Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Kể từ ngày 11/7/2022, sầu riêng của Việt Nam được xuất chính ngạch qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc.
Theo báo Tiền Phong, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam) cho biết, tối 7/9, Văn phòng đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan về kết quả kiểm tra bằng video các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam sang nước này.
Theo đó, kể từ ngày 15/7 đến ngày 4/9, Hải quan Trung Quốc đã tiến hành đánh giá kiểm định các video qua hình thực trực tuyến về vườn trồng và cơ sở đóng gói để rà soát việc tuân thủ Nghị định thư của các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Theo ông Nam, sau khi xem xét, kiểm tra, phía Trung Quốc cho rằng các vườn sầu riêng và cơ sở đóng gói của Việt Nam về cơ bản có thể tiến hành trồng, sản xuất, chế biến theo đúng yêu cầu của Nghị định thư, công tác kiểm dịch, giám sát đã được thực hiện tốt. Hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, về cơ bản có thể đảm bảo rằng sầu riêng Việt Nam đáp ứng các yêu cầu vệ sinh nhập khẩu và an toàn thực phẩm của nước này.
Theo đó, trong số 126 vườn trồng và 44 cơ sở đóng gói do Việt Nam đề xuất, phía Hải quan Trung Quốc đã xác định được 51 vườn trồng và 25 cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư và được chấp thuận đăng ký.
“Sau khi được chấp thuận đăng ký xong, sầu riêng từ các vườn trồng, và những cơ sở đóng gói này có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây có thể coi là kết quả bước đầu rất đáng mừng trong việc triển khai nghị định thư”, ông Nam cho hay.
Theo báo Thanh niên, đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất – nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết: “Trung Quốc từ lâu là thị trường nhập khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam nói chung và quả sầu riêng nói riêng. Trước khi có Nghị định thư, quả sầu riêng chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, DN xuất khẩu phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành tăng cao, đồng nghĩa lợi nhuận cũng sẽ ít hơn khi xuất khẩu chính ngạch”.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), nhận định để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, nước này yêu cầu tất cả các lô hàng đều phải có hồ sơ xuất khẩu, có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều này có nghĩa là DN, hợp tác xã của VN phải áp dụng các biện pháp phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì. Những yêu cầu trên cũng đồng nghĩa với việc chất lượng chính là điều kiện quan trọng trong xuất khẩu sầu riêng chính ngạch hiện nay. Để làm được điều này, các hợp tác xã, nhà vườn đã mất không ít thời gian chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ, chất lượng vùng trồng, cơ sở đóng gói…
Báo Dân Việt đưa tin, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ trong 10 năm, nhất là vài năm gần đây, diện tích sầu riêng đã tăng thêm 53.780ha (trên 300%). Cụ thể, năm 2010, cả nước chỉ có 17.600ha sầu riêng (sản lượng 107.600 tấn) thì đến năm 2020 diện tích sầu riêng đã đạt 71.381ha, sản lượng 588.025 tấn.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông.
Đáng chú ý, đầu năm 2022, nhiều loại trái cây rớt giá sâu, chỉ trái sầu riêng có giá khá ổn định. Không ít người trồng mở rộng thêm diện tích trồng, cũng có người bỏ cây trồng khác thay vào cây sầu riêng. Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về phát triển diện tích trồng cây này.
Đơn cử như ở Bình Thuận, mặc dù không phải là thủ phủ trồng sầu riêng, nhưng trong những năm gần dây, cây sầu riêng bén rễ ở nhiều nơi trong tỉnh.
Tại Đức Linh, cây sầu riêng phát triển ở Đa Kai, Mê Pu hơn 1.200 ha; tại Hàm Thuận Bắc, xã Đa Mi có khoảng 1.000 ha cây sầu riêng. So với sầu riêng ở Đa Kai, Mê Pu và Đa Mi, cây sầu riêng hình thành ở Tà Pứa (xã Đức Phú), thôn Đa Mi (xã La Ngâu) thuộc Tánh Linh muộn hơn, với diện tích hơn 200 ha.
Hay như tại Đồng Tháp, không chỉ đốn hạ cây trồng lâu năm giá trị kinh tế thấp để nhường chỗ cho cây sầu riêng, nhiều địa phương còn mạnh dạn đưa cây sầu riêng lên đất lúa. Ví dụ, ở huyện Tam Nông, địa phương có thế mạnh về trồng lúa ở Đồng Tháp, diện tích sầu riêng trong 2 năm trở lại đây đã đạt 500-600ha.
Theo TH&PL