Động thái cấm xuất khẩu một số loại gạo của Ấn Độ đã tạo ra làn sóng mua trong hoảng sợ tại nhiều quốc gia. Nhiều đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy người dân và doanh nghiệp đổ xô đi mua gạo, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Tại nhiều nước, từ Mỹ cho đến Canada hay Australia, thông tin về việc người dân và doanh nghiệp nghiệp chạy đua mua gom gạo đã thu hút sự quan tâm.
Nhiều cửa hàng phải áp quy định hạn chế khối lượng mua, nhiều cửa hàng tăng giá để có thể tranh thủ kiếm lời. Nhiều nhà hàng Ấn Độ trên khắp thế giới trong khi đó lo sợ về khả năng thiếu gạo sẽ ảnh hưởng đến doanh thu.
Gạo là loại thực phẩm vô cùng quan trọng với hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi. Các biện pháp hạn chế của Ấn Độ, vốn được áp dụng với gạo tẻ thường, được tính đến để kiểm soát giá cả, thế nhưng cũng gây ra căng thẳng lên thị trường thực phẩm toàn cầu vốn trước đó đã đương đầu với nhiều khó khăn bởi thời tiết xấu và xung đột căng thẳng tại Ukraine.
“Trong khoảng vài ngày qua, nhiều người bắt đầu mua lượng gạo nhiều gấp đôi so với bình thường, chính vì vậy chúng tôi phải có động thái hạn chế”, quản lý tại cửa hàng MGM Spices tại Australia – ông Shishir Shaima chia sẻ.
Hiện tại, cửa hàng chỉ cho phép mỗi khách hàng mua túi gạo ước tính khoảng 5 kilogram mỗi người, thậm chí đã có những khách hàng nổi cáu khi không được cho phép mua thêm thế nhưng đại diện cửa hàng cho biết họ phải đảm bảo quyền lợi cho mọi đối tượng khách hàng.
Tại Mỹ, các đoạn video cho thấy người dân đổ xô đi mua gạo. Nhiều cửa hàng bán đồ thực phẩm tại Toronto cũng đã áp dụng quy định hạn chế mua và tăng giá bán lẻ, theo CityNews.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Ấn Độ tại Malaysia, ông Govindasamy Jayabalan, cho biết ông lo ngại tình trạng hiện tại sẽ dẫn đến việc gạo khan hiếm, chi phí ăn uống của người dân tại nhà cũng như tại nhà hàng sẽ tăng mạnh.
“Chúng tôi rất lo lắng về điều này, phẩn lớn các khách hàng nhà hàng của chúng tôi đều phục vụ cho nhóm khách hàng có thu nhập thấp, chúng tôi không hề muốn tăng giá thế nhưng những gì đang diễn ra đẩy chúng tôi vào tình thế khó”, ông Jayabalan nói.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, hiện đang cân nhắc cấm xuất khẩu phần lớn các loại gạo, động thái có thể đẩy giá gạo tăng cao hơn nữa khi mà hiện tượng thời tiết El Nino cực đoan kéo dài gây ảnh hưởng đến mùa vụ, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Chính phủ Ấn Độ hiện đang tính đến việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo ngoài Basmati (các loại gạo không phải basmati, một loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ và Pakistan). Nguyên nhân chính là bởi giá gạo nội địa Ấn Độ cao, giới chức Ấn Độ đồng thời muốn tránh rủi ro lạm phát leo thang.
Nếu quy định cấm này được áp dụng, ước tính khoảng 80% gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng. Động thái có thể giúp hạ giá gạo nội địa tuy nhiên lại tiềm ẩn rủi ro đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn.
Gạo hiện đang là loại thực phẩm chính cho khoảng nửa dân số thế giới, châu Á tiêu thụ khoảng 90% nguồn cung gạo trên toàn cầu. Giá gạo hiện đã lên ngưỡng cao nhất trong 2 năm bởi những nỗi sợ về khả năng El Nino sẽ gây tổn hại đến mùa vụ.
Ấn Độ chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại gạo trên toàn cầu, giới chức Ấn Độ trong thời gian gần đây đã siết chặt xuất khẩu một số loại gạo. Trong năm ngoái, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vỡ đồng thời áp thuế 20% với gạo trắng và nâu sau khi căng thẳng Nga Ukraine đẩy giá của nhiều loại thực phẩm chủ chốt như lúa mì và ngô tăng vọt. Ấn Độ đồng thời hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.
Ấn Độ cung cấp gạo cho khoảng hơn 100 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có những khách hàng lớn nhất bao gồm Benin, Trung Quốc, Senegal, Bờ biển Ngà, Togo.
Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Ấn Độ giảm bởi khả năng sẽ có lệnh cấm được áp dụng. Cổ phiếu công ty KRBL, công ty xuất khẩu gạo lớn nhất tại Ấn Độ, hạ khoảng 3,7% và rồi sau đó phục hồi phần nào. Cổ phiếu công ty Chaman Lal Setia Exports Ltd mất 1,4% giá trị; cổ phiếu Kohinoor Foods sụt 2,9%, cổ phiếu LT Foods Ltd hạ 4,4%.
Nhiều nước nhập khẩu gạo lớn của thế giới như Indonesia, Trung Quốc và Philippines đã không ngừng tích trữ gạo trong năm nay. Điều kiện rừng tại Thái Bình Dương đã xấu đi lần đầu tiên trong 7 năm, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO). Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo tiềm ẩn rủi ro gây tổn hại đến nguồn cung và đẩy cao lạm phát.
Kế hoạch cấm xuất khẩu một số loại gạo của Ấn Độ được đưa ra sau khi lạm phát giá cả tiêu dùng của Ấn Độ tháng 6/2023 tăng mạnh do giá thực phẩm tăng cao.
Bloomberg Economics dự báo lạm phát sẽ tăng sau khi giá cà chua, một loại nguyên liệu quan trọng trong các bữa ăn của người Ấn, tăng lên. Ngân hàng Barclays và Yes đều đã nâng dự báo triển vọng lạm phát.