Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và đại biểu Quốc hội trong phút giải lao tại Hội trường Diên Hồng
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố diễn ra ngày 27/9/2022 vừa qua.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, bên cạnh các hoạt động định kỳ như xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội, do đó các cơ quan hữu quan cần quan tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát.
Đề cập hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để cho ý kiến công tâm, khách quan tại kỳ họp.
Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ với Tổng Thư ký Quốc hội để tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Về hoạt động chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan để chuẩn bị thật tốt hoạt động chất vấn trong thời gian tới.
Các Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo ngành, cơ quan mình phụ trách trước Quốc hội, trước nhân dân; cung cấp đầy đủ thông tin, đối thoại, thảo luận với các đại biểu để cùng giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo lợi ích của nhân dân…
Năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề: thứ nhất là “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” tại kỳ họp thứ 5;
Và thứ hai là “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” tại kỳ họp thứ 6.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề về: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại phiên họp tháng 8/2023; và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” tại phiên họp tháng 9/2023.
Cũng theo ông Bùi Văn Cường, việc lựa chọn địa bàn giám sát cần lưu ý nghiên cứu lựa chọn những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt và chưa tốt để có cơ sở đánh giá đầy đủ các mặt của lĩnh vực.
“Đồng thời, cần tận dụng tối đa những kết quả giám sát đã thực hiện trước đây, kết quả của thanh tra, kiểm toán cũng như kết quả giám sát của HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội để có thêm thông tin làm cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác. Bên cạnh đó tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động xem xét báo cáo với những đổi mới theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể”, ông Cường nhấn mạnh.