Nhằm đưa ra những cơ chế, chính sách hướng đến phát huy nguồn nhân lực, động lực của một siêu đô thị tương xứng với sự phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của TP.HCM, sáng ngày 14/12/2022, trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Trường với chủ đề “Pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, Trưởng BTC Hội thảo khẳng định: Hội thảo được diễn ra với một tinh thần nhìn nhận thẳng thắn, khách quan về ưu điểm và hạn chế của bộ máy vận hành của TP.HCM hiện nay. Ông Hải cũng bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ trở thành một diễn đàn thảo luận tích cực và mang đến những kiến nghị mang giá trị tham khảo cao.
Với bài tham luận “Cơ sở khoa học về tổ chức chính quyền đô thị và tham chiếu cho tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh”, từ những đặc trưng cơ bản của đô thị, TS. Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường ĐH Luật TP.HCM) đã rút ra những lý thuyết tiêu biểu, làm cơ sở kiến nghị cho những đổi mới về căn bản của TP.HCM, trên tinh thần phù hợp với tình hình chung hiện nay và hướng tới mục tiêu xây dựng cơ chế quản lý thông thoáng cùng mô hình quản lý linh hoạt.
Bàn về vấn đề “Tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong mô hình chính quyền đô thị”, ThS.GVC. Trần Thị Thu Hà (Trường ĐH Luật TP.HCM) đưa ra các đề xuất sửa đổi và khắc phục từ những bất cập xoay quanh chế độ hoạt động của UBND đối với một đô thị đặc biệt như TP.HCM. ThS. Hà đề xuất việc đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của UBND TP.HCM theo hướng mô hình thị trưởng; nâng cao tính khoa học và hợp lý trong việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, tham khảo học tập theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Nhận định về các đề xuất, điều chỉnh và ứng dụng trong thực tiễn cho bộ máy quản lý TP.HCM từ các bài tham luận, ông Lê Minh Đức – Phó Trưởng ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân TP.HCM đánh giá cao về mức độ cần thiết, nhưng bên cạnh đó cần có thời gian để thực hiện, tức là thí điểm có lộ trình. Ông Đức cho rằng trong quá trình thực hiện cần chú trọng và đặt yếu tố “con người” làm cốt lõi, chủ động và tích cực tăng cường sự tương tác giữa nhân dân và chính quyền.
Trong bài tham luận “Cần phân cấp mạnh hơn để Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng CBCC toàn diện đủ sức vận hành chính quyền đô thị”, TS. Diệp Văn Sơn – Nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ phía Nam đã đề cập đến khả năng vận hành đô thị của cán bộ, công chức và đánh giá quá trình đào tạo còn nhiều ngặt nghèo. Với tình hình đó, TS. Sơn kiến nghị rằng việc sát hạch công chức cần có sự chặt chẽ, quá trình đào tạo công chức cần bài bản hơn, đảm bảo chi phí tài trợ cũng như phúc lợi của cán bộ, công chức.
Trao đổi tại phần thảo luận chung, ông Hồ Thảo Hùng – Đại diện Hội Luật gia Quận 5 nhấn mạnh về vấn đề nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cần có sự hài hòa tập thể và trách nhiệm rõ ràng. Trong vấn đề xã hội hóa, ông Hùng cho rằng cần có tiêu chí, định khung cụ thể trong giai đoạn xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng ngân sách, sự phản biện mạnh mẽ là vô cùng cần thiết để tiến tới tự chủ ngân sách.
Đánh giá chung về Hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Đường – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định các chuyên mục được chuẩn bị công phu; ý kiến đóng góp đa dạng, cung cấp nhiều cơ sở cho tình hình thực tiễn. Sau hai phiên tham luận tích cực, Hội thảo đã đi đến kết thúc với những kiến nghị có giá trị đóng góp vô cùng thiết thực, là nền tảng giúp TP.HCM có thêm định hướng phát triển xứng tầm với một siêu đô thị hàng đầu của Việt Nam.
P.V / Thiên Bảo (ĐH Luật TP HCM)