(NSO) – Khái niệm về phim tương tác đã xuất hiện từ lâu, nhưng trong những năm gần đây loại hình giải trí này có những bước phát triển đáng chú ý với sự tham gia của các ông lớn trực tuyến lẫn màn ảnh rộng.
Thể loại phim này sẽ có nhiều kết thúc, trong đó chỉ có một “true ending”. Ảnh: CJ
Bắt đầu nhen nhóm từ đầu thế kỷ 20, ý tưởng về phim tương tác xuất hiện trong những trò chơi bắn súng tại hội chợ. Tới năm 1967, bộ phim Séc “Kinoautomat” trở thành tác phẩm phim tương tác đầu tiên, dù hoạt động còn khá thủ công.
Chính sự ra đời và bùng nổ của máy tính giúp công nghệ làm phim trở nên đơn giản hơn. Theo đó, các nhà làm phim có thể trình chiếu video tương tác cho khán giả/người chơi một cách khéo léo.
Ngoài “Phi vụ nửa đêm” (tựa gốc: Late Shift) và “Black Mirror: Bandersnatch”, đại diện gần đây của phim tương tác phải kể tới “Detroit: Become Human” (2018), “Erica” (2019), hoạt hình “Cat Burglar” (2022). Sắp tới đây, bộ phim phiêu lưu kỳ ảo dựa trên game “Deathtrap Dungeon: The Golden Room” sẽ là đại diện đáng chú ý tiếp theo của điện ảnh tương tác.
Phát triển trong công nghệ làm phim
Những lựa chọn ngày càng thú vị, câu chuyện dần phức tạp hơn cùng những cái kết bất ngờ, phim tương tác được coi là một trong những hướng đi triển vọng của điện ảnh trong tương lai. Đầu tiên phải kể đến đó là những thay đổi trong công nghệ làm phim.
Ra mắt trên nền tảng Netflix vào năm 2018, “Black Mirror: Bandersnatch” được quay tại một phim trường bình thường nhưng quá trình tiền kỳ và hậu kỳ là cả một cuộc cách mạng. Ban đầu các nhà làm phim sử dụng một phần mềm lập trình tên là Twine để viết kịch bản tương ứng với các nhánh câu chuyện.
Phim tương tác là xu hướng mới của điện ảnh. Ảnh: CGV
Tuy nhiên, để đạt tới độ phức tạp của một kịch bản phim lẻ, Netflix đã phát triển một phần mềm riêng để theo dõi tất cả các lựa chọn và kết cấu cốt truyện. Họ cũng phát triển các công nghệ như “theo dõi trạng thái” để cá nhân hóa hành trình của mỗi người xem thông qua tác động tinh tế mà mỗi lựa chọn có thể có đối với các cảnh sau đó.
Ngay cả quá trình quay cũng khác thường: các diễn viên phải diễn nhiều cách cho cùng một cảnh: lúc này giám sát kịch bản đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tổng thời lượng cho toàn bộ cảnh quay của 5 cái kết chính là 5 tiếng đồng hồ.
“Phi vụ nửa đêm” và công nghệ làm phim tương tác
Trong khi đó, “Phi vụ nửa đêm” đến từ nhà phát triển CtrlMovie – công ty cung cấp thiết bị đầy đủ từ A-Z cho quá trình làm phim tương tác. CtrlMovie tiên phong áp dụng Big Data vào mảng phim ảnh, được sử dụng bởi Hollywood và các hãng phim lớn. Và cũng bởi quản lý đầu cuối mà CtrlMovie có thể được sử dụng cho các dự án phim kinh phí đa dạng từ vài triệu đô cho tới bom tấn trăm triệu USD.
Ứng dụng dành cho thiết bị di động cho phép phim chiếu được tại các rạp chiếu và liên hoan phim. Khi khán giả đưa ra lựa chọn của họ thông qua ứng dụng, app này chỉ định cốt truyện tiếp theo dựa trên đa số phiếu bầu.
Với 7 kết thúc khác nhau trong đó chỉ có một “true ending” (kết thúc có hậu kiểu Hollywood), “Phi vụ nửa đêm” đem đến trải nghiệm điện ảnh tương tác đầu tiên trên màn ảnh rộng. Tổng thời lượng của phim là 4 tiếng, nhưng tùy theo lựa chọn của khán giả mà các tình huống sẽ dao động từ 64 – 97 phút.
Thể loại phim này sẽ có nhiều kết thúc, trong đó chỉ có một “true ending”. Ảnh: CJ
Trong phim, nhân vật chính là một sinh viên bị cuốn vào một vụ cướp vũ trang. Giờ đây không chỉ chứng kiến diễn biến phim, mọi người có cơ hội được quyết định các ngã rẽ của câu chuyện, hướng đi nhân vật, thậm chí muốn họ tốt hay xấu cũng có thể do bạn.
Không dừng lại là định dạng kết hợp giữa trò chơi và phim ảnh, thể loại này tạo nên cách thức tương tác mới giữa bộ phim và người xem, đem đến trải nghiệm điện ảnh tương tác đích thực đầu tiên cho khán giả Việt Nam.
P.V