(NSO) – Mới đây, Bảo Anh đã chính thức phát hành EP ‘không biết nên vui hay buồn’ và MV ‘cô ấy của anh ấy’. Ngay sau khi ra mắt, ca khúc ‘cô ấy của anh ấy’ dành vị trí No.1 trên hàng loạt các bảng xếp hạng nhạc số như iTunes, Apple Music, Zing MP3… MV giữ top 5 trending âm nhạc trên Youtube sau 48 tiếng và gần cán mốc 1 triệu view.
Bên cạnh việc thu hút khán giả bởi giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng cùng giọng hát đầy cảm xúc của Bảo Anh, ‘cô ấy của anh ấy’ cũng vướng phải một số nghi vấn “mượn” ý tưởng của một số bài nhạc Hoa từ cộng đồng mạng. Tối ngày 23/5, nhạc sĩ Kai Đinh đã lên tiếng về vấn đề này và chia sẻ chi tiết về quá trình sản xuất âm nhạc cho ca khúc ‘cô ấy của anh ấy’.
Kai Đinh bày tỏ trên trang cá nhân: “Trước và sau khi bài hát ‘cô ấy của anh ấy’ được ra mắt, ở trên mạng có xuất hiện một số tranh cãi về việc bài hát này đã ‘mượn’ ý tưởng từ một (vài) bài hát nhạc Hoa khác. Kai muốn chia sẻ một quan điểm cá nhân: Nhạc Hoa rất hay. Tầm ảnh hưởng của một nền văn hoá lâu đời và hùng mạnh như văn hoá Trung Quốc là không thể phủ nhận đối với việc phát triển văn hoá nghệ thuật của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, nhưng điều đó không có nghĩa là bài hát nào mang giai điệu màu sắc Á Đông cũng là ‘mượn’ từ nhạc Hoa, không phải bài hát nào có phần lời nhiều so sánh ẩn dụ cũng là ‘mượn’ cách viết lời của nhạc Hoa”.
Kai Đinh cho biết, nhạc sĩ hoàn toàn tôn trọng cảm giác cá nhân của mỗi khán giả, quan sát và lắng nghe mọi phản hồi để ngày càng hoàn thiện bản thân. Theo Kai Đinh, ý tưởng cho ‘cô ấy của anh ấy’ khởi nguồn từ ý muốn viết và sản xuất cho Bảo Anh một bài hát nhịp 6/8 với hòa thanh đặc trưng của âm hưởng cổ điển. Không gian âm nhạc lofi tuy khá phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam, nhưng không có nhiều các bài hát với nhịp 6/8 được kết hợp cùng không gian này, nên ‘cô ấy của anh ấy’ là một trong những bài nguyên bản nhịp 6/8 đầu tiên được sản xuất trong không gian lofi tại Việt Nam.
Giai điệu của bài hát này được bắt đầu với một trong các motif giai điệu kinh điển, và được phát triển tuyến tính sao cho đáp ứng được hai tiêu chí: dễ nhớ & phù hợp với quãng giọng đẹp nhất của Bảo Anh. Khúc thức mà Kai sử dụng nhiều trong cách phát triển giai điệu của bài hát này là lặp lại liên tục các chuỗi motif trong mỗi phân đoạn, từ verse (phiên khúc), đến pre (nối khúc), đến chorus (điệp khúc). Việc này giúp cho người nghe tiếp nhận giai điệu dễ hơn, vì những nốt trong thang âm (scale) mà Kai dùng có hơi nhiều nốt thăng và giáng, nếu phát triển với quá nhiều motif sẽ dễ bị rối và khó nhớ đối với tai nghe đại chúng.
Lời bài hát là một trong những phần mà Kai Đinh tâm đắc nhất. Vì Bảo Anh chia sẻ rất thích bài hát ‘điều buồn nhất’ do Kai sáng tác và sản xuất, nên nhạc sĩ muốn thử dùng lại cách thức từng sử dụng khi đặt lời cho ‘điều buồn nhất’ là thủ pháp lặp từ và nếu nghe qua một lần sẽ cảm thấy bối rối về nghĩa. Đó là lý do có đoạn: “cô ấy giờ là cô ấy của anh. cô ấy của anh giờ không phải em. anh vốn luôn có cô ấy cạnh bên chỉ là giờ đây em không còn được là cô ấy”.
Trong việc đặt lời bài hát này, có một cách thức lần đầu tiên Kai sử dụng, chính là “dùng lời nói của một đối tượng để diễn đạt nội tâm của một đối tượng khác”. Từ đầu đến cuối đều là lời kể của cô gái, nhưng hai câu “xin lỗi vì đã chẳng thể tốt hơn. xin lỗi chẳng thể trưởng thành sớm hơn” của chàng trai, có lẽ sẽ diễn đạt được sâu sắc hơn cảm xúc trộn lẫn giữa tình yêu, ký ức, sự tiếc nuối, những tiếng thở dài, những lời giá như, trong nội tâm của người nghe, là cô gái, và phải chăng cả người nghe nhạc.
Không gian của bài hát được thiết kế bởi SIVAN & TDK, sau khi nghe Kai chia sẻ về concept ý tưởng, TDK đã biên soạn phần khung hoà thanh mang âm hưởng cổ điển, SIVAN sau đó kết hợp cùng làm thiết kế âm thanh và bố cục. Kai Đinh tiết lộ, team sản xuất đã cùng làm việc và sửa đến 18 bản khác nhau cho ca khúc ‘cô ấy của anh ấy’. Phần phức tạp nhất có lẽ là phần tiếng (sound) của accordion ở đoạn cao trào cuối bởi Kai muốn âm sắc của sound này hơi tối và hơi off pitch, trong khi phần beat và không gian của nguyên đoạn này lại cần sáng lên và đẩy cảm xúc bài hát lên cao trào. Để chuyển tải được hết những điều Kai mong muốn, ngoài hai nhạc sĩ phối khí TDK và SIVAN, còn có sự trợ giúp đắc lực của Minh Maximum, kỹ sư âm thanh (mix/master album HOÀNG & album LINK).
Kai Đinh cho biết, toàn bộ ý tưởng của EP ‘không biết nên vui hay buồn’ đều dựa trên màu sắc Á Đông. Không phải Trung – Nhật – Hàn, cũng không phải Việt Nam, không cụ thể bất kỳ quốc gia nào, mà là màu sắc Á Đông nói chung: “Sau khi quyết định được chất liệu này, thì không gian âm nhạc (music ambience/music vibe) mà Kai chọn cho lần trở lại này của Bảo Anh là lofi, vốn đang là không gian chủ đạo của cả Kai (lâu-phai 1 & 2) và Bảo Anh (moodshow 1 & 2) trong thời gian gần đây. Kai nghĩ rằng việc kết hợp giai điệu ballad được phát triển cùng màu sắc Á Đông, trong không gian lofi sẽ vừa là một sự mới mẻ và vừa phát huy được chất giọng mềm, tối và tình cảm của Bảo Anh”.
P.V