Cho đến 20/6/2023, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng phương tiện thanh toán mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022.
Cập nhật gần hơn, theo TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, đến ngày 30/6/2023 cung tiền cũng mới chỉ tăng được 2,7%.
Không phải đến nay, từ cuối 2022 và đặc biệt sang quý 1 và quý 2/2023, đã có những góc nhìn về “thực trạng” tăng trưởng cung tiền, như một dẫn kết cho suy giảm tăng trưởng GDP, lãi suất tăng cao từ nửa cuối năm trước đến đầu năm nay… Tựu trung, tăng trưởng cung tiền quá thấp như mắc lỗi đối với nền kinh tế, với lãi suất.
Về dữ liệu thống kê, đúng là sau rất nhiều năm tăng trưởng cung tiền mới thực sự rơi sâu như vừa qua và hiện nay. Nếu so với mốc trước khi đại dịch Covid-19 xẩy ra, cùng kỳ năm 2019 còn tăng trưởng tới 7%.
Nhưng có những yếu tố trên thị trường, trong nền kinh tế, và cả trong điều hành đã dần thay đổi. Điều này khiến việc chỉ nhìn vào cung tiền tăng trưởng thấp và “đổ lỗi” có thể trở nên lạc hậu, hoặc quá cứng nhắc.
Tại một hội thảo chuyên đề phạm vi hẹp của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) gần đây, một chuyên gia khách mời được đặt câu hỏi về yếu tố cung tiền với tăng trưởng thấp nói trên.
Vị khách mời trên cười và trả lời rất ngắn, đại ý nếu cứ nhìn vào cung tiền như truyền thống với sự phát triển của thị trường hiện nay thì không còn phù hợp nữa.
Chuyên gia không lý giải cặn kẽ câu trả lời của mình, nhưng yếu tố phát triển của thị trường là một gợi mở.
Thị trường và nền kinh tế hiện nay đã rất khác, dù thay đổi không ấn định tại một thời điểm. Trước hết, rõ nhất ở số hóa và giao dịch trên các nền tảng số. Sự phát triển mạnh mẽ ở đây thúc đẩy đời sống của đồng tiền sinh động hơn nhiều.
Nhìn đơn giản, 10 đồng tiền lương vừa về tài khoản, ngay lập tức có thể phân tán rất nhanh ra nhiều kênh thanh toán hóa đơn, tiêu dùng. Sự phân tán này càng bội thêm ở các điểm đến. Theo thuật ngữ chuyên ngành thì có liên quan đến vòng quay tiền.
Một nền kinh tế và thị trường vận động tốt, hiệu quả và thậm chí tăng trưởng cao (kể cả nóng) có tốc độ phân tán khoản tiền lương trên nhiều lần, nhiều vòng, nhiều điểm đến và tương tác lớn. Và qua đó kích thích thêm các hoạt động thương mại, sản xuất…
Tại một cuộc tọa đàm mới đây, TS. Cấn Văn Lực một lần nữa nhấn mạnh đến vòng quay tiền. Một lần nữa, bởi nếu để ý những năm gần đây chuyên gia này đặt chú ý đến vòng quay này.
“Vòng quay tiền hiện nay của chúng ta 6 tháng đầu năm chỉ 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ tốt của chúng ta là trên 1, rõ ràng vòng quay tiền chậm, chúng ta cũng không lo câu chuyện lạm phát”, TS. Cấn Văn Lực nói tại tọa đàm trên.
Và trên một số dòng chảy phân tích, vòng quay tiền trở nên được chú ý hơn ở Việt Nam những năm gần đây, bên cạnh yếu tố cung tiền. Thậm chí có góc nhìn còn ghé sang thực tiễn khoảng 1 triệu tỷ đồng ngân sách phải để ở hệ thống ngân hàng, theo các thông tin cập nhật vừa qua, một phần khi giải ngân đầu tư công vẫn chậm…
Liên quan đến cung tiền, một điểm nữa cũng được nhìn nhận là số nhân tiền tệ. Một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước từng lưu ý với người viết rằng, số nhân tiền tệ rất đáng chú ý trong điều hành.
Nó được lý giải ở cấp độ tạo tiền trong nền kinh tế. Từ 100 đồng, số nhân tiền tệ có thể mở rộng tới 500 đồng dạng tiền gửi và tới 400 đồng ở dạng các khoản vay. Ví như 100 đồng đó gửi vào ngân hàng, sau khi trừ giả định 10% dự trữ, 90 đồng còn lại ngân hàng có thể cho vay, 90 đồng nối tiếp đó có thể chảy vào ngân hàng dạng tiền gửi, ngân hàng nối tiếp đó lại cho vay 81 đồng… Các vòng quay này tạo số nhân tiền tệ mở rộng.
Song, tăng trưởng tín dụng năm nay rất thấp, 6 tháng đầu năm chỉ 4,73%, chỉ bằng khoảng phân nửa tốc độ năm trước. Số nhân tiền tệ theo đó cũng giảm thiểu sức mở rộng.
Thử nhìn sang một yếu tố khác, số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt qua kênh Internet tiếp tục mạnh 75,54% về số lượng so với cùng kỳ 2022, nhưng về giá trị chỉ tăng 1,77% – mức tăng thấp ít thấy ở các kỳ cập nhật trước đây.
Như vậy, ở dữ liệu trên, với kênh Internet chủ lực thanh toán của các doanh nghiệp, cho thấy đã thiếu sức ảnh hưởng của những khoản “tiền to”, những giao dịch giá trị lớn, khi lượng tăng rất mạnh mà chất tăng rất thấp.
Nhìn sang tín dụng, tốc độ tăng trưởng rất thấp cũng đã được nhiều chuyên gia lý giải.
Nhiều đầu tàu thâm dụng vốn vay đã suy giảm điều kiện vay vốn và đối diện áp lực “tìm nguồn trả nợ mỗi sáng thức giấc”, tín dụng hẫng đi lực đẩy của nhóm này, mà một thành viên sức vay thông thường bằng cả nghìn doanh nghiệp SME, hộ gia đình…
Lãi suất từ nửa sau 2022 đến đầu 2023 tăng cao, chi phí vay vốn trở thành một trở ngại lớn cùng cản đà tăng trưởng tín dụng.
Sau cơ cấu nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nối tiếp cơ cấu theo Thông tư 02 đầu năm nay…, dù nhiều khoản nợ không ghi nhận cụ thể là nợ xấu như thông thường, về lý thuyết vẫn được vay mới nhưng năng lực đáp ứng các điều kiện vay đã suy giảm.
Tổng hòa những yếu tố trên, các ngân hàng ứ vốn. Vậy nên một lần nữa “thời tiền rẻ” lại được nhắc tới, khi lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng rơi hẳn về 0,2%/năm, các kỳ hạn ngắn chỉ quanh 0,5%/năm, y như thời tiền rẻ Covid-19.
Cùng đó, đã một khoảng thời gian đáng kể, cân đối thanh khoản hệ thống qua “đầu cân” Ngân hàng Nhà nước trở về bằng 0; không có phát sinh và không có số dư nguồn cho vay hỗ trợ lẫn nguồn phải hút bớt hoặc gửi về trên thị trường mở (OMO).
Ngân hàng Nhà nước cũng có nhã ý tác động, ở đây liên quan đến kích cung tiền, đều đặn mỗi ngày chào tới 10.000 tỷ đồng hồi đầu quý 2, nhưng chẳng ai vay; gần đây vẫn đều đặn chào nhưng chỉ 3.000 đồng mỗi ngày, cũng chẳng ai vay.
Nhưng, khác biệt và các yếu tố tác động mới đã và đang dần thể hiện. Qua đó cung tiền và cả tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng được thúc đẩy.
Chính phủ đã rất quyết liệt trong định hướng giảm lãi suất từ đầu năm đến nay, và chưa dừng lại. Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao hẳn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm thay vì rà phanh “rát” cho đến cuối năm như trước. “Thận trọng và Linh hoạt” trước đây hiện được chú ý ở thông điệp “Linh hoạt hơn, Nới lỏng hơn, Mở rộng hơn” trong chính sách tiền tệ.
Cùng với kỳ vọng giải ngân đầu tư công mạnh hơn, hướng nới lỏng trên và thực tiễn lãi suất đã giảm mạnh và khá sâu sẽ kích thích vòng quay tiền, số nhân tiền tệ và cung tiền, tín dụng tăng trưởng.
P.V