NHIPSONGONLINE – Với sự độc đáo, sáng tạo và mang đậm nét đẹp văn hoá Việt Nam, những thiết kế của sinh viên Trường Đại học Hoa Sen (HSU) đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của Ban giám khảo cuộc thi Miss Universe Vietnam – Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022.
Sau thành công của 4 mùa giải và 6 bộ trang phục dân tộc Việt Nam đã để lại tiếng vang lớn đối với bạn bè quốc tế, năm nay, Ban tổ chức Miss Universe tiếp tục tổ chức cuộc thi “Tuyển chọn Thiết kế trang phục dân tộc” với format hoàn toàn mới. Thay vì nhận từng bài thi riêng lẻ, BTC đã liên kết với các trường Đại học có chuyên ngành về thời trang trên địa bàn TP.HCM để phát động và tìm kiếm các tác phẩm dự thi xuất sắc nhất từ sinh viên của trường. Trong đó, Trường Đại học Hoa Sen được xem là ngôi trường tiềm năng, là cái nôi đào tạo nên nhiều nhà thiết kế tài ba. Trên tinh thần đó, các bạn sinh viên đã tiếp tục đồng hành cùng chương trình để tìm ra những trang phục độc đáo, sáng tạo, phù hợp với thuần phong mỹ tục và mang được nét đẹp của văn hoá Việt Nam đến đấu trường Quốc tế.
Với chủ đề “Vina Woman – Bản lĩnh Việt Nam”, sinh viên HSU đã mang đến các mẫu thiết kế độc đáo, dành cho những cô gái mang vẻ đẹp tự tin, hiện đại, bản lĩnh, vượt qua những giới hạn bản thân, phá vỡ những quy tắc về cái đẹp để tôn vinh giá trị chân-thiện-mỹ.
Ở vòng thuyết trình ý tưởng trước Hội đồng Sơ khảo Cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho Miss Universe 2022”, các sinh viên của HSU được đánh giá rất tâm huyết, chỉn chu trong phần trình bày. Các bạn đã chia sẻ về nguồn cảm hứng, nghiên cứu về chất liệu văn hoá dân tộc, cũng như cách thức, kỹ thuật tạo mẫu tác phẩm của mình.
Ban tổ chức Miss Universe Vietnam cùng các giảng viên Thiết kế thời trang HSU đã quyết định chọn ra 7 thiết kế sẽ được dựng thành trang phục và trình diễn tại show Trang phục dân tộc diễn ra vào ngày 11/06 sắp tới. Các tác phẩm bao gồm: “Linh Sơn” của bạn Tô Phương Thuỷ & Nguyễn Dương Hồng Ngọc; “Nước Việt” của Phạm Trọng Hiếu; “Ủn A Ủn Ỉn” của Tô Hồng Minh Tiến và Nguyễn Bảo Hà; “Mẹ” của Lâm Chí Cường; “Giao Thời” của Nguyễn Công Tài; “Ả Phù Dung” của Nguyễn Phước Điền; “Vàng Son” của Nguyễn Ngọc Như Thảo.
Trước đó, các cựu sinh viên của Trường Đại học Hoa Sen cũng từng ghi dấu ấn mạnh mẽ tại đấu trường trang phục dân tộc cho Miss Universe và các cuộc thi nhan sắc thế giới như: Khoa Lỗ với “Kén Em” và “Ai Tét Hông” – trang phục dự thi Miss Universe của Hoa hậu Khánh Vân và Á hậu Kim Duyên, Tín Thái với “Thiên thần xanh” – trang phục của Hoa hậu Thùy Tiên tại Miss Grand, “Nàng Mây” – trang phục của Á hậu Lệ Hằng tại Miss Universe…
Việc trường Đại học Hoa Sen phối hợp cùng BTC Miss Universe “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho Miss Universe 2022” không chỉ nhằm tìm kiếm những bộ trang phục xuất sắc cho các đại diện nhan sắc Việt Nam tại đấu trường quốc tế mà còn tạo điều kiện để các bạn sinh viên HSU được trải nghiệm nghề nghiệp, trực tiếp thực thi những bài học trên giảng đường và sớm trở thành những nhà thiết kế chuyên nghiệp trong tương lai.
Cùng nhìn ngắm 7 bộ trang phục cùng những thông điệp ý nghĩa đến từ các sinh viên Hoa Sen đã được BTC Miss Universe Vietnam lựa chọn.
——–
- Linh Sơn của bạn Tô Phương Thuỷ & Nguyễn Dương Hồng Ngọc: Tác phẩm được lấy cảm hứng từ Núi Bà Đen ở Tây Ninh- Ngọn núi cao nhất miền nam Việt Nam vì đây là nơi có vẻ đẹp thiên nhiên trù phú, các di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, các công trình đứng nhất tại Châu Á và nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới. Qua đó, quảng cáo du lịch Việt Nam, góp phần xây dựng kinh tế đất nước sau đại dịch Covid19. Bộ trang phục “Linh Sơn” muốn khắc hoạ nên người phụ nữ Việt Nam hiện đại, không chỉ dừng lại ở những vẻ đẹp, tiềm năng vốn có mà còn hội nhập và phát triển, khẳng định bản thân mình với xã hội, vươn lên sánh ngang với châu lục và thế giới.
- Nước Việt của Phạm Trọng Hiếu:Tác phẩm Nước Việt của Trọng Hiếu được lấy cảm hứng từ chính quê hương Việt Nam – một đất nước vững mạnh quốc thái dân an, với những câu chuyện nghìn năm sử sách vượt qua thử thách để gìn giữ giang sơn xã tắc. Với chủ đề “Bản lĩnh Việt Nam”, “Nước Việt” là một thiết kế truyền tải được nét đẹp Việt Nam rực rỡ gấm hoa trong hình ảnh nữ hoạ sĩ tái hiện lại giang sơn hồn thiên sông núi, non nước thanh bình qua nét cọ vẽ của mình.
- Ủn A Ủn Ỉn của Tô Hồng Minh Tiến và Nguyễn Bảo Hà:Hình ảnh những chú lợn mang màu sắc rực rỡ, tươi sáng đã từ lâu trở thành biểu tượng cho sự sung túc, phồn thực, hạnh phúc của mỗi gia đình Việt Nam. Với chức năng tiết kiệm tiền, mỗi chú heo còn đại diện cho vẻ đẹp cần kiệm của mỗi người phụ nữ Việt Nam. Mỗi chú heo đến với cuộc đời đều được nung trong lò đất, sơn phết tươi đẹp để đem bán ra thị trường, sau đó được đập ra để những mảnh vỡ hoà vào lòng đất. Sứ mệnh của phụ nữ cũng vậy, họ cũng được tôi rèn qua thử thách của cuộc sống để tạo ra giá trị cho xã hội, cuối cùng tạo ra một cộng đồng bền vững, một xã hội phát triển.
- Mẹ của Lâm Chí Cường: Thiết kế của Lâm Chí Cường lấy cảm hứng từ người mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ- người đã 9 lần nhận giấy báo tử con mất trong kháng chiến. Tác phẩm được làm ra để tri ân người mẹ Việt Nam anh hùng vì với Cường, vẻ đẹp cao quý đôi khi được xuất phát từ vẻ đẹp bên trong, từ đức tính hy sinh cao cả của người mẹ. Trang phục mang vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại, đan xen giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện tinh thần kế thừa, chắt lọc những tinh hoa của thể hệ đi trước. Bên cạnh đó, thiết kế còn còn mang thông điệp của hoà bình: Hoà bình là giải pháp cho tất cả, hoà bình dẫn lối hoà bình. Hãy để những người phụ nữ sống trong hoà bình để họ xây phát triển nâng tầm bản thân, xây dựng đất nước.
- Giao Thời của Nguyễn Công Tài:Giao thời – tức thời điểm chuyển giao giữa thời kỳ này sang thời kỳ khác, là lúc chuyển giao ngày và đêm, cũng là lúc cái mới cái cũ xen lẫn nhau và cũng là khoảng thời gian thay đổi diện mạo của người phụ nữ rõ ràng nhất. Bộ trang phục thể hiện ý niệm rằng theo thời gian sẽ có những thứ thay đổi và phát triển nhưng có những phẩm chất, nét đẹp vẫn trường tồn và mãi mãi. Hình ảnh chim phượng hoàng hiện ra trong tà áo dài là linh hồn sống lớn nhất thể hiện sự cao quý, quyền lực, tự do, điều mà phụ nữ Việt Nam vẫn luôn hướng tới.
- Ả Phù Dung của Nguyễn Phước Điền:Tái sinh là ý niệm được truyền tải qua hình tượng “ Ả Phù Dung”. Tái sinh là sức mạnh, là khát khao, là hy vọng, hy vọng một ngày nào đó đoá phù dung sẽ tái sinh mạnh mẽ và rực rỡ như phượng hoàng. Ả Phù Dung là hình tượng được hình ảnh hoá dựa trên đoạn thơ của Nguyễn Trọng Trì khắc hoạ về nữ tướng Bùi Thị Xuân. Với phong cách thiết kế mới của hiện đại dựa trên những yếu tố truyền thống. Ả phù dung góp phần tái sinh lại những văn hoá truyền thống đang dần mai một tại Việt Nam.
- Vàng Son của Nguyễn Ngọc Như Thảo:Thông qua thiết kế của mình, Như Thảo mong muốn thiết kế của mình có thể tôn vinh cải lương- Văn hoá truyền thống phi vật thể của Việt Nam đang dần bị mai một ở thời hiện đại. Lấy tên Vàng Son, bạn muốn thông qua trang phục mang cải lương đến gần hơn với giới trẻ, để gợi nhắc về một thời vàng son của cải lương. Với bạn, cải lương có ý nghĩa rất lớn lao khi là diễn đàn văn hoá nghệ thuật mang ý nghĩa giải phóng thân phận người phụ nữ Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ XX. Cải lương dù ở quá khứ hay truyền thống luôn đề cao tính nhân văn ở mỗi con người và qua đó thể hiện khát khao được bình đẳng, được vươn lên, thoát khỏi những trói buộc định kiến của xã hội để chọn lựa cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam.
Hoàng Quyên