn, chợ hoa trên đại lộ Nguyễn Huệ khi Tết đến xuân về bao giờ cũng là nơi thu hút người dân thành phố đến mua hoa, chiêm ngưỡng và chụp ảnh. Bắt đầu từ 15 tháng Chạp (âm lịch), các loại hoa được các nhà vườn đưa lên từ những chiếc ghe đậu san sát bờ sông Sài Gòn rồi đem ra đại lộ Nguyễn Huệ bày bán. Những ngày cận Tết, chợ hoa Nguyễn Huệ đông đúc chen chúc cho tới tận trưa 30 tháng Chạp thì vãn dần và kết thúc.
Bình lặng 3 ngày Tết
Việc chuẩn bị Tết của các gia đình ở Sài Gòn bận rộn hơn, khẩn trương hơn từ 23 tháng Chạp (ngày tiễn ông Táo về trời). Đây là thời điểm mọi nhà dù giàu hay nghèo đều tự làm các loại bánh mứt để ăn Tết, phổ biến nhất là: Mứt sen, gừng, khoai, chanh, quất, bí đao… Khoảng 27 – 28 tháng Chạp, nhiều gia đình (tùy theo vùng miền) cả vợ, chồng con cái kể cả ông bà lớn tuổi, quây quần tập gói bánh tét hay bánh chưng và làm các loại giò, chả. Đến thời điểm giao thừa, mọi việc chuẩn bị cho cái Tết được hoàn tất, mâm cúng tất niên được bày lên bàn thờ tổ tiên để thắp nhang khấn vái tưởng nhớ các bậc sinh thành và người thân đã khuất. Theo cố nhà văn Sơn Nam, người Sài Gòn cũng phần đông là dân lục tỉnh miền Tây Nam bộ, Trung bộ và một bộ phận người Bắc di cư 1954 đến an cư lập nghiệp. Bởi vậy, mâm cỗ ngày Tết cũng chả khác những miền quê, có khác chăng là ở điều kiện hưởng thụ vui chơi về văn hóa tinh thần. Cố nhà văn Sơn Nam giải thích, ăn Tết cơ bản vẫn là cúng vái tổ tiên, không có bàn thờ tổ tiên, ông bà thì không ra ngày Tết. Mọi gia đình dù nghèo, không gian nhà ở chật hẹp nhưng bao giờ cũng có góc đặt bàn thờ tổ tiên. Nhà giàu thì bàn thờ lớn bằng gỗ quý, bài trí trang nghiêm có lư đồng, tranh thờ, di ảnh người quá cố. Để cúng vái, lễ vật tối thiểu phải có đủ 4 “hương, đăng, hoa, quả”, ngoài ra là các món ẩm thực ngày Tết cũng được bày lên, “dương sao thì âm vậy”.
Tết xưa trong ký ức và tâm thức của người Sài Gòn, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, phút giây trời đất chuyển giao từ năm cũng sang năm mới, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau để thưởng thức các ẩm thực mang hương vị đậm chất Tết cổ truyền. Đặc biệt từ 1952, với sự ra đời của ca khúc “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ngay sau thời khắc giao thừa, mọi nhà thường mở radio (sau này là ti vi) để cùng nghe, nâng ly rượu mừng và hát theo thay cho lời chúc đầu năm mới. Đây là ca khúc mừng xuân nổi tiếng và được đông đảo người nghe trong dịp Tết Nguyên Đán ở Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung trước 1975.
“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/ Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó/ Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui”…
Sáng sớm tinh mơ của mùng 1 Tết, nhiều gia đình ở Sài Gòn xuất hành đầu năm. Phần lớn người Sài Gòn đi lễ Lăng Ông, đền thờ Đức Thánh Trần, sau đó trở về nhà chuẩn bị đón khách hoặc đi chúc Tết họ hàng. Đặc biệt, việc đi lễ Lăng Ông (Bà Chiểu) đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Sài Gòn ngày đầu năm mới. Nét đẹp ấy đã được thể hiện sâu sắc trong ca khúc “Hỏi nàng xuân” nổi tiếng của nhạc sĩ Dương Hồng Loan: “Ngày đầu một năm đi lễ Lăng Ông/ Xem trái nhân duyên xin quẻ tơ hồng/ Chân thành khấn nguyện cầu mong/ Gia đạo phúc lộc hanh thông”.
Theo một số ký giả và nhà văn cao tuổi ở Sài Gòn, không khí Tết sang mùng 2 bắt đầu bớt náo nhiệt. Trong một bài báo xuất bản năm 1930, ký giả Yên Sơn viết: “Tết Nguyên Đán ở Sài Gòn chỉ được vui vẻ ồn ào trong mấy ngày trước Tết vì nhờ cảnh buôn bán tấp nập người đi sắm Tết ở chung quanh chợ Bến Thành, vốn là nơi xưa nay vẫn đông vui nhất. 3 ngày Tết ở Sài Gòn có phần buồn hơn lục tỉnh vì phần đông người làm ăn ở Sài Gòn đều là quê quán ở lục tỉnh, nên đến ngày Tết họ lại rủ nhau về quê”.