Theo tin từ Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tổng thu từ khách du lịch trong 9 tháng qua ước đạt 394.200 tỷ đồng, đạt 78% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Báo Tin tức cho hay, trong 9 tháng qua, trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam. Riêng quý 3/2022, Việt Nam đón 1,2 triệu lượt khách, cao hơn 2,5 lần so với quý 2. Điều này cho thấy xu hướng phục hồi sau khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 (5 triệu lượt); vẫn thấp hơn 85,4% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả này cho thấy vẫn còn những khó khăn trong thu hút khách quốc tế vào Việt Nam trong bối cảnh sau đại dịch.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, trong số các thị trường gửi khách hàng đầu, khách đến từ Hàn Quốc nhiều nhất với 489.400 lượt, tương đương 26%, tiếp theo là Mỹ, các thị trường ở châu Á (Campuchia, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan)… Đáng chú ý, thị trường Ấn Độ tăng vượt mức trước đại dịch với tổng số khách đến nay là 61.300 lượt. Riêng tháng 9 đạt 15.000 lượt, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là kết quả từ hàng loạt các hoạt động xúc tiến quảng bá, kết nối đường bay, doanh nghiệp lữ hành theo định hướng tăng cường thu hút khách từ các thị trường tiềm năng sau dịch bệnh.
Tổng cục Du lịch cũng cho biết, tốc độ phục hồi của các thị trường là rất khác nhau. Khách từ Singapore và Lào trong tháng 9/2022 chỉ còn giảm lần lượt 20% và 24% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng thị trường Trung Quốc và Nga gần như vẫn đóng băng; thị trường Nhật Bản, Đài Loan cũng chưa có dấu hiệu khả quan.
Trong khi đó, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không tới Việt Nam kể từ đầu tháng 3/2022 đã tăng hơn 3 lần từ mức 29 điểm lên mức 100 điểm vào giữa tháng 9/2022. Lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam đến nay đã tăng hơn 10 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 trước khi mở cửa trở lại du lịch, từ mức 9 điểm lên mức 100 điểm.
Xu hướng này cho thấy thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam đang vào giai đoạn phục hồi mạnh, chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm 2022. Đáng chú ý, lượng tìm kiếm từ Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, cho thấy nhu cầu cũng như tiềm năng lớn từ thị trường đông dân thứ 2 thế giới.
Tổng số khách du lịch nội địa sau 9 tháng của năm 2022 đã đạt khoảng 86,8 triệu lượt, cao hơn cả năm 2019 là 85 triệu lượt.
Liên quan đến hoạt động du lịch, theo Zing.vn, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận xét: “Thị trường nội địa phục hồi rất tốt và vẫn có thể tăng thêm vào dịp nghỉ lễ cuối năm. Về khách quốc tế, Việt Nam muốn đón nhiều khách hơn nhưng các lý do khách quan khiến con số chưa được như mong đợi”.
Theo nhiều người làm du lịch, đặc biệt là các đơn vị lữ hành chuyên mảng khách inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam), cần có sự nới lỏng chính sách thị thực. Dù vậy, cho tới nay, chính sách vẫn chưa có gì thay đổi. Không ít ý kiến nhận xét có vẻ ngành du lịch Việt Nam đang say trong “men chiến thắng” của du lịch nội địa và quên khách quốc tế
Về vấn đề này, ông Long nhấn mạnh không có chuyện ngành du lịch Việt Nam đang ngủ quên trên chiến thắng của khách nội địa. Thực tế, ngành du lịch Việt Nam luôn coi trọng nhóm khách này nhưng những nguyên nhân nói trên là trở ngại lớn.
Chính sách thị thực cũng là một trong những rào cản. Theo PGS Phạm Hồng Long, từ trước đến nay, năng lực cạnh tranh điểm đến thông qua độ mở cửa của Việt Nam chưa thực sự tốt. Tuy nhiên, ông không hoàn toàn đồng tình với quan điểm “miễn thị thực cho càng nhiều quốc gia càng tốt”. Việc miễn thị thực phải dựa trên cơ sở tính toán có chọn lọc.
Ông Long nhấn mạnh, Việt Nam không thể mở tràn lan mà cần chú trọng vào các thị trường tiềm năng. Ví dụ, Ấn Độ, Australia và một số quốc gia Trung Đông là những thị trường Việt Nam muốn hút khách nhưng vẫn chưa miễn thị thực.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có những đối thủ cạnh tranh hút khách du lịch là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia… Các quốc gia này cũng đang nới lỏng nhiều rào cản để đón thêm khách quốc tế. Nhiều ý kiến nhận định nếu không sớm thay đổi chính sách thị thực, du lịch Việt Nam sẽ hụt hơi trong cuộc đua này.
Quan điểm của PGS Long là hiện chưa thể khẳng định Việt Nam có thua thiệt không. Bởi tình hình “đói” khách quốc tế trong năm nay diễn ra ở nhiều nước, không chỉ riêng Việt Nam. Vào năm sau, khi tình hình du lịch quốc tế ổn định hơn, chúng ta mới có thể đánh giá vấn đề này.