Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 104.745 tài khoản chứng khoán trong tháng 5. Con số này gấp gần 5 lần lượng tài khoản mở mới so với tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 9 tháng kể từ tháng 8/2022.
Trong tháng 5, nhà đầu tư cá nhân mở mới 104.624 tài khoản và các tổ chức mở mới 121 tài khoản. Tính đến cuối tháng 5, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước vượt mốc 7,1 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 7% dân số.
Số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh trong bối cảnh thanh khoản thị trường cải thiện trong thời gian vừa qua. Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 10% so với tháng 4.
Giao dịch sôi động hơn phần nào đó đến từ việc một lượng nhà đầu tư quay trở lại thị trường khi có nhiều thông tin chính sách vĩ mô và chính sách hỗ trợ liên quan đến bất động sản, ngân hàng được đưa ra hoặc margin được kích hoạt sau khi lãi suất có xu hướng quay đầu giảm.
Gần đây nhất, ngày 24/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp tục đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản, tiếp nối sau chỉ đạo của Chính phủ sau phiên họp thường kỳ tháng 4. Đây là lần giảm lãi suất điều hành lần thứ ba liên tiếp chỉ trong vòng hơn hai tháng với động cơ chính đằng sau là tăng trưởng kinh tế vẫn còn đang rất yếu.
Trong nhận định mới được đưa ra, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý quỹ Pyn Elite Fund cho biết, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy lãi suất sẽ tiếp tục neo cao. Lạm phát đang được kiểm soát ở mức ổn định sẽ tạo điều kiện cho NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
Cũng theo ông Petri Deryng, thanh khoản được cải thiện và môi trường lãi suất thấp hơn sẽ khuyến khích các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường chứng khoán.
Số tài khoản mở mới tăng mạnh và thanh khoản thị trường tăng trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. Tháng 5 vừa qua ghi nhận tháng thứ 2 liên tiếp với 3.127 tỷ đồng, trong tháng 4 trước đó, khối ngoại cũng bán ròng 1.474 tỷ đồng.
Định giá thị trường chứng khoán đang tăng cao
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục xu hướng hồi phục nhờ các ngành nhạy cảm với lãi suất như chứng khoán tăng tốt hay nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng tăng theo kỳ vọng thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Cổ phiếu dầu khí cũng có sự bứt phá khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt và kỳ vọng vào tiến độ chuỗi dự án khí, điện Lô B Ô Môn có tiến triển. Cổ phiếu Bất động sản cũng phục hồi nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ mang lại hy vọng về “hạ cánh mềm” cho trái phiếu doanh nghiệp và tháo gỡ nút thắt pháp lý cho các nhà phát triển bất động sản.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Mirae Asset, sau quá trình hồi phục, hiện tại P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 14,6 lần, ngang bằng với nhiều thị trường khác như Trung Quốc (SHCOMP: 14,4x), Indonesia (JCI: 14,5x), Hàn Quốc (KOSPI: 15x), Malaysia (FBMKLCI: 15,3x) và cao hơn nhiều so với chỉ số tham chiếu MSCI các thị trường cận biên (9,x lần), thị trường mới nổi (12,6x lần).
Lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp có thể chưa phục hồi mạnh do bối cảnh kinh tế chung vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, kỳ vọng P/E của thị trường sẽ giằng co ở ngưỡng định giá này trước khi sự kỳ vọng cải thiện về yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Nhận định về diễn biến chỉ số VN-Index, chuyên gia VNDIRECT, chỉ số VN-Index có thể vượt vùng kháng cự 1.080-1.100 điểm và bước vào nhịp tăng ngắn hạn trong tháng 6/2023. Trong khi đó, rủi ro giảm điểm đến từ nguy cơ suy thoái tại Mỹ và Châu Âu tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
“Với kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới trong khi lợi nhuận toàn thị trường có thể phục hồi kể từ quý 3/2023 trở đi, thị trường có thể được định giá lại ở mức cao hơn. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc nâng dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư ở thời điểm hiện tại để đón đầu xu hướng này”, báo cáo của chuyên gia VNDIRECT nêu.