(NSO) – Theo đánh giá của QS, năm 2025, nhiều chỉ số xếp hạng của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được đánh giá cao.
Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds, Vương quốc Anh đã công bố kết quả xếp hạng các đại học tốt nhất trong khu vực châu Á năm 2025 (QS Asia University Rankings 2025), trong đó Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vẫn tiếp tục giữ vị thế trong top 34%.
Theo công bố của Quacquarelli Symonds (QS), năm 2025 có 984 trường đại học trên toàn châu Á có mặt trong bảng xếp hạng, trong đó có đến 142 trường đại học lần đầu được xếp hạng. Tại bảng xếp hạng châu Á, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xuất sắc nằm trong TOP 34% trường đại học tốt nhất, đây cũng là thứ hạng trong lần đầu xếp hạng của Nhà trường vào năm 2024.
Còn tại Việt Nam, năm nay, có thêm 2 cái thêm góp mặt trong bảng xếp hạng này, nâng con số cơ sở giáo dục đại học được QS xếp hạng lên 17 trường. Trong đó, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xếp thứ 5 tại Việt Nam.
Theo đánh giá của QS, năm 2025, nhiều chỉ số xếp hạng của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được đánh giá cao. Điển hình như tiêu chí Trích dẫn trên mỗi bài báo, năm 2025 tăng 68 hạng, đứng thứ 23 trong tổng số các trường được xếp hạng tại châu Á. Tương tự, Mạng lưới nghiên cứu quốc tế cũng được đánh giá cao và tăng hạng so với năm trước, tăng 17 hạng và đứng thứ 230 trong tổng số các trường được xếp hạng tại châu Á.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, Nhà trường đã tổ chức phân tích các chỉ số và triển khai các chương trình hành động cải tiến chất lượng.
Cụ thể, nhà trường đã quan tâm nhiều đến công tác nghiên cứu khoa học, không chỉ gia tăng công bố quốc tế và uy tín học tập mà còn làm cơ sở để nhà trường thực hiện phương châm đào tạo thông qua nghiên cứu, hỗ trợ phát triển năng lực sáng tạo của người học, từ đó hướng đến hoàn thiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, Nhà trường còn chú trọng thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng có trình độ từ tiến sĩ trở lên, đồng thời đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ dành cho cán bộ, giảng viên.
Bên cạnh đó, các hoạt động quốc tế hóa luôn được đẩy mạnh và đầu tư thông qua các hoạt động liên kết đào tạo, quốc tế hóa chương trình đào tạo, thu hút và trao đổi sinh viên quốc tế.
Đặc biệt, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành còn xây dựng hệ thống đối tác doanh nghiệp và giảng viên doanh nhân, trực tiếp tham gia các hoạt động đào tạo, đánh giá chuẩn đầu ra và năng lực sinh viên tốt nghiệp.
Tiến sĩ Cầm cho biết thêm, kết quả xếp hạng có được là sự phản ánh và ghi nhận một số khía cạnh chất lượng nổi bật của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Nếu như các yếu tố như công bố quốc tế, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, uy tín học thuật, uy tín tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên/giảng viên… là những chỉ số cốt lõi của một số bảng xếp hạng đại học có uy tín hiện nay, thì đó cũng chính là những điểm mạnh nổi bật của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành từ nhiều năm nay, được hình thành và xây dựng trong cả một quá trình phát triển.
Đây là năm thứ 2 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có mặt trong Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất trong khu vực Châu Á. Trước đó, Nhà trường vinh dự đứng trong Top 34% trường đại học tốt nhất châu Á và duy trì thứ hạng cho đến nay.
Ngoài ra, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành còn là cơ sở giáo dục đại học được QS-Stars gắn 4 sao và có mặt trong bảng xếp hạng đại học bền vững do QS công bố năm 2024.
Với quan điểm lấy “chất lượng” làm kim chỉ nam, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành kết hợp đa dạng các bộ tiêu chuẩn chất lượng trong nước, quốc tế để quản trị và đo lường kết quả đạt được trong tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Việc tham gia vào các bảng xếp hạng quốc tế được nhà trường thực hiện sau cú chuyển mình mang tính bước ngoặt từ định hướng đại học ứng dụng sang theo đuổi con đường trở thành trường đại học định hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thông qua hoạt động xếp hạng, kiểm định theo các Bộ tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế sẽ giúp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phát triển toàn diện không chỉ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội mà còn tập trung cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng, hướng đến lan tỏa các giá trị khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, hội nhập sâu, tiếp cận nhanh với các xu thế phát triển nhanh của đại học thế giới.
Theo Giaoduc.net.vn