(NSO) – Nghệ An – Hàng trăm người ở huyện Quỳnh Lưu gửi tiền cho một số gia đình giàu có để nhận lãi cao, nhưng đang điêu đứng bởi các đầu mối giữ tiền vỡ nợ.
Bốn ngày qua, hàng trăm người dân tập trung trước nhà bà Bùi Thị Nhưng 56 tuổi, Trần Thị Hoan 57 tuổi, Trần Thị Vin 47 tuổi, cùng trú xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu để yêu cầu trả lại tiền. Tuy nhiên, gia chủ đóng kín cửa, không ra tiếp. Nhiều người bức xúc đã bật loa, phát nhạc hò hét để gây sức ép.
Ông Bùi Hạm, 61 tuổi, trú xã Quỳnh Long, cho biết trước đây làm ăn miền Nam, tích góp được số vốn lớn. Năm 2023, khi chuyển về quê sinh sống, thấy nhiều người gửi tiền cho người làng là bà Hoan, Nhưng và Vin được hưởng lãi suất cao nên tìm hiểu. Ông liên hệ bà Hoan, gửi thử 500 triệu đồng. Giao dịch xong, hai người ký vào một tờ giấy ghi tên tuổi, ngày gửi tiền, lãi suất 1,5% một tháng, gấp gần 4 lần so với gửi ngân hàng kỳ hạn 3 tháng.
Thấy tiền lãi luôn được bà Hoan trả đều đặn hàng tháng đúng như cam kết, ông Hạm sau đó huy động tiền gửi thêm cho cả bà Nhưng và Vin. Tổng cộng ông Hạm đã đưa cho ba phụ nữ hơn 9 tỷ đồng, hàng tháng nhận khoảng 135 triệu đồng tiền lãi. Riêng tháng 10 này chưa được trả do các đầu mối tuyên bố vỡ nợ.
Với số tiền 500 triệu đồng/tháng, khi gửi cho bà Hoan, Nhưng và Vin, mỗi tháng ông Hạm nhận được tiền lãi 7,5 triệu đồng/tháng. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng hiện tại phổ biến từ 3 – 4,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng là từ 5-7%/năm. Cùng số tiền này nếu ông Hạm gửi tiết kiệm ở ngân hàng, nếu gửi kỳ hạn 3 tháng thì mỗi tháng nhiều nhất lãi được gần 1,9 triệu đồng/tháng. Còn nếu gửi kỳ hạn 1 năm thì mỗi tháng nhiều nhất lãi được gần 3 triệu đồng/tháng.
Ông Hạm, người đã gửi hơn 9 tỷ đồng cho 3 đầu mối, đứng trước nguy cơ mất tài sản. Ảnh: Hùng Lê
Theo ông Hạm, ban đầu tìm hiểu thấy ba phụ nữ trên giàu có, gia đình thành đạt, thường đi làm từ thiện, được vinh danh nên tin tưởng họ “không làm điều xấu hoặc lừa dân”. “Thực ra thì lãi suất cũng cao hơn so với gửi ở ngân hàng, việc giao dịch không phức tạp nên hấp dẫn tôi và nhiều người”, ông Hạm nói.
Một tuần qua, ông Hạm như ngồi trên đống lửa khi bà Nhưng, Hoan và Vin tuyên bố vỡ nợ. Đến gặp, ông được phản hồi “không còn khả năng chi trả”. 9 tỷ đồng đang gửi lấy lãi, trong đó có khoản vay mượn của con cái, họ hàng.
“Vốn liếng đều đổ vào ba đầu mối, giờ không biết xoay trở ra sao. Có ôtô trị giá 600 triệu đồng, hôm trước tôi bán rẻ 480 triệu đồng để trả nợ”, ông Hạm cho hay.
Cũng tin vào hứa hẹn lãi suất cao, bà Nguyễn Thị Mơi, 70 tuổi, trú xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, cho biết đã gửi 90 triệu đồng cho bà Nhưng, Hoan và Vin từ giữa năm nay. Đây là khoản tích góp sau nhiều năm làm nghề sản xuất muối. Gần đây con gái bà Mơi cũng gom được hơn một tỷ đồng để xây nhà. Trong lúc chưa khởi công, con gái bà đã gửi cho ba đầu mối để kiếm thêm ít lãi nhằm bù vào chi phí.
“Mấy hôm nay tôi đều quanh quẩn trước nhà của ba đầu mối đang gửi tiền để yêu cầu trả lại, nhưng chẳng thấy họ đâu, gọi điện thì thuê bao”, bà Mơi nói.
Hàng trăm người dân tập trung trước nhà bà Hoan để đòi nợ vào tối 18/10, song gia chủ vắng mặt. Ảnh: Hùng Lê
Là một trong những đầu mối nhận tiền, bà Trần Thị Vin cho biết trước đây làm công việc liên quan ngân hàng, thường xuyên cần số tiền lớn để giao dịch. Vì thế bà nhận tiền gửi của người dân rồi trả lãi cho họ với lãi suất 1,5-2% một tháng.
Theo bà Vin, vài tháng trước có hai người quen liên hệ, bảo có tiền cứ gửi họ thu hết, hưởng lãi suất 3% một tháng. Vì là họ hàng với nhau, nên bà Vin tin tưởng, gửi 27 tỷ đồng để hưởng chênh lệch. Đây là số tiền nhận của người dân trong xã.
“Gần đây một đối tác đã qua đời, người còn lại mất khả năng thanh khoản, nên tôi chưa thể đòi lại tiền. Bây giờ bán hết gia sản cũng chưa đủ trả”, bà Vin nói.
Lãnh đạo xã Quỳnh Long cho biết bước đầu xác minh có hàng trăm hộ dân gửi hàng trăm tỷ đồng cho một số phụ nữ trên địa bàn để hưởng lãi suất cao. Những người đứng ra huy động tiền từ trước tới nay đều có vỏ bọc gia đình giàu có, thành đạt. Mấy hôm nay xã rất vất vả để đảm bảo an ninh trật tự do có hàng trăm người kéo đến tập trung trước nhà các đầu mối đòi tiền.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, cho hay đã chỉ đạo công an xác minh đơn tố cáo của nhiều người dân, phân loại xử lý theo thẩm quyền. “Vụ việc rất phức tạp. Đây là một cách cho vay để lấy lãi cao. Xét rộng ra thì nhiều người cũng vì hám lợi nên bây giờ rơi vào thế khó”, ông Dinh nói.
Nhà chức trách huyện xác định việc các cá nhân ở xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận nhận tiền của người dân, sau đó ký giấy thỏa thuận trả lãi suất là sai quy định. Khoản 2, điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.
Nguồn: https://vnexpress.net/dieu-dung-vi-gui-tien-cho-nguoi-lang-lay-lai-suat-cao-4806702.html