100 nghìn doanh nghiệp rời thị trường 6 tháng đầu năm
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 707,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 509,9 nghìn lao động, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, giảm 19,8% về vốn đăng ký và giảm 1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 958,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 25,2 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 là 1.666,1 nghìn tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có gần 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 113,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Chiều ngược lại, trong tháng 6/2023, có 5.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 4,9% so với tháng trước và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.749 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,9% và tăng 11,7%; có 1.482 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21,2% và giảm 12,2%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 2/2023 cho thấy: Có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý 1/2023; 36,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý 3/2023, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 2/2023; 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Về khối lượng sản xuất, có 28,9% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý 2/2023 tăng so với quý 1/2023; 36,2% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 34,9% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm.
Dự kiến sang quý 3/2023 có 34,3% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng so với quý 2; 39,8% số doanh nghiệp dự báo giảm và 25,9% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về đơn đặt hàng, có 32,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên trong quý 3; 41,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 26,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 18,5% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới trong quý 2 cao hơn quý 1; 43,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 38,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.
Sang quý 3, có 26,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới so với quý 2; 46,2% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 27,1% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Giải quyết hàng tồn kho, tái cơ cấu, tìm kiếm thị trường mới
Đánh giá về tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, nếu trừ bình quân số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong một tháng cho bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường một tháng có thể thấy con số doanh nghiệp gia tăng vào thị trường mỗi tháng khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp.
“Đây có thể là con số không cao so với giai đoạn trước nhưng vẫn là con số tích cực”, bà Hương đánh giá và cho biết thêm, đặc biệt số doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng và đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm cũng khá cao với lượng dự án tăng tới hơn 70% và lượng vốn đăng ký tăng hơn 30%.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê |
“Dù khó khăn với các doanh nghiệp đang hiện hữu nhưng tương lai có thể thấy rằng các nhà đầu tư vẫn tin tưởng và tích cực trong việc đăng ký tham gia vào thị trường Việt Nam”, bà Hương nói.
Với hoạt động của doanh nghiệp hiện nay, bà Hương cho rằng, khó khăn thấy rõ ở khu vực công nghiệp khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm tới 15,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp gia công, chế biến trong bối cảnh thị trường châu Âu, Mỹ không khởi sắc như kỳ vọng và đơn hàng giảm sút.
Khó khăn về tiêu thụ, khiến chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2023 tăng 9,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1% (bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78%).
“Với tồn kho tăng, các doanh nghiệp hiện không tiếp tục hoặc giảm đáng kể việc nhập nguyên vật liệu để tập trung xuất hết những hàng tồn kho, sau đó mới chuyển sang giai đoạn mới”, bà Hương cho biết.
Trong bối cảnh doanh nghiệp tại chỗ không mở rộng đầu tư, tức là vốn đầu tư không tăng lên, bà Hương kỳ vọng các doanh nghiệp mới sẽ là một trong những điểm sáng để bức tranh doanh nghiệp có thể sắp xếp lại sao cho linh hoạt, chủ động và hiệu quả hơn.
Nhìn nhận về những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, Việt Nam là một nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Trong bối cảnh sức mua tại những thị trường lớn như EU, Mỹ sụt giảm do lạm phát, các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng vì thế mà giảm mạnh và tồn kho tăng.
Do đó, nhiều doanh nghiệp đang phải loay hoay tìm giải pháp để bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, không chỉ cho thị trường quốc tế mà cả thị trường trong nước.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh |
“Khi các thị trường truyền thống gặp khó, tôi cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu cần tái cơ cấu, đặc biệt là tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới. Đồng thời, cần vận dụng kinh tế số để tìm hiểu về nhu cầu của thị trường và liên kết với các đối tác mới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Còn với khu vực kinh tế hộ kinh doanh, doanh nghiệp rất nhỏ vừa rồi phải tạm ngừng sản xuất, ông Doanh đề nghị nên liên kết lại với nhau để tái đăng ký, khởi đầu lại bởi rất nhiều doanh nghiệp cũng phải bắt đầu lại nhiều lần.
Ngoài vấn đề đầu ra gặp khó, vị chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp hiện nay cũng khó khăn trong tiếp cận vốn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành trong những tháng gần đây nhưng với tình hình kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp thì mức lãi suất này vẫn còn cao.
Ngoài ra, theo ông hiện nay số doanh nghiệp trên 1.000 dân ở độ tuổi từ 18 tuổi trở lên của Việt Nam mới chỉ đạt 2,2 doanh nghiệp, trong khi con số này tại Mỹ là 84 doanh nghiệp. Do đó, để đạt được mức 24 doanh nghiệp trên 1.000 dân từ 18 tuổi trở lên như các nước phát triển thì Việt Nam phải khuyến khích người dân kinh doanh để tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số tăng lên và số doanh nghiệp thành lập mới đó phải cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
P.V