Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ vai trò quan trọng trong diễn biến thị trường tài chính năm 2022, Fed dẫn đầu làn sóng siết chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu trong nỗ lực cố gắng kiềm chế lạm phát hiện đang ở ngưỡng cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Nhiều nhà đầu tư nắm giữ tiền trong cổ phiếu và cả trái phiếu chịu ảnh hưởng nặng nề khi mà thanh khoản bị rút ra khỏi thị trường mỗi khi Fed nâng lãi suất tiền tệ. Chỉ riêng trong năm vừa qua, Fed đã nâng lãi suất cơ bản đồng USD đến 7 lần. Vào giữa tháng 12/2022, Fed nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm, lãi suất cơ bản đồng USD dao động trong ngưỡng từ 4,25% đến 4,5%.
Trước đó, Mỹ đã chứng kiến 3 lần nâng lãi suất 0,75%, đây là chiến dịch nâng lãi suất mạnh tay nhất của Fed tính từ thập niên 1980.
Các quan chức Fed và chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất sẽ vẫn duy trì ở ngưỡng cao trong năm sau, tuy nhiên vào năm 2024 nhiều khả năng sẽ có các đợt hạ lãi suất. Dù vậy nó không đồng nghĩa rằng Fed sẽ vẫn mang đến động lực chính cho thị trường, theo nhận định của trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Plurimi Wealth – ông Patrick Armstrong.
“Trong năm nay tôi nghĩ Fed sẽ không có ảnh hưởng quyết định thị trường, tôi nghĩ chính là những yếu tố bao gồm doanh nghiệp và các yếu tố cơ bản khác sẽ ảnh hưởng đến triển vọng thị trường”, ông Armstrong nói với CNBC vào ngày thứ Sáu.
“Lợi suất trái phiếu thực ra đang mang đến cho bạn mức lợi tức thực tế bởi nó cao hơn lạm phát. Chính vì vậy nó có thể coi là một nơi an toàn để bỏ vốn, trong khi đó điều này ở thời điểm đầu năm nay không mấy ý nghĩa. Khi đó cũng khó mà kiếm được mức lợi suất như vậy”, ông Armstrong nhận định.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm trong ngày thứ Sáu duy trì ở mức 3,856%, tăng hơn đáng kể so với mốc 1,628% ở thời điểm đầu năm 2022. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính chuẩn chạm mức thấp chưa từng thấy 0,55% trong tháng 7/2022. Lợi suất trái phiếu thường diễn biến ngược với giá trái phiếu.
“Những gì xảy ra trong năm nay đều có nguyên nhân từ Fed. Biện pháp siết chặt định lượng, lãi suất cao hơn đều có nguyên nhân từ lạm phát. Nếu bạn là nhà đầu tư cổ phiếu hoặc trái phiếu, mức lợi suất thu được trong năm qua có thể nói quá thấp. Thanh khoản là yếu tố quyết định thị trường nhưng bản thân thanh khoản lại bị rút đi”, ông Armstrong phân tích.
Chính ông Armstrong từng nói rằng Mỹ có thể đang tiến gần hơn đến suy thoái kinh tế ở thời điểm khoảng giữa năm nay, tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh thị trường việc làm hiện vẫn đang rất vững vàng, tăng trưởng mức lương và tiêu dùng cao trong khi tiêu dùng chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế Mỹ, chính vì vậy khả năng kinh tế Mỹ suy thoái cũng có thể tránh được.
Cũng theo ông Armstrong, vấn đề mấu chốt đối với đầu tư năm 2023, chính là tìm kiếm những doanh nghiệp bảo vệ được biên lợi nhuận, bởi nếu không làm được như vậy đó sẽ thực sự là rủi ro lớn với cổ phiếu.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các chuyên gia phân tích hiện đang kỳ vọng về biên lợi nhuận đạt 13% đối với các doanh nghiệp thuộc S&P 500 trong năm 2023, đây là ngưỡng cao kỷ lục.
Tuy nhiên lạm phát và biện pháp siết chặt của Fed có thể tiềm ẩn thách thức với kịch bản đó, ông Armstrong nhấn mạnh.
“Tôi không nghĩ rằng bạn có thể làm được điều đó khi mà người tiêu dùng đang bị buộc phải thắt lung buộc bụng, chi phí năng lượng, thế chấp, thực phẩm và thậm chí phải xử lý cả tình trạng thất nghiệp trong bối cảnh Fed vẫn tiếp tục nâng lãi suất”, ông Armstrong nói.