Trong phiên họp sáng 30-5, Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với hàng loạt quy định quan trọng về giao dịch, chữ ký điện tử.
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, UBTVQH đã rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật (26 luật và các văn bản quy định chi tiết) và điều ước quốc tế (09 văn bản) liên quan đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Đồng thời, đã chỉ đạo rà soát cẩn trọng, toàn diện để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, phù hợp với các điều ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở khi thực hiện giao dịch điện tử (GDĐT).
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và không áp dụng một số trường hợp loại trừ; có ý kiến đề nghị nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh…
UBTVQH cho rằng, thực tiễn cho thấy, một số lĩnh vực loại trừ áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử GDĐT 2005 hiện đã được triển khai GDĐT một phần như đăng ký khai sinh, kết hôn đã có dịch vụ công trực tuyến tại nhiều địa phương…
Các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ, ngành, địa phương cung cấp đang được tích cực triển khai theo hướng khép kín toàn bộ quá trình dịch vụ từ đầu đến cuối (toàn trình), phù hợp với xu thế chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, Điều 1 đã được chỉnh lý như trong dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
Về chữ ký điện tử, có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm của chữ ký số, chữ ký điện tử; đề nghị làm rõ các hình thức OTP, SMS hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử không; có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực với vai trò như là chữ ký điện tử.
Về vấn đề này, UBTVQH nhận định, hiện nay, các hình thức mã xác thực giao dịch qua tin nhắn điện tử (SMS), xác nhận mật khẩu dùng một lần (OTP), Token OTP, sinh trắc học, định danh người dùng bằng phương thức điện tử (eKYC)… được sử dụng tương đối phổ biến trong GDĐT.
Tuy nhiên, các hình thức này chỉ được coi là chữ ký điện tử khi kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu; có khả năng xác nhận chủ thể ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ về “Chữ ký số”, “Chữ ký điện tử” tại Điều 3. Ngoài ra, Điều 25 dự thảo Luật đã phân loại chữ ký điện tử theo phạm vi sử dụng gồm chữ ký điện tử chuyên dùng; chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực bằng phương tiện điện tử khác, UBTVQH thấy rằng, các bên được “Tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ, phương tiện điện tử, chữ ký điện tử để thực hiện giao dịch điện tử”.
Thực tế theo báo cáo của các ngân hàng, khách hàng có thể sử dụng tài khoản giao dịch, mật khẩu, mã OTP,… do ngân hàng cung cấp để thực hiện giao dịch.
Đây là một hình thức xác nhận sự chấp thuận của khách hàng đối với nội dung thông điệp dữ liệu (nội dung giao dịch), tuy nhiên những hình thức này không phải là chữ ký điện tử theo quy định của Luật này.
Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung khoản 4 Điều 25 quy định về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải là chữ ký điện tử thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, để phù hợp với thực tiễn triển khai.