Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn (dưới 30 triệu đồng/m2) dần trở nên khan hiếm. Nguyên nhân do tình trạng “lệch pha cung – cầu”, thiếu nguồn cung dự án dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở.
Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, từ năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản TP.HCM liên tục đã sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, các lĩnh vực của nền kinh tế TP.HCM phục hồi và tăng trưởng mạnh sau dịch Covid-19, chỉ riêng thị trường bất động sản tăng trưởng âm (-5,82%).
Báo Tiền phong đưa tin, trong 9 tháng đầu năm 2022, TP.HCM có 21 dự án đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 11.600 căn nhà. Trong đó, có 10.166 căn hộ chung cư chiếm 87,6% và 1.434 căn nhà thấp tầng chiếm 12,4% tổng số nhà ở đưa ra thị trường.
“Nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn (dưới 30 triệu đồng/m2) đến năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 đã không còn. Riêng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động trong 9 tháng đầu năm nay, thành phố đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân khu chế xuất Linh Trung 2.
Trong khi đó, nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo. Cụ thể, năm 2017 có 10.987 căn nhà cao cấp, chiếm 25,5%. Năm 2019 có 15.479 căn nhà cao cấp, chiếm 67,1%. Đến năm 2021 có 10.404 căn nhà cao cấp, chiếm 72%. 9 tháng đầu năm 2022 có 9.305 căn nhà cao cấp, chiếm đến 80,2%”, HoREA nêu thực trạng.
Cũng theo Hiệp hội này, đã xuất hiện tình trạng giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Tuy giao dịch nhà đất đã có dấu hiệu giảm tốc, chậm lại, trầm lắng, nhưng giá nhà đất vẫn còn ‘neo’ giữ mức giá cao.
“Giá nhà bình dân cũng đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. Nếu so sánh, giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển chỉ cao gấp khoảng 6-7 lần mức thu nhập. Vì vậy, người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân lao động và người nhập cư khó có cơ hội sở hữu nhà ở nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ”, HoREA cho hay.
Liên quan tới thị trường bất động sản tại TP.HCM, tạp chí Reatimes đưa tin, báo cáo mới nhất của Savills cho thấy, trong quý III, nguồn cung sơ cấp thị trường căn hộ thành phố giảm còn 6.600 căn, giảm 51% so với quý trước. TP Thủ Đức và Quận 1 là hai quận có nguồn cung lớn nhất. Ngoài ra, lượng tồn kho căn hộ sơ cấp chiếm 66% nguồn cung, lớn nhất kể từ năm 2019. Tuy nhiên, đáng nói 89% lượng hàng tồn kho này thuộc về các căn hộ hạng A (cao cấp) và hạng B (trung cấp).
Trong số lượng nguồn cung mới, hơn 60% có giá hơn 11 tỷ đồng/căn, và báo cáo ghi nhận mức giá sơ cấp cao nhất từ trước đến nay là 124 triệu đồng/m2. Đối với giai đoạn tiếp theo của một số dự án, các căn hộ mới cũng có mức tăng 10%. Giá cả cao, cùng với việc siết chặt tín dụng khiến thanh khoản thị trường giảm dẫn tới lượng giao dịch giảm 89% theo quý, với con số 990 căn. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất kể từ năm 2019 là 15%, con số này đối với nguồn cung mới là 20%, thấp nhất từ trước đến nay.
Thị trường biệt thự, nhà liền kề ghi nhận những dấu hiệu tích cực hơn phân khúc căn hộ. Nguồn cung sơ cấp đối với nhà xây sẵn tăng 38% theo quý, lên khoảng 800 căn.
Thị trường bất động sản với nhiều rào cản như dòng vốn tín dụng hạn chế, lãi suất cao khiến cho nhà đầu tư và người mua nhà gặp nhiều khó khăn trong giao dịch. Ngoài ra, giá sơ cấp càng ngày càng tăng tại TPHCM đã cản trở người mua, bất chấp việc nhiều chủ đầu tư đưa ra những chính sách ưu đãi để thu hút khách hàng.
Mặc dù nguồn cung căn hộ ở TP.HCM dự kiến tăng lên 133.400 căn trong năm 2025, nhưng con số này chỉ đáp ứng được khoảng 52% nhu cầu nhà ở theo kế hoạch.