(NSO) – Tại Việt Nam, đột quỵ là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế và cộng đồng. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc đột quỵ, trong đó từ 10 đến 30% người bệnh diễn biến xấu và tử vong.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là nhiều người sống sót sau đột quỵ phải đối mặt với các di chứng nghiêm trọng, không thể tự sinh sống độc lập, suy giảm nặng chất lượng cuộc sống.
Hưởng ứng Ngày Đột quỵ Thế giới 29.10.2024, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh (BV ĐHYD TP.HCM) phối hợp với chương trình Angels của Công ty Boehringer Ingelheim và Công ty Medtronic Việt Nam tổ chức chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về đột quỵ với chủ đề “Hiểu đúng để tránh tàn phế do đột quỵ” vào ngày 19.10 tại sảnh tầng trệt, khu A, BV ĐHYD TP.HCM. Đây là sự kiện cộng đồng quan trọng nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh đột quỵ, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới.
Đột quỵ là bệnh xảy ra do tổn thương một động mạch cấp máu cho não, khiến một phần não không có máu nuôi. Các tế bào não bị thiếu máu nuôi sẽ không có oxy và dưỡng chất nên sẽ ngưng hoạt động ngay lập tức và sau đó nhanh chóng chết đi nếu không được cấp máu trở lại kịp thời. TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, BV ĐHYD TP.HCM, chia sẻ: “Đột quỵ là một tình trạng y khoa khẩn cấp. Mỗi phút trôi qua khi người bệnh chưa được cấp cứu kịp thời, hàng triệu tế bào não có thể bị tổn thương không thể phục hồi. Chính vì thế, trong điều trị đột quỵ, thời gian đóng vai trò quyết định đến sự sống còn và khả năng phục hồi của người bệnh“.
Cấp cứu đột quỵ: tranh thủ từng giây
Đối với đột quỵ, mỗi giây đều quý. Chính vì vậy, chúng ta phải nhận biết đột quỵ ngay khi nó xảy ra và cấp cứu không chậm trễ. BSCKI Đào Duy Khoa (Khoa Thần kinh) giúp khán giả nhận diện đúng các triệu chứng đột quỵ và xử trí tối ưu nhất qua phần trình bày của mình cùng với một hoạt cảnh minh hoạ sống động. Dấu hiệu FAST, hay “Méo cười, ngọng nói, xuội tay – Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ” là các cách giúp mọi người dễ nhớ hơn các triệu chứng của đột quỵ.
Lý do tại sao có câu thời gian là não đã được TS-BS Nguyễn Bá Thắng giải thích rõ ràng. Mặc dù thời gian cấp cứu đột quỵ hiện tại có thể mở rộng tới 24 giờ tính từ lúc khởi phát triệu chứng, nhưng càng muộn thì hiệu quả sẽ càng giảm, nghĩa là cơ hội sống và hồi phục trở về cuộc sống bình thường của người bệnh càng giảm. Chính vì vậy, khi thấy một người bị đột quỵ, cần đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt ở một bệnh viện điều trị được đột quỵ, tốt nhất là thông qua hệ thống cấp cứu ngoại viện với số điện thoại 115. Người bệnh đột quỵ thiếu máu não khi tới bệnh viện sẽ được cấp cứu tổng lực làm sao để thông được mạch máu càng sớm càng tốt, có thể bằng thuốc tan cục máu tiêm vào tĩnh mạch, hoặc bằng can thiệp nội mạch lấy huyết khối, hoặc phối hợp cả hai. Các biện pháp này đã được chứng minh có thể cứu sống người bệnh đột quỵ rất ngoạn mục và giúp họ có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường.
Cấp cứu đột quỵ bằng can thiệp nội mạch lấy huyết khối
Bên cạnh thuốc tan cục máu hay thuốc tiêu sợi huyết, nhiều trường hợp đột quỵ do tắc động mạch lớn đã được tái thông mạch máu thành công bằng can thiệp nội mạch. BSCKI Trần Quốc Tuấn (Khoa Ngoại thần kinh, BV ĐHYD TP.HCM) đã trình bày chi tiết về kỹ thuật và hiệu quả của phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ. Đây là những kỹ thuật hiện đại giúp thông mạch máu bằng các dụng cụ rút hoặc hút cục máu đông đang gây tắc mạch ra, từ đó tái lập dòng máu nuôi não, giảm thiểu tổn thương não bộ. Theo BSCKI Trần Quốc Tuấn, can thiệp tái thông mạch máu càng sớm thì kết quả điều trị càng tốt.
Phòng ngừa đột quỵ: cuộc chiến trường kỳ
Bên cạnh việc cấp cứu và điều trị kịp thời, phòng ngừa đột quỵ là một yếu tố không thể bỏ qua. BSCKII Phạm Thị Ngọc Quyên (Khoa Thần kinh) đã chia sẻ về những biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ mắc đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, béo phì, và hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính làm chúng ta dễ bị đột quỵ. May mắn là, chúng ta có thể kiểm soát các yếu tố này thông qua chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể dục thường xuyên và tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh liên quan, từ đó có thể phòng ngừa đột quỵ một cách hiệu quả. Nếu đã từng bị đột quỵ, ngoài việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ này, cần phải tìm và điều trị chính xác nguyên nhân gây bệnh của từng người, sử dụng các thuốc dự phòng lâu dài để ngăn ngừa tái phát.
BSCKII Phạm Thị Ngọc Quyên nhấn mạnh:”Nhiều người nghĩ rằng đột quỵ là một căn bệnh không thể tránh được, nhưng thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Nếu đã từng trải qua đột quỵ, việc tiếp tục tuân thủ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh là điều rất quan trọng để ngăn ngừa tái phát“.
Những bước tiến vượt bậc trong cấp cứu đột quỵ tại BV ĐHYD TP.HCM
Với những tiến bộ vượt bậc trong việc cấp cứu và điều trị đột quỵ, Đơn vị Đột quỵ của BV ĐHYD TP.HCM là một trong những trung tâm hàng đầu về điều trị đột quỵ tại Việt Nam, đạt được chứng nhận Kim cương, mức chứng nhận cao nhất về chất lượng điều trị đột quỵ từ Tổ chức Đột quỵ Thế giới. Đây là sự công nhận cho những nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ trong việc rút ngắn thời gian cấp cứu và đảm bảo chất lượng điều trị cao nhất cho người bệnh. Tại đây, thời gian trung bình từ lúc người bệnh nhập viện đến khi được tiêm thuốc tiêu huyết khối chỉ còn 25-28 phút, vượt xa tiêu chuẩn quốc tế là 60 phút.
TS-BS Nguyễn Bá Thắng chia sẻ: “Để đạt được tiêu chuẩn Kim cương, chúng tôi không chỉ tập trung vào thời gian cấp cứu mà còn xây dựng quy trình điều trị toàn diện từ cấp cứu, chẩn đoán, can thiệp cho đến phục hồi chức năng cho người bệnh. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa như Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Thần kinh, Can thiệp mạch, Hồi sức, và Phục hồi chức năng“.
Theo BV ĐHYD TP.HCM