PGS TS BS. Võ Duy Long – Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá thăm khám người bệnh
(NSO) – Một người bệnh nữ 18 tuổi, ngụ tại Đồng Nai, mắc ung thư dạ dày di căn giai đoạn tiến xa vừa được điều trị phẫu thuật thành công tại khoa Ngoại Tiêu hoá, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (BV ĐHYD), sau hành trình điều trị đa mô thức phối hợp hóa trị, liệu pháp miễn dịch và phẫu thuật. Kết quả này không chỉ mang lại hy vọng sống còn cho người bệnh mà còn khẳng định năng lực chuyên môn, sự phối hợp liên chuyên khoa và vai trò tiên phong của Bệnh viện trong ứng dụng các phương pháp điều trị hiện đại tại Việt Nam đối với bệnh ung thư dạ dày.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau bụng kéo dài, ăn uống kém, buồn nôn, nôn sau ăn và sụt 9kg chỉ trong 2-3 tháng. Trước đó, người bệnh từng được nội soi tại một cơ sở y tế khác và được chẩn đoán viêm dạ dày. Tại BV ĐHYD, qua nội soi và sinh thiết, bác sĩ phát hiện tình trạng ung thư dạ dày thể lan tỏa (linitis plastica), khối u xâm lấn tụy, mạc treo đại tràng ngang và di căn phúc mạc ổ bụng. Đây là ca bệnh đặc biệt vì ung thư dạ dày thường xuất hiện ở người trên 60 tuổi. Phát hiện ở tuổi 18 là lời cảnh báo rõ rệt về xu hướng trẻ hóa của bệnh lý này, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về tầm soát sớm và phát hiện kịp thời trong cộng đồng.
Ngay từ khi tiếp nhận, ê-kíp điều trị gồm: BS CKII. Nguyễn Viết Hải, ThS BS. Đặng Quang Thông và các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hoá, cùng các chuyên gia khoa Hoá trị ung thư, khoa Giải phẫu bệnh, khoa Chẩn đoán hình ảnh đã hội chẩn và xây dựng phác đồ điều trị đa mô thức, cá thể hóa theo đặc điểm sinh học phân tử của khối u. Người bệnh được thực hiện xét nghiệm đột biến thụ thể của tế bào khối u, phát hiện có biểu hiện thụ thể PD-L1, từ đó giúp các bác sĩ chỉ định thuốc điều trị thuốc tốt nhất hiện nay bằng cách phối hợp liệu pháp miễn dịch với hoá trị toàn thân ngay từ đầu. Sau 6 đợt điều trị kéo dài hơn 4 tháng, người bệnh đáp ứng rất tốt với phác đồ trên: các ổ di căn giảm 90% kích thước, khối u chính thu nhỏ rõ rệt. Người bệnh tăng 10kg, cải thiện thể trạng và sinh hoạt gần như bình thường.
Khi đủ điều kiện, ê-kíp điều trị thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày, nạo hạch D2, sinh thiết các vị trí từng có di căn. Ca mổ diễn ra an toàn, thuận lợi. Người bệnh hồi phục nhanh, ăn uống, đi lại bình thường và xuất viện sau mổ 7 ngày. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ ghi nhận đáp ứng gần hoàn toàn: chỉ còn khoảng 10% tế bào ác tính tại khối u chính, các ổ di căn trong ổ bụng trước điều trị không còn tế bào ung thư. Các khảo sát về đột biến gen và DNA ung thư lưu hành trong máu cũng đã được thực hiện để cung cấp những thông tin cá thể hóa nhằm tiên lượng và theo dõi điều trị. Người bệnh sẽ tiếp tục được theo dõi sát bằng những phương tiện tiên tiến và cân nhắc điều trị bổ sung (liệu pháp miễn dịch duy trì) để giảm nguy cơ tái phát.
PGS TS BS. Võ Duy Long – Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá chia sẻ: “Ca bệnh này minh chứng cho hiệu quả của điều trị đa mô thức và y học cá thể hóa trong ung thư dạ dày tiến xa. Mấu chốt của thành công chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, chẩn đoán chính xác đến mức độ tế bào và phân tử, xây dựng phác đồ phù hợp với từng người bệnh. Kết quả này cũng là thông điệp gửi đến cộng đồng: phát hiện sớm, tầm soát định kỳ, điều trị đúng cách là chìa khóa giúp tăng cơ hội khỏi bệnh, ngay cả với ung thư giai đoạn tiến xa.”
Từ năm 2018, BV ĐHYD đã triển khai điều trị đa mô thức cho hơn 100 người bệnh ung thư dạ dày tiến xa, kết hợp hóa trị, liệu pháp miễn dịch, thuốc nhắm trúng đích và phẫu thuật. Tỷ lệ đáp ứng đạt hơn 50%, một con số được đánh giá là ngoạn mục so với thời kỳ trước đây khi ung thư dạ dày di căn gần như không thể điều trị khỏi. Số liệu nghiên cứu của mô thức điều trị này đã được công bố trên tạp chí phẫu thuật ung thư Châu Âu đầu năm 2025. Ca bệnh của cô gái 18 tuổi không chỉ bổ sung thêm bằng chứng khoa học mà còn khẳng định chuyên môn của Bệnh viện trong ứng dụng các phương pháp tiên tiến, tiếp cận chuẩn mực điều trị quốc tế.
Theo Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh