Ngày 4/1, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo năm 2023”.
Tại hội thảo, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (mục tiêu đề ra là lạm phát năm 2022 là dưới 4%).
Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp, trong khi lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt tại khu vực đồng Euro tháng 11 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước và của Mỹ tại 7,1%. Tại châu Á, lạm phát tháng 11 của Thái Lan tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Hàn Quốc tăng 5%, Indonexia tăng 5,4%, Trung Quốc tăng 1,6% và Nhật Bản tăng 3,6%. Nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới đang rơi vào cảnh tốc độ lạm phát cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế”
“Đây là điểm sáng nhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2022, đó chính là kiểm soát được tỷ lệ lạm phát tương đối thấp trong bối cảnh các nước trên thế giới chật vật đối phó với lạm phát phi mã và “bão giá”, đồng thời tăng trưởng với tốc độ cao”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Nhiều áp lực lên lạm phát
Năm 2023, trong bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường; lạm phát duy trì ở mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo suy giảm giá trị đồng tiền tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực…
“Rủi ro cũng là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh nguyên liệu hàng hóa thế giới cẫn ở mức cao, các nền kinh tế đối tác thương mại lớn, qua trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung quốc… đều dự báo lạm phát vẫn ở mức cao đáng lo ngại”, ông Ngô Trí Long nêu.
Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế |
Trong nước, có nhiều yếu tố áp lực lên lạm phát Việt Nam theo hướng tăng như do độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm trước; năm 2023 sẽ tăng lương cơ bản và một số mặt hàng do nhà nước quản lý (giá điện, y tế, giáo dục…); hay áp lực tăng lãi suất, tỷ giá vẫn lớn… Vì vậy, vị chuyên gia này đưa ra dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4 – 4,5%.
“Lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 có thể vượt qua ngưỡng 4,5%. Lý do chính là vì độ trễ của gói phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và lạm phát ở các nền kinh tế đối tác quan trọng có thể vẫn ở mức cao trong năm tới”, ông Ngô Trí Long dự báo.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, năm 2023, lạm phát của nền kinh tế thế giới dù có xu hướng hạ nhiệt nhưng dược dự báo vẫn ở mức cao khoảng 6,5%, từ đó tác động rất lớn đến diến biến giá cả hàng hóa và tình hình lạm phát của Việt Nam.
Cùng với đó, việc Chính phủ Trung Quốc dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa có thể làm sản xuất tăng trưởng, tăng sức ép về giá cả xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của thế giới và gia tăng áp lực lạm phát.
“Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và có gần 40% nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới nên khả năng nhập khẩu thông qua nhập khẩu nguyên liệu đầu vào rất lớn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.
Ông Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính |
Những nhân tố có thể giảm áp lực
Tuy nhiên, ông Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, có một số nhân tố có thể giảm áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2023.
Trước hết, nền kinh tế trong nước đã thích ứng với trạng thái vừa chung sống với dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, đã phục hồi mạnh mẽ trong năm ngoái và sẽ tiếp tục thích ứng với các biến động kinh tế, xã hội trong năm 2023.
Thứ hai, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các các ngân hàng thương mại (NHTM) trong thời gian qua có xu hướng tăng cao. Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế hồi phục và phát triển, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có biện pháp cung ứng vốn giá rẻ với thời gian tương đối dài cho các NHTM, cùng với các yêu cầu để các NHTM cắt giảm chi phí nhằm ổn định và hạ thấp mặt bằng lãi suất của nền kinh tế
Ngoài ra, việc Chính phủ Trung Quốc dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa để phòng chống đại dịch COVID-19 có thể làm sản xuất tăng trưởng, thúc đẩy mở rộng nguồn cung các nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào với giá cả hợp lý cho nền sản xuất.
Đồng thời, thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa, các linh phụ kiện của các doanh nghiệp Việt Nam với chi phí vận chuyển, logicstic ở mức thấp. Điều này sẽ góp phần giảm thấp áp lực lạm phát.
Quyết tâm và kinh nghiệm điều hành giá
Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát cần thực hiện tốt một số biện pháp; tiếp tục giữ vững ổn định giá trị VND, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
“Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng lạm phát do tâm lý”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Còn theo ông Ngô Trí Long, Chính phủ vẫn kiên quyết quyết thực hiện kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023. Vì vậy, thời gian tới, NHNN cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản.
Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.
“Đối mặt với các mặt hàng thiếu hụt trọng thời gian ngắn hạn cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với cá mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế”, ông Ngô Trí Long lưu ý.
Các cơ quan truyền thông cần thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông kịp thời, rõ ràng, chính xác về các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ những thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý thông tin sai gây ra.
“Với sự quyết tâm và kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ cùng với sự phối hợp của các bộ ngành và địa phương thì mục tiêu CPI bình quân ở mức 4,5% có thể đạt được”, ông Long kỳ vọng.