Mèo – nét đẹp văn hóa lâu đời của người Nhật
Đối với người Nhật Bản, mèo mang một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Nhật, mang đến may mắn và điều tốt đẹp. Người Nhật gọi nét dễ thương này là “tsundere”. Từ “tsun” có nghĩa là kiêu ngạo và quý phái, còn “dere” là nũng nịu. Mèo xuất hiện ở khắp nơi trong đời sống thường ngày của người Nhật. Đặc biệt, những hoạt động kinh doanh về mèo rất ăn nên làm ra tại đất nước mặt trời mọc. Không chỉ xuất hiện dưới dạng mèo thần tài (maneki neko) được đặt ở hầu hết quán xá, với mong muốn mọi công việc của doanh nghiệp thuận lợi và ăn nên làm ra, mèo còn có mặt khắp nơi với những hình ảnh bắt mắt, dễ thương. Đất nước này có hẳn 1 chuyến tàu Shinkansen với tên gọi “Hello Kitty” với hình ảnh cô mèo Hello Kitty được trang trí khắp trong và ngoài tàu.
Mèo còn là chủ đề trong lễ hội của người Nhật. Tháng 2 và đặc biệt ngày 22/2, bạn sẽ có cơ hội tham gia vào ngày của mèo. Lễ hội bắt nguồn từ năm 1987 từ ý tưởng của một công ty thức ăn cho mèo tại Nhật. Ngày 22 của tháng 2 được chọn vì trong tiếng Nhật, “2, 2, 2” được gọi là “ni, ni, ni” và biến âm thành “nyan, nyan, nyan” vốn là tiếng kêu của mèo.
Tại Nhật Bản, tuy mèo không nằm trong 12 con giáp nhưng lại là biểu tượng của sự may mắn qua câu chuyện nổi tiếng về “Chú mèo vẫy tay” Tama đã cứu sống vị lãnh chúa khỏi bị cây đổ do sét đánh. Và ngày nay tại Nhật Bản, ngôi đền thờ chú mèo Tama vẫn còn tồn tại.
Người Ai Cập cổ đại tôn sùng loài mèo linh thiêng
Suốt 3.000 năm qua, trong văn hóa Ai Cập cổ đại, mèo được tôn vinh là loài vật linh thiêng. Bast (Bastet, Ubaste, hay Baset) là một trong những vị thần được người dân Ai Cập cổ đại tôn sùng nhất, mang hình dáng người phụ nữ có cái đầu mèo. Tên của nữ thần Bast thường được người Ai Cập cổ đặt kèm cho những loại nước hoa tỏa mùi thơm (nước hoa). Vì thế, Bast được coi là nữ thần bảo hộ cho hương thơm, nữ thần chống lại các bệnh truyền nhiễm, xua đuổi ma quỷ và ban phúc, bảo hộ con người. Có lẽ vì vậy, loài mèo thường xuất hiện trong các nghi lễ thiêng liêng của họ, thậm chí được tôn thờ như vị thần hộ vệ cho hoàng gia.
Đối với người Ai Cập, đôi mắt sáng của mèo trong đêm cũng giống như ánh trăng trong đêm mù âm u. Nếu hỏa hoạn xảy ra trong nhà, mèo sẽ là ưu tiên cứu hàng đầu. Khi một con mèo chết, mọi thành viên trong gia đình sẽ để tang bằng cách cạo một bên lông mày của mình. Ngoài ra, người Ai Cập còn ướp xác mèo và chôn tại nghĩa trang dành cho loài mèo cùng với xác ướp của những con chuột, bên cạnh đó một bát sữa để nó sử dụng khi bị đói khát ở thế giới bên kia.
Nếu ai đó giết chết một con mèo, thậm chí vô ý, người đó sẽ phải đối mặt với sự giận dữ của dân chúng. Người này sẽ bị trừng phạt bằng cách bị ném xuống một hố đầy rắn độc. Sự sùng bái nữ thần Bast ban đầu mọc lên xung quanh thị trấn Bubastis trong vai trò là người bảo vệ không chỉ của các gia đình mà là của cả Ai Cập – vị thần bảo vệ dân gian, nông thôn và quý tộc. Vì vậy, lễ hội hàng năm của nữ thần Bast là sự kiện lớn, được tham dự bởi hơn nửa triệu tín đồ. Nếu người nông dân Ai Cập nằm mơ thấy mèo, anh ta sẽ coi đó là điềm báo trước của một vụ mùa bội thu.
Istanbul – thành phố “cuồng mèo”
Đến với thành phố “cuồng mèo” Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, du khách có thể gặp chúng tắm nắng, ngồi liếm lông hay ghé vào các cửa hàng để tìm thức ăn. Mèo là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Dọc từng vỉa hè, họ đặt đĩa thức thức ăn và nước uống gọn gàng, thậm chí còn có những hộp đựng tiền tip dành cho mèo. Số tiền thu được đưa vào quỹ để mua thuốc, chữa trị cho những con mèo ốm hay bị thương. Người dân còn kỳ công xây những căn nhà nhỏ dành cho mèo lang thang trú chân trong những ngày mưa hay mùa đông lạnh giá.
Theo truyền thuyết, nhà tiên tri vĩ đại Muhammad đã nuôi con mèo cưng Muezza. Một ngày nọ, khi Mohammed chuẩn bị xiêm y để đi ra ngoài, ông thấy Muezza nằm chiễm chệ trên cánh tay của chiếc áo choàng và ngủ say sưa. Không thể chậm trễ nhưng cũng không nỡ đánh thức chú mèo, Mohammed quyết định cắt phăng phần tay áo choàng đi để vừa có áo khoác ra ngoài mà vẫn không làm hỏng giấc ngủ ngon của chú mèo mà ông yêu mến.
Trong một vài nền văn hóa ở châu Phi, mèo tượng trưng cho sự tài giỏi, có khả năng thấu thị như những nhà tiên tri. Mèo đặc biệt được quý trọng ở Bắc Mỹ. Tại đây, người ta coi mèo tượng trưng cho kẻ có chí lớn, biết cách đạt mục đích. Vì thế, trong trường hợp mèo bị giết, chỉ có “vì nhu cầu linh thiêng” mới biện hộ được. Nhưng ngay cả khi có đủ lý do để giết mèo thì vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt những nghi thức được quy định chặt chẽ bởi cộng đồng, thậm chí là luật pháp.
Mèo đem đến cả sự may mắn và rủi ro
Tại Trung Quốc, mèo được coi là sứ giả của điềm lành. Nhiều nơi trên đất nước rộng lớn này, người ta mô phỏng động tác của mèo trong các điệu múa cầu mong cho mùa màng. Đặc biệt ở Trung Quốc, mèo đen được dùng để giữ nhà, xua đuổi tà ma, thu hút của cải. Vì vậy, từ xa xưa, những gia đình giàu có thói quen nuôi mèo đen hoặc sử dụng phụ kiện mèo đen như treo chuông gió có hình con mèo đen ở cửa. Một số người giàu lấy vàng làm vật trang sức cho mèo.
Thế nhưng ở châu Âu, hình ảnh con mèo đen nằm cạnh bà phù thủy già với chiếc mũi khoằm nhọn hoắt thường xuất hiện nhiều trong các truyện dân gian thể hiện một thế lực ma quái đầy bí ẩn, chuyên gây ra tai họa, bệnh tật khủng khiếp cho con người. Bởi vậy, lịch sử của nhiều quốc gia đã từng ghi lại sự đối xử tàn tệ của con người với những con mèo vô tội như đem đi thiêu.
Thậm chí, một số thành phố của châu Âu xưa còn có cả nghi thức ném mèo từ nơi cao nhất trong thành phố xuống. Còn những tên cướp biển lừng danh của thế kỷ 17 – 18 ở châu Âu cho rằng, mèo có thể đem lại cả sự may mắn và rủi ro: Nếu mèo đen đi về phía ai, người đó sẽ gặp xui xẻo; còn khi nó tránh xa anh ta có nghĩa là người đó nhất định sẽ gặp may.
Tuy nhiên, không phải nơi nào ở châu Âu cũng coi mèo là rủi ro, mà ngược lại, nó còn là biểu tượng cho sự may mắn. Tại Scotland, một con mèo đen lạ vào nhà sẽ đem theo sự thịnh vượng cho gia chủ. Các thủy thủ tại Vương quốc Anh lại tin tưởng sự may mắn mà chú mèo sẽ đem lại cho con tàu của họ, đặc biệt là mèo đen. Đôi khi, những người vợ thủy thủ cũng nuôi mèo ở nhà, với hy vọng chúng sẽ bảo vệ người chồng của họ ngoài biển khơi.