Sau khi chạm mức cao nhất trong 14 năm vào ngày 7/3/2022, giá dầu Brent từ đó đến nay đã hạ gần 40USD/thùng còn giá dầu WTI mất hơn 30USD/thùng.Ảnh: CNBC
Cả giá dầu Brent và giá dầu thô trên thị trường Mỹ đóng cửa dưới ngưỡng 100USD/thùng lần đầu tiên tính từ cuối tháng 2/2022. Sau khi chạm mức cao nhất trong 14 năm vào ngày 7/3/2022, giá dầu Brent từ đó đến nay đã hạ gần 40USD/thùng còn giá dầu WTI mất hơn 30USD/thùng.
Giao dịch trên thị trường dầu thế giới đã chứng kiến nhiều biến động kể từ khi Nga và Ukraine thực sự căng thẳng cách đây khoảng 2 tuần.
Trong phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai hạ 6,99USD/thùng tương đương 6,5% xuống 99,91USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao ngay mất 6,4% giá trị và đóng cửa tại mốc 96,44USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent rơi xuống ngưỡng khoảng 97,44USD/thùng và giá dầu WTI chạm mức 93,53USD/thùng – thấp nhất tính từ ngày 25/2/2022.
Nhìn từ góc độ kỹ thuật, cả hai loại dầu trên đã vào ngưỡng quá bán tính từ tháng 12/2021. Cả hai loại dầu đã bị quá mua trong thời gian đầu tháng 3/2022. Đã có thời điểm, giá dầu Brent vượt ngưỡng 139USD/thùng.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu lớn nhất thế giới. Rất nhiều bên mua đã ngừng mua dầu Nga từ khi căng thẳng giữa Nga – Ukraine leo thang, thực tế này tạo ra nỗi lo lắng về khả năng hàng triệu thùng dầu sẽ bị chặn không được cung cấp ra thị trường, những nỗi sợ về khả năng nguồn cung dầu gián đoạn ngày một lớn dần. Giờ đây, dường như thị trường đã nhận ra họ lo sợ thái quá.
Vào ngày thứ Ba, nhà đàm phán Ukraine cho biết các cuộc đối thoại với Nga về việc ngừng bắn và rút quân đội của Nga khỏi Ukraine đang tiếp diễn. Yếu tố này giúp đảm bảo cho việc giá dầu suy giảm tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tin biến động sẽ vẫn tiếp diễn.
“Dù rằng thông tin về các vòng đàm phán được chào đón, thật khó để kỳ vọng mỗi bên sẽ chuẩn bị nhượng bộ theo cách mà bên kia mong muốn. Trong tình hình hiện tại, cũng sẽ khó để đưa ra dự báo chính xác về giá dầu”, một nghiên cứu từ Kpler nhấn mạnh.
Cũng trong ngày thứ Ba, Nga công bố đã có những văn bản đảm bảo sẽ vẫn thực hiện đủ trách nhiệm của mình như một bên tham gia tích cực vào thỏa thuận hạt nhân Iran.
Các cuộc đối thoại nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran có thể giúp dẫn đến việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt với lĩnh vực năng lượng tại Iran và đồng thời cho phép Tehran khôi phục lại xuất khẩu dầu thô. Các cuộc đối thoại này cho đến nay đã bị đình trệ bởi đòi hỏi từ phía Nga.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khẳng định rằng nhu cầu dầu trong năm 2022 đương đầu với nhiều thách thức từ việc Nga tấn công Ukraine và lạm phát leo thang khi giá dầu tăng vọt, thực tế này làm tăng khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm.
Số lượng ca nhiễm COVID-19 hàng ngày tại Trung Quốc tăng mạnh, như vậy tiêu thụ có thể se giảm khi mà Trung Quốc ngày một cứng rắn hơn trong các biện pháp phong tỏa.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD khoảng 25 điểm cơ bản vào ngày thứ Tư, đây là lần nâng lãi suất đầu tiên trong 4 năm nhằm đương đầu với lạm phát leo thang. Yếu tố này có thể khiến cho đồng USD tăng giá và làm giảm nhu cầu dầu cũng như các loại hàng hóa được định giá bằng đồng USD.
Số liệu ban đầu tư Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 3,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 11/3/2022 còn dự trữ xăng giảm khoảng 3,8 triệu thùng.
Theo BizLive