(NSO) – Hưởng ứng tuần lễ “Sách cho người làm báo” diễn ra từ ngày 17 – 22/6/2023, nhà xuất bản Trẻ tổ chức sự kiện giao lưu “Nhà báo viết sách” vào 9g sáng ngày 18/6, với sự tham gia của bốn nhà báo: Nhà báo Dương Thành Truyền, Nhà báo Nguyễn Khắc Cường, Nhà báo Hồ Huy Sơn và Nhà báo Trung Nghĩa
Khi bàn về chủ đề “nhà báo viết sách”, thường người ta sẽ liên tưởng đến những sách về chuyên ngành báo chí hoặc sách dạng tổng hợp, chắt lọc những bài đã đăng báo trước nay. Sách chuyên ngành báo chí ở Việt Nam chưa nhiều, và những tác phẩm dạng này (ví dụ loạt sách của nhà báo Đỗ Đình Tấn tại NXB Trẻ), là những tư liệu quý cho thế hệ đi sau.
Thực tế xuất bản những năm qua đã cho thấy: Các tác giả – nhà báo viết đa dạng thể loại, từ thơ đến văn xuôi, từ sách cho trẻ em đến người trưởng thành. Sự điêu luyện trong sử dụng ngôn ngữ, trải nghiệm phong phú, cùng với cách quan sát cuộc sống sắc sảo – tất cả tạo nên thế mạnh khi một nhà báo viết sách.
các diễn giả sẽ chia sẻ nhưng câu chuyện xoay quanh việc viết và giữ nguồn cảm hứng. Đây là buổi giao lưu rất giá trị với các bạn trẻ muốn theo nghiệp viết, hoặc đang làm trong ngành truyền thông – marketing, hoặc đơn giản là muốn nghe những chia sẻ thú vị từ trải nghiệm dày dặn của các nhà báo.
Nhà báo Dương Thành Truyền (còn có bút danh Duyên Trường), là tác giả của Ký ức về nước mắt và tiếng cười (tạp bút), Chuyện gái trai (tạp văn), Trên đường về nhớ đầy (du ký), Trái tim có hình hộ khẩu (phiếm đàm), Di chúc của Bác Hồ – một giáo trình tiếng Việt độc đáo (chuyên khảo, đã tái bản lần thứ năm). Tản văn mới nhất của anh có tên Bắt đầu bằng để lại, xuất bản vào tháng 4/2023 và hiện đã chuẩn bị tái bản, chỉ sau gần 3 tháng kể từ ngày phát hành. ( Link TCBC, hình chụp và trích đoạn cuốn Bắt đầu bằng để tại, xem tại đây.
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường, hiện là Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, vừa ra mắt truyện dài mới nhất Kho báu trong thành phố vào tháng 6/2023, tiếp sau tập truyện dài phát hành năm 2022 của anh là Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch. Với sự thấu hiểu và tình yêu đối với trẻ thơ, những sáng tác của anh trong trẻo, tươi sáng, ngập tràn tình yêu cuộc sống. Nếu như Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch là câu chuyện về gia đình trẻ trong chung cư giữa đô thị lớn cùng chú mèo Joni bị bỏ rơi một cách ly kỳ, với bao chuyện đáng yêu và cảm động, thì Kho báu trong thành phố là là câu chuyện song tuyến về tuổi thơ của cha – tuổi thơ của con. Tuổi thơ của cha là tuổi thơ lớn lên giữa Sài Gòn, với chợ bà Chiểu, Thảo Cầm Viên, món chuối chưng mẹ mua cho, vô vàn trò chơi nghịch bắn bi, đá dế, tắm mưa… và tuổi thơ của các con được kể qua gameshow thực tế với sự tham gia của các gia đình, mà mỗi điểm dừng là một dịp để cha và con hiểu thêm nhau, và nhắc nhớ về những địa điểm đầy kỷ niệm ở thành phố. Một câu chuyện mà các bạn nhỏ sẽ thích thú, còn người lớn sẽ mỉm cười nhớ về tuổi thơ của mình.
Nhà báo Trung Nghĩa sở trường về mảng phóng sự, ký sự. Anh đã phát hành nhiều tựa sách hướng đến bạn đọc trẻ tuổi, đã đặt chân đến 50 quốc gia và tham gia tác nghiệp tại 6 kỳ World Cup. Quyển sách phát hành gần đây nhất của anh tại NXB Trẻ là cuốn Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl, ra mắt cuối năm 201. Hơn 300 trang sách giới thiệu những chuyến hành trình ở khắp các châu lục Âu, Á, Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Đại Dương gian nan, thử thách với phong cách dấn thân vào hiểm nguy để tác nghiệp, săn tin, săn ảnh như một phóng viên chiến trường thực thụ ở những quốc gia đã hoặc đang xảy ra xung đột vũ trang, khủng bố, thảm họa hạt nhân, hay về vụ mất tích máy bay bí ẩn nhất lịch sử nhân loại MH370.
Nhà báo Hồ Huy Sơn có tập tản văn Xin chào ngày nắng đẹp, phát hành nóng hổi vào tháng 6/2023. Đây là tập tản văn tươi tắn, sáng trong, kể về những câu chuyện tác giả quan sát được và lọc qua đôi mắt giàu cảm xúc của mình. Từ những món ăn lạ lùng mà thấm đẫm yêu thương chỉ thấy ở bếp nhà của mẹ, cho đến niềm vui khi thấy nắng lên, cây mọc, hoa nở; những câu chuyện ở nhiều vùng đất, tình người… Một tập sách để đọc nhẩn nha, để chia sẻ với bạn bè để yêu đời thêm một chút.
Giới thiệu hai tác phẩm mới của hai nhà báo: Xin chào ngày nắng đẹp (Hồ Huy Sơn và Kho báu trong thành phố (Nguyễn Khắc Cường)
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường: Kho báu là một ẩn dụ. Trong sách, tôi có ý tưởng về một trò chơi truyền hình dành cho các cặp cha con, để họ cùng nhau đi tìm một kho báu. Và trong hành trình đó, các nhân vật cũng sẽ khám phá ra nhiều kho báu khác: những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, tình cha con, những giá trị văn hóa, và cả những bài học làm người hay cách dạy con.
Nhà báo Hồ Huy Sơn: Xin chào ngày nắng đẹp là tâp tản văn bao gồm 36 bài viết nói về nhiều chủ đề, ghi lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống như một món quà trao tặng tất cả các độc giả.
Nghề báo hỗ trợ như thế nào cho việc viết sách:
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường: Đến năm nay, tôi đã có gần 30 năm làm báo thiếu nhi. Do phụ trách nhiều tờ báo dành cho thiếu nhi, tôi thường xuyên được lắng nghe những ước mơ, trăn trở của các bạn thiếu nhi thuộc nhiều thế hệ, có người ngày trước còn nhỏ nay đã trưởng thành, đi làm và lập gia đình. Nhiều năm nay tôi luôn sống trong bầu không khí tuổi thơ. Chính bầu không khí ấy đã giúp tôi có sự đồng cảm tự nhiên với trẻ thơ, và nó cũng trở thành chất liệu và nguồn cảm hứng cho tôi viết nên tác phẩm.
Nhà báo Trung Nghĩa: Nhà báo có lợi thế là được đi đó đi đây rất nhiều và có khả năng viết tốt. Nhờ đi nhiều nên nhà báo có nhiều trải nghiệm, nhiều điều mắt thấy tai nghe về vùng đất, con người, văn hóa. Tất cả những điều đó cung cấp tư liệu cho nhà báo tập hợp lại và viết thành sách có chủ đề và nội dung súc tính, cô đọng.
Nhà báo Dương Thành Truyền: Nói đến sách của nhà báo thì cũng có rất nhiều loại sách. Đó có thể là thơ, văn, hay là biên khảo. Nếu là sách biên khảo thì nhà báo đã trở thành nhà nghiên cứu, có thể gọi là học giả, và đó là một loại lao động khác. Ngoài ra còn có các tác phẩm báo chí tập hợp lại thành một cuốn sách, đơn thuần vẫn là tác phẩm báo chí. Ở đây chúng ta nói về thể loại chung giữa báo và văn, như nhà báo Hồ Huy Sơn viết tạp văn, nhà báo Trung Nghĩa viết du ký. Nhà báo luôn sống trong thời cuộc, sống giữa dòng chảy thông tin. Các thông tin trở thành chất liệu hoặc khơi gợi cảm xúc cho nhà báo, thúc giục nhà báo viết nên tác phẩm. Thông tin đó có thể là các câu chuyện thời sự, những câu chuyện về cuộc sống, về con người. Tất cả đều gọi ra nhiều điều sâu xa khiến ta suy ngẫm và từ đó, nhà báo ghi lại những câu chuyện thành sách, để nó có sức sống bền lâu hơn, có đời sống dài hơn một bài báo.
Nhà báo Hồ Huy Sơn: Do là nhà báo phụ trách mảng xuất bản nên tôi may mắn được sống với sách vở, được đọc rất nhiều cuốn sách. Tôi rất biết ơn nghề báo vì chính nghề báo đã giúp tôi được sống với văn chương và nuôi dưỡng đam mê của tôi.
Nhà báo Dương Thành Truyền: Làm nghề báo tôi không bao giờ thấy chán. Ngày nào tôi cũng được lắng nghe nhiều câu chuyện từ các nguồn thông tin khác nhau, tất cả đều rất thú vị. Nhà báo luôn sống trong thông tin, ngập trong thông tin như thế. Khi làm nghề báo, ta có cơ hội nhìn vấn đề từ nhiều chiều, nhiều góc độ. Nghề giúp nhà báo phát triển cách nhìn cuộc sống một cách không thiên lệch, không định kiến để có thể kể lại câu chuyện một cách đa chiều cho mọi người.
Văn phong viết báo và viết sách khác nhau như thế nào:
Nhà báo Hồ Huy Sơn: Không cần tách bạch giữa làm báo và viết sách. Đôi khi, chất nhà báo trong tác phẩm văn chương và sự dung hòa văn với báo sẽ tạo nên nét độc đáo của tác phẩm.
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường: Viết báo hay viết sách đều giống nhau ở chữ “viết”. Điều quan trọng ở một tác phẩm là ta phải viết làm sao cho hấp dẫn với người đọc. Các tác phẩm báo chí thường sử dụng ngôn ngữ sự kiện. Với viết văn, thực tiễn là chất liệu để tạo nên những câu chuyện điển hình, có tính khái quát, và chuyên chở một thông điệp lớn hơn. Thật ra, trong quá trình sáng tác, tôi cứ viết một cách tự nhiên, không phân biệt. Nhưng đến nay tôi nhận ra trong tác phẩm của mình cũng có dáng dấp của người làm báo. Ví dụ như tôi luôn lồng ghép thông tin, kiến thức vào câu chuyện của mình: các nhân vật trẻ em của tôi luôn ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng bảo vệ trẻ em là 111.
Quá trình sáng tác:
Nhà báo Trung Nghĩa: Anh Dương Thành Truyền đã truyền cho tôi một kinh nghiệm, đó là đi đâu cũng phải mang theo một cuốn sổ tay. Ở trang bên trái, chúng ta ghi lại những sự việc ta chứng kiến. Ở trang bên phải, chúng ta ghi những cảm nhận của mình. Cuốn sổ sẽ trở thành một quyển tư liệu rõ ràng hỗ trợ ta viết sách.
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường: Thời gian của nhà báo có thể rất eo hẹp. Bên cạnh áp lực thời gian thì còn áp lực lên tâm trí, vì tâm trí của nhà báo lúc nào cũng bận rộn với những chủ đề phải viết, bận rộn với cơm áo gạo tiền. Tôi thường để cho những cảm xúc và ý tưởng bất chợt đến với mình. Với cuốn sách mới này, tôi nghĩ ra cốt truyện trong khi đang chạy bộ tập thể dục. Từ cốt truyện đó, tôi viết đề cương. Tôi không đặt áp lực, không tạo deadline cho chính mình, mà cứ đi từng bước một. Đôi khi thời gian quá ngắn nên cảm xúc chưa về kịp. May thay, những khi nghĩ ra câu thoại đắt, những tình tiết thú vị, tôi lại có một niềm hưng phấn dào dạt. Chính niềm vui và niềm hưng phấn đó đã bù đắp cho lao động nhọc nhằn của người viết văn.
Lời khuyên để viết sách:
Nhà báo Dương Thành Truyền: Phải yêu!
Nhà báo Hồ Huy Sơn: Điều quan trọng nhất là sự bền bỉ để đi đường dài.
Nhà báo Dương Thành Truyền: Người viết cần nuôi dưỡng cảm xúc với ngôn từ, trau dồi vốn tiếng Việt và vốn liếng sống. Cá nhân tôi luôn cảm thấy xúc động và được truyền cảm hứng khi bắt gặp những cách diễn đạt hay trong tiếng Việt: đặc biệt là cách chơi chữ rất thú vị và dí dỏm với những từ hai tiếng. Để cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ và trau dồi năng lực diễn đạt, ta cần phải đọc sách thật nhiều: sáng đọc, chiều đọc, tối đọc, nửa đêm giật mình tỉnh dậy cũng đọc. Đọc sách cho ta kiến thức, đó là một quan điểm còn hạn hẹp. Đọc sách còn cho ta năng lực lập luận hay năng lực ngôn từ. Hơn hết, đọc sách giúp ta trở thành một người thú vị, duyên dáng và quyến rũ. Như nàng Scheherazade trong Ngàn lẻ một đêm, vì nàng kể chuyện quá hay nên vua không nỡ giết nàng. Khi ta là một người thú vị, ai ai cũng muốn gặp gỡ, nói chuyện, trao đổi với ta, và muốn đọc sách ta viết nữa.
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường: Không cần lo lắng là câu chuyện đã không còn nóng hổi khi bạn viết một cuốn sách. Điều quan trọng là sự kiện đó đã cho ta những cảm xúc gì. Những cảm xúc đó phản ánh phần nào thời đại ta đang sống, trở thành nguồn tư liệu cho người đọc về sau.
Nhà báo Dương Thành Truyền: Người Việt chưa có thói quen viết sách. Lời khuyên của tôi cho các bạn là hãy cứ viết sách đi. Sách có cái duyên rất lạ. Rất lâu về sau, một người đọc tình cờ tìm thấy cuốn sách của ta trong thư viện. Nó gợi cho họ những cảm xúc, ý tưởng hay cảm hứng làm một điều gì đó. Đó chính là sức sống bền lâu của sách. Hãy viết nhật ký, viết về những gì diễn ra quanh ta, viết về mẹ ta. Hãy ngồi vào bàn và viết, bắt tay vào viết, vì tất cả đều là cuộc sống, tất cả đều đáng được kể lại. Hơn hết, viết còn là một cách để tự học nữa.
P.V