Luật Thanh tra hiện nay đã có nhiều quy định tương đối chặt chẽ về thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục giúp hoạt động thanh tra trở nên minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đối tượng bị thanh tra.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng một số cơ quan nhà nước tránh áp dụng các quy định chặt chẽ về thanh tra bằng cách tiếp cận doanh nghiệp nhưng không gọi là thanh tra, mà gọi là kiểm tra.
Hoạt động kiểm tra này hiện đang không có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể hoặc có quy định nhưng rất chung chung, không minh bạch, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng rất cao.
Ví dụ, nhiều trường hợp pháp luật chuyên ngành chỉ quy định cơ quan quản lý chuyên môn có quyền kiểm tra doanh nghiệp, nhưng không có quy định cụ thể về kế hoạch kiểm tra, thời hạn kiểm tra, căn cứ kiểm tra, quyết định kiểm tra, đoàn kiểm tra, thủ tục thực hiện kiểm tra,… Như vậy, đây mới chỉ có quy định trao quyền chứ chưa có quy định kiểm soát quyền lực.
Trên đây là thực trạng mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu trong văn bản góp ý về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) mà Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đang hoàn thiện.
Cần có tiêu chuẩn tối thiểu của các quy định
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) có đề cập đến hoạt động kiểm tra với hai nguyên tắc cơ bản là tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, đồng thời để pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kiểm tra. Nhưng, theo VCCI quy định như vậy vẫn sẽ không giải quyết được vấn đề lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp như đề cập ở trên.
“Chúng tôi cũng hiểu rằng, hoạt động kiểm tra vốn rất đa dạng và việc để pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể là hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần có những nguyên tắc tối thiểu làm định hướng để xây dựng các quy định về kiểm tra tại pháp luật chuyên ngành”, VCCI góp ý.
Đề nghị cụ thể hơn, VCCI cho rằng khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trao quyền kiểm tra cho các cơ quan nhà nước thì cần có tiêu chuẩn tối thiểu của các quy định đó. Như cần phải quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền kiểm tra, kế hoạch kiểm tra hoặc kiểm tra đột xuất, người thực hiện kiểm tra…
Khi thực hiện việc kiểm tra thì phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như phải có quyết định kiểm tra do người có thẩm quyền kí, quyết định kiểm tra phải nêu rõ: căn cứ ra quyết định kiểm tra; thành viên đoàn kiểm tra; đổi tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ kiểm tra, thời hạn kiểm tra…
“Quy đinh như vậy mới đảm bảo rằng, pháp luật chuyên ngành có thể đưa ra quy trình kiểm tra khác với luật này, nhưng vẫn xử lý được trường hợp pháp luật chuyên ngành không có quy định gì thì vẫn có thể áp dụng tương tự pháp luật thanh tra” VCCI nhấn mạnh.
Cần công khai hoạt động trên cổng thông tin điện tử
Theo VCCI, một trong những lý do khiến cho việc thanh tra hiện nay còn chồng chéo, chưa thực sự minh bạch là vì chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung công khai về hoạt động thanh tra. Do đó, các cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu triển khai một Cổng thông tin điện tử về hoạt động thanh tra do Thanh tra Chính phủ quản lý, và bổ sung quy định vào trong Luật Thanh tra làm cơ sở cho việc triển khai.
Mỗi cơ quan nhà nước có quyền thanh tra sẽ được Thanh tra Chính phủ cấp tài khoản để chủ động đăng tải thông tin. Các cơ quan nhà nước khi ban hành kế hoạch thanh tra định kỳ thì cần đăng tải công khai kế hoạch trên cổng thông tin này. Khi ban hành Quyết định thanh tra cũng cần đăng tải công khai trên Cổng thông tin…
“Việc đăng tải thông tin trên Cổng có thể thay thế cho nhiều các quy định về công bố công khai khác trong dự thảo. Cũng như tập trung được toàn bộ các cuộc thanh tra trên một cơ sở dữ liệu sẽ giúp bảo đảm loại bỏ toàn bộ chồng chéo, trùng lặp giữa các cuộc thanh tra. Đồng thời giúp minh bạch hoá và tạo điều kiện để xã hội giám sát hoạt động thanh tra, bảo vệ quyền lợi của cả đối tượng thanh tra và các bên khác có liên quan, ngăn chặn tình trạng lạm dụng thanh tra để nhũng nhiễu”, VCCI lý giải cho góp ý của mình.
Chọn đối tượng thanh tra theo quản lý rủi ro
VCCI cho biết, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc cơ quan thanh tra lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra nhiều lúc còn tuỳ tiện, thậm chí có dấu hiệu bị lạm dụng, văn bản góp ý nêu rõ.
Thế nhưng, theo VCCI, Dự thảo hiện chưa có quy định về việc lựa chọn đối tượng để đưa vào kế hoạch thanh tra cũng như việc quyết định các nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra. Vì vậy, VCCI cho rằng cần bổ sung nguyên tắc quy định về việc lựa chọn đối tượng, phạm vi và thời gian thanh tra theo quản lý rủi ro trong Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này. Cụ thể:
Yêu cầu các cơ quan phải lập cơ sở dữ liệu về các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Cơ sở dữ liệu bao gồm nhiều tiêu chí nhằm chấm điểm rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Các cơ quan lập công thức chấm điểm rủi ro dựa trên các tiêu chí trong dữ liệu.
Thực hiện lựa chọn đối tượng thanh tra định kỳ theo điểm rủi ro của từng đối tượng.
Ngoài các nội dung trên, VCCI còn góp ý cụ thể về các quy định gửi kế hoạch thanh tra, căn cứ ra quyết định thanh tra, nội dung của quyết định này…