Xe điện bất lợi về độ phủ và giá so với taxi truyền thống
Ngày 14/4, hãng taxi thuần điện đầu tiên của Việt Nam GSM khai trương hoạt động tại Hà Nội với 600 xe VinFast VF e34 và VF 8. Taxi điện là giải pháp tiên tiến, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đồng thời tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí cho người dùng.
GSM có thể cạnh tranh với taxi truyền thống, nhưng cũng có thể là đối tác của họ nếu cho thuê, bán ô tô điện cho các hãng này. Dù theo cách nào, công ty mới của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được kỳ vọng thay đổi thị trường dịch vụ taxi ở các đô thị lớn tại Việt Nam.
Đánh giá về câu chuyện cạnh tranh giữa “tay chơi mới” GSM với các thương hiệu taxi lâu đời, chuyên gia phương tiện điện hoá Nguyễn Thúc Hoàng Linh nhận định: “Với thực tế thị trường hiện nay, GSM không hoàn toàn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các hãng taxi truyền thống. Hiện tại số lượng ô tô của GSM rất nhỏ, chưa bằng 1/10 xe chạy cho các thương hiệu taxi mạnh ở Hà Nội, trong khi lại mất nhiều thời gian cho việc sạc điện. Điều này tạo ra bất lợi về việc gia tăng “độ phủ” của xe điện”.
Ngoài độ phủ tốt hơn, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng có sự thấu hiểu thị trường, phục vụ và gắn bó với người dùng từ nhiều năm qua.
“Các doanh nghiệp vận tải taxi hoạt động ở Hà Nội từ gần 30 năm qua, hình thành mạng lưới phủ khắp những khu vực tại Thủ đô. Như taxi G7 hoạt động ở Mỹ Đình, taxi Vạn Xuân phục vụ khách hàng ở phía Nam Hà Nội. Quận Hà Đông có thương hiệu Sông Nhuệ, Quê Lụa. Mai Linh có tệp khách hàng ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Taxi Long Biên bố trí mạng lưới xe ở vùng quận Gia Lâm, Long Biên. Taxi ABC đón khách ở các điểm chờ như sân bay, khách sạn…”, ông Hùng nhận định.
Với định giá từ mức 14.000 đồng/km của taxi truyền thống, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, giá cả cũng là yếu tố quan trọng để khách hàng lựa chọn dịch vụ.
Hướng đi nào cho GSM?
Với thực tế thị trường hiện nay, tính tiện dụng và chi phí vẫn là những yếu tố chi phối thành bại của các hãng xe dịch vụ, đặc biệt là xe công nghệ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người đề cao những tiêu chí mới, như sự sạch sẽ của xe, tính thân thiện môi trường, trình độ và thái độ tài xế…
“Nếu tận dụng tốt những yếu tố này, một thương hiệu dù mới cũng có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường. Điều này thực tế đã được chứng minh với Vinbus, dù đây là loại hình vận tải quy mô lớn”, chuyên gia Nguyễn Thúc Hoàng Linh đánh giá.
Tương tự Vinbus, xe taxi của GSM có thể tạo lợi thế riêng bằng chất lượng xe, chất lượng dịch vụ, và một số dịch vụ gia tăng khác. Việc GSM có taxi “cao cấp” với VF 8 cũng sẽ chiều lòng một nhóm khách hàng hẹp mà hiện thị trường đang thiếu sau khi Uber rời đi.
Ông Hoàng Linh cho rằng, GSM đang từng bước gây dựng tệp khách hàng của riêng mình, có thể là những khách hàng trong hệ sinh thái Vingroup, cũng có thể là những người trẻ đề cao tính thân thiện môi trường và trải nghiệm dịch vụ hiện đại trên các mẫu xe điện.
Taxi GSM muốn tạo tệp khách hàng mới |
“Hiện nay, một tỷ lệ không nhỏ giới trẻ “millenials” đang có xu hướng đi lại thuần bằng các dịch vụ xe công nghệ. Nếu có thể đưa ra các gói ưu đãi dài hạn cho nhóm này cũng là một lợi thế, bởi lịch trình nhóm này thường cố định vào các giờ, phù hợp cho xe điện. Ngoài ra, đưa đón con cái trong gia đình trên các phương tiện “xanh” cũng được nhiều bậc phụ huynh quan tâm”, chuyên gia phương tiện điện hoá nói.
Các hãng taxi truyền thống chưa chọn xe điện
Chia sẻ về kế hoạch của các hãng taxi Thủ đô, ông Nguyễn Công Hùng cho biết, Hiệp hội từng sở hữu số lượng hơn 20.000 xe hoạt động ở Hà Nội. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng xe giảm còn 10.000 xe. Thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ đầu tư tăng số lượng xe, mở rộng kinh doanh.
“Tuy nhiên, việc mua mới tăng số đầu xe phải tuân theo quy hoạch đô thị tổng thể về giao thông, không gây quá tải cho hệ thống. GSM ra mắt với số lượng xe không nhỏ sẽ đặt ra bài toán cho quy hoạch và sức ép về cơ sở hạ tầng ở Hà Nội”, ông Hùng chia sẻ.
Khẳng định Hiệp hội Taxi Hà Nội ủng hộ Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải nhưng ông Nguyễn Công Hùng cho biết các hãng taxi chưa lựa chọn mua xe điện bởi lý do thuần tuý về bài toán kinh doanh.
Các hãng taxi chưa lựa chọn xe điện |
Ông phân tích: “Các doanh nghiệp taxi có thể mua mẫu xe quốc dân Toyota Vios, Kia Morning với giá lăn bánh chỉ từ hơn 400 triệu đồng. Trong khi đó, đầu tư xe điện lên tới hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí thuê pin, trạm sạc, thay thế pin cũng là gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp. Khi chi phí và sự tiện dụng để vận hành xe điện thấp hơn xe xăng, chắc chắn chúng tôi sẽ ủng hộ.
Thời gian sạc pin cho xe điện cũng lên tới hàng tiếng đồng hồ, hệ thống trạm sạc cũng chưa phủ đầy đủ, có thể xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ gây ra tình trạng tốn thời gian để nạp điện so với việc đổ xăng chỉ tốn vài phút”.
Dù vậy, ông Hùng cũng đánh giá cao những tín hiệu tích cực sau sự ra mắt của hãng taxi điện đầu tiên của Việt Nam: “GSM là công ty của tập đoàn lớn Vingroup, VinFast. Sự ra mắt hoành tráng của GSM gây chú ý lớn, tạo hiệu ứng xã hội, cung cấp thêm lựa chọn dịch vụ vận chuyển cho người dùng. GSM tạo ra nhiều thay đổi, khiến các doanh nghiệp vận tải taxi khác phải nhìn lại mình, thay đổi, cải tiến cách tổ chức hoạt động nếu không muốn bị đào thải. Điều này cũng giúp ích cho toàn xã hội, cung cấp dịch vụ cho người dùng với chất lượng ngày càng tốt hơn”.