Mới đây, CTCP Lâu đài Trắng có thông báo về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Cụ thể, lô trái phiếu LDTCH213001 do Công ty phát hành riêng lẻ vào ngày 22/11/2021, đáo hạn ngày 22/05/2023 với khối lượng 240 tỷ đồng.
Theo kế hoạch thanh toán dự kiến, ngày 5/1/2023 công ty này sẽ thanh toán mua lại trước hạn trái phiếu. Tuy nhiên công ty cho biết việc chậm thanh toán, do nhiều tác động không tích cực từ thị trường, Lâu đài Trắng chưa thu xếp được nguồn vốn để thanh toán theo kế hoạch. Thời gian dự kiến thanh toán tiếp theo chậm nhất ngày 15/1/2023.
Lâu Đài trắng được thành lập vào năm 1993 với ngành nghề đăng ký kinh doanh là dịch vụ lưu trú ngắn hạn, trụ sở tại 24 Hạ Long, phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do ông Vũ Hồng Quang (sinh năm 1942, thường trú tại TP.HCM) làm Giám đốc và đại diện pháp luật.
Được biết trước đây Công ty có vốn điều lệ khoảng hơn 15 tỷ đồng, do các cổ đông góp vốn gồm Công ty TNHH Du lịch, Sản xuất, Thương mại Hương Phong tỷ lệ 31,762%, Công ty TNHH MTV Việt Gia Thành tỷ lệ 61,662%, bà Nguyễn Mỹ Thanh 6,928%. Trước khi ông Quang đảm nhiệm chức Giám đốc và đại diện pháp luật thì 2 vị trí này do ông Trần Bá Tòng (sinh năm 1959, thường trú tại Vũng Tàu) đảm nhận.
CTCP Lâu đài Trắng là đơn vị phát triển dự án Léman Cap Residence ngay tại địa chỉ 24 Hạ Long, phường 2, thành phố Vũng Tàu. Dự án do CTCP Quản lý CT làm chủ đầu tư. CTCP Quản lý CT thành lập tháng 11/2017 với ngành nghề là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Khi mới thành lập Quản lý CT có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, gồm các cổ đông bà Lương Thị Thu Dung góp 20%, ông Vũ Hồng Quang góp 40%, bà Lê Thị Mai Tâm góp 40%. Trong đó, ông Quang làm Chủ tịch HĐQT và hiện nay Công ty đã nâng vốn lên 100 tỷ đồng.
Được biết, CTCP Quản lý CT doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái CTCP Tập đoàn CT Group (CT Group) của đại gia Trần Kim Chung – Chủ tịch HĐQT CT Group.
Về 2 cổ đông còn lại của Lâu đài Trắng, Công ty TNHH MTV Việt Gia Thành thành lập ngày 09/09/2010; trụ sở tại số 866 CMT8, tổ 36, khu phố 5, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Công ty có ngành nghề chính là sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
Còn Công ty TNHH Du lịch, Sản xuất, Thương mại Hương Phong thành lập thành lập năm 2003 trên cơ sở sáp nhập 2 doanh nghiệp là Công ty Đầu tư – Phát triển Du lịch và Công ty Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Xuyên Mộc; trụ sở tại số 1 Nguyễn Du, phường 1, thành phố Vũng Tàu. Ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Công ty có vốn điều lệ 69 tỷ đồng, do ông Trần Thượng Tín (sinh năm 1969, thường trú tại Vũng Tàu) làm Chủ tịch kiêm Giám đốc, đại diện pháp luật. Ông Tín hiện còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Bao bì đạm Phú Mỹ (HNX: PMP).
Trước thời điểm ông Tín làm Giám đốc và đại diện pháp luật của Công ty Hương Phong thì ông Phạm Văn Hiến (người từng là Chủ tịch HĐQT PMP) đảm nhiệm 2 vị trí này.
Không chỉ có CTCP Lâu đài Trắng mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang gặp khó về dòng tiền, dẫn đến vi phạm hợp đồng thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho các trái chủ.
Mới đây, sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng có thông báo, Công ty CP Hưng Thịnh Incons (Mã chứng khoán : HTN) đang chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002.
Đây là trái phiếu có kỳ hạn một năm và đã đáo hạn vào ngày 31/12/2022 với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 300 tỷ đồng, thời điểm thanh toán theo kế hoạch vào ngày 3/1.
Hưng Thịnh Incons báo cáo đã hoàn trả toàn bộ tiền lãi hơn 8 tỷ đồng vào ngày 3/1. Tuy nhiên, công ty chỉ mới thanh toán được số tiền gốc 90 tỷ đồng (so với tổng nợ gốc 300 tỷ đồng).
Hay Hoàng Anh Gia Lai cũng thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tới hạn đối với mã trái phiếu HAGLBOND16.26 với tổng giá trị cần trả cho trái chủ hơn 1.021 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này có lịch trả nợ vào ngày 30/12/2022, số tiền thanh toán gốc là 881 tỷ và tiền lãi hơn 140 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty xin dời thời hạn thanh toán sang quý II/2023, với lý do chưa thu hồi được tiền nợ từ HAGL Agrico (đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên với ngân hàng) và thanh lý tài sản.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp đã đẩy mạnh mua lại trước hạn 39.542 tỷ đồng trái phiếu trong tháng cuối năm 2022, tăng 39% so với cùng kỳ. Tổng giá trị mua lại trong cả năm đạt hơn 210.573 tỷ đồng, tăng 46% so năm 2021.
Trong tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị gần 17.500 tỷ đồng, chủ yếu tại nhóm bất động sản và xây dựng.
Cụ thể, tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10,5 ngàn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn (chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn). Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5,9 ngàn tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 34% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn). Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.