Đồng thời, sự kiện sẽ mang đến những giải pháp trong phát triển bền vững và truy xuất nguồn gốc xuất xứ dành cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Cotton Day là sự kiện thường niên nhằm cung cấp thông tin thị trường mới nhất, và những nhận định của các chuyên gia hàng đầu thế giới về ngành dệt may, do Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tổ chức tại nhiều quốc gia Châu Á từ những năm đầu thập niên 90 và đã được tổ chức tại Việt Nam trong suốt 5 năm vừa qua.
Tại Cotton Day VietNam 2022 sẽ giới thiệu những sản phẩm thiết kế thời trang sử dụng nguyên liệu bông Mỹ đến từ nhiều thương hiệu thời trang trong nước như thương hiệu John Henry, Routine, Modern Humans… Cùng với đó, Ban tổ chức sẽ tạo không gian kết nối giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia sự kiện.
Đặc biệt, với sự góp mặt của những chuyên gia đầu ngành đến từ Hiệp hội Bông Mỹ và doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may của Mỹ, Cotton Day VietNam 2022 sẽ cung cấp nhiều thông tin bổ ích, thiết thực về thị trường bông Mỹ nói riêng, và thị trường bông thế giới nói chung.
Cụ thể, tại một số hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ sự kiện sẽ mang đến những chia sẻ của chuyên gia về giải pháp phát triển bền vững, vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ…
Ông Võ Mạnh Hùng, Đại diện Hiệp hội Bông Mỹ tại Việt Nam cho biết, Cotton Day VietNam 2022 đã có thể trở lại trực tiếp tại Việt Nam vào ngày 4/10/2022, để mang lại thêm cơ hội gặp gỡ, hợp tác nhiều hơn cho doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng ngành dệt may.
Qua đó, sự kiện giới thiệu đa dạng giải pháp hữu ích giúp doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững vì đây là xu hướng tất yếu nếu muốn đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong tình hình mới và tạo dựng được thương hiệu Dệt may thời trang Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Còn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, những tháng đầu năm 2022 đã diễn biến với cơ hội và thách thức mới, đã và đang mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam biết nắm bắt thời cơ, áp dụng những công nghệ mới… trên hành trình chinh phục thị trường toàn cầu.
Đặc biệt, công nghệ truy xuất nguồn gốc là một trong những vấn đề đòi hỏi doanh nghiệp phải kịp thời chuyển đổi, nhằm tạo dựng và củng cố niềm tin của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm dệt may “Made in Vietnam”./.