(NSO) – Ở Việt Nam xử lý tranh chấp ngoài tòa án đã được áp dụng từ khá sớm từ đầu những năm 60. Tuy nhiên, chúng ta đang trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng và khó lường, do đó rủi ro ngày càng tăng và khả năng xảy ra tranh chấp trong kinh doanh là điểu khó tránh khỏi. Vì thế, việc tăng cường năng lực pháp lý của các và nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp để đề ra những biện pháp phòng ngừa và xử lý tranh chấp hiệu quả là điều cần thiết.
Đó là thông tin được TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết tại Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam năm 2023 với sự kiện mở màn có chủ đề về Giải quyết tranh chấp xuyên biên giới: Xu hướng mới nổi tại khu vực Đông Á và một số vấn đề đương đại được diễn ra vào ngày 9/5 tại TP HCM.
Ông cho biết, theo đánh giá của ngân hàng thế giới phương thức giải quyết tranh chấp là chỉ số quan trọng đóng góp vào việc nâng cao chất lượng tố tụng tại Việt Nam. Phương thức trọng tài và hòa giải được đánh giá cao, hiện nay trong thương mại quốc tế hầu hết các tranh chấp đều được đưa ra giải quyết tại các cơ quan trọng tài là chủ yếu. Nhưng ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp sử dụng phương thức trọng tài còn hạn chế nguyên nhân là do còn nhiều hạn chế về nhận thức từ cộng đồng doanh nghiệp, năng lực hệ thống trọng tài, thông tin về phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án chưa được phổ cập đến cộng đồng doanh nghiệp và đến các cơ quan liên quan.
Nói về lợi thế phương thức trọng tài hay ngoài tòa án nói chung so với phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án, ông phân tích ở điểm: Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thân thiện hơn, nhanh chóng và thuận lợi hơn, xét xử ở phương thức này thường tôn trọng tối đa quyền tự quyết ở các bên, được quyền lựa chọn cơ quan trọng tài xét xử, luật pháp và ngôn ngữ để sử dụng, địa điểm và quan trọng là được lựa chọn trọng tài để xét xử không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Có tính bảo mật cao, thông tin kinh doanh sẽ không được tiếc lộ nhằm giữ uy tín ở các bên. Cuối cùng là phán quyết ở trọng tài có hiệu lực thi hành giống bản án của tòa án, được cơ quan thi hành án thúc đẩy thi hành và được áp dụng trên 170 nước trên thế giới theo công ước thế giới về trọng tài.
VAW được khởi xướng tổ chức vào năm 2020 với kỳ vọng sẽ trở thành chuỗi hoạt động quy mô lớn, kết nối cộng đồng những người hành nghề trọng tài trong nước và quốc tế. Đồng thời đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ADR trao đổi quan điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ giữa các tổ chức và cá nhân trong nước, giữa Việt Nam với nước ngoài.
Năm 2023, lần đầu tiên VAW được tổ chức bởi VIAC & VBLC, hai tổ chức hàng đầu về thực hành ADR và hành nghề luật tại Việt Nam, cùng sự tham gia phối hợp trực tiếp từ các tổ chức ADR quy tín tại Châu Á và trên thế giới như Tòa Trọng tài Quốc tế Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Châu Á (AIAC), Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB),…
Được biết, tuần lễ quy tụ nhiều chuyên gia, luật sư, nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, người thực hành nghề luật tại Việt Nam và trong khu vực cùng trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về rủi ro pháp lý trong giao thương, đầu tư quốc tế cũng như cách thức quản lý và giải quyết các tranh chấp phát sinh.
Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam năm 2023 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề xoay quanh việc phòng ngừa rủi ro pháp lý và giải quyết tranh chấp cũng như thích ứng với một Châu Á năng động đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID. Tạo ra các kết nối trong hoạt động giải quyết cả ở phạm vi Việt Nam, trong khu vực và với thế giới; giúp nâng cao vị thế của nền tài phán trọng tài ở Việt Nam, từng bước đưa Việt Nam trở thành địa điểm trọng tài được các bên tranh chấp lựa chọn.
P.V