(NST) – Về sở hữu trí tuệ gồm nhiều nội dung, từ quy định pháp luật, tạo lập trong đổi mới sáng tạo. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định liên quan về quản lý sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo nhưng “điểm danh” lại, rất ít trường có quy chế, quy trình, mẫu biểu, thủ tục, trình tự, bộ phận chuyên trách và đặc biệt là có lãnh đạo quan tâm việc này.
Bộ Giáo dục và đào tạo luôn xác định vai trò và tầm quan trọng của giáo dục khởi nghiệp và các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường còn lúng túng, hạn chể kể cả trong công tác truyền thông, trong việc đào tạo bồi dưỡng cho học sinh sinh viên và trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên.
Bà Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm” được diễn ra vào sáng ngày 8/7 tại Trường ĐH Công thương TP HCM và nhìn nhận một số tham luận tại tọa đàm, các diễn giả đã chỉ ra nhiều nội dung quan trọng cần triển khai trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các nhà trường, đặc biệt đề cập đến vai trò của sở hữu trí tuệ, vai trò của tài chính và các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.
Để hoạt động sở hữu trí tuệ được triển khai mạnh mẽ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị các trường đại học không tách rời các hoạt động mà cần có giải pháp tổng thể để thúc đẩy đồng thời, cùng lúc các hoạt động về nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ.
Bà Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp bên lề buổi tọa đàm |
Sở hữu trí tuệ cần được xây dựng thành các chuyên đề giảng dạy cho sinh viên để sau nay khi sinh viên giúp được các doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu thế về quyền sở hữu trí tuệ để góp phần tạo dựng giá trị thương hiệu, đẩy mạnh thực hiện hoạt động thương mại và tăng trưởng doanh thu.
Cùng với đó, các nhà trường cần triển khai các mô hình ươm tạo khởi nghiệp, các trường đại học đồng thời tích cực thúc đẩy mô hình hợp tác 3 nhà “Nhà trường – Nhà nước – Nhà doanh nghiệp”. Tăng tính kết nối, hợp tác với doanh nghiệp, khuyến khích giảng viên sinh viên sử dụng phương pháp đào tạo, nghiên cứu gắn với thực tế, gắn với thị trường. Thúc đẩy công tác nghiên cứu và thương mại hóa nghiên cứu của trường đại học trên cơ sở có nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp…
Các diễn giả cho rằng, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chỉ có thể thành công khi họ tạo được mối liên kết với các doanh nghiệp. chính vì vậy trường đại học cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, các tổ chức, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Từ đó, tạo cơ hội cho sinh viên khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học và ứng dụng các nghiên cứu ra thực tiễn nhằm khởi nghiệp thành công.
Thực hiện chủ trương của chính phủ, và đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành giáo dục, HUIT đã đổi mới cơ cấu tổ chức khi thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các hoạt động Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp phát triển hơn, góp phần tạo nhiều giá trị cho sự phát triển chung của Nhà trường và xã hội.
P.V