(NSO) – Cùng với sự phát triển bùng nổ của nền công nghệ số, phương thức giải quyết tranh chấp cũng đang có những sự thay đổi quan trọng. Việc nắm bắt và hiểu rõ về những vấn đề trong thực tiễn giải quyết tranh chấp có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình hội nhập của Việt Nam. Vào sáng ngày 12/4/2023, khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức buổi Hội thảo trực tiếp kết hợp thông qua phần mềm trực tuyến Zoom với chủ đề “Các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trong sự phát triển của công nghệ số”.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM hi vọng với tinh thần trao đổi tích cực và sẵn sàng đóng góp, buổi Hội thảo sẽ nhận được những đóng góp, kiến nghị thiết thực cho công cuộc xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ về vấn đề phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trong bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghệ số.
Thông qua tham luận “Luật trọng tài Việt Nam đối với sự phát triển của công nghệ số”, TS. Nguyễn Thị Hoa – Giảng viên khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM đã chỉ ra những hạn chế trong cơ chế chung giải quyết các tranh chấp trực tuyến bao gồm cả trọng tài. Trên cơ sở đó, tham luận của tác giả trực tiếp xoáy sâu vào thực tiễn thông lệ quốc tế trong lĩnh vực trọng tài trực tuyến để từ đó nhìn nhận rõ hơn các vấn đề vướng mắc tại Việt Nam trong lĩnh vực liên quan.
Với tham luận “Đánh giá độ tin cậy trong tố tụng trọng tài trực tuyến: sự giao tiếp giữa phát hiện nói dối và công pháp bằng Zoom”, Tiến sĩ João llhão Moreira thuộc khoa Luật, Đại học Ma Cao (Trung Quốc) đặt câu hỏi về tác động của thủ tục tố tụng đối với việc xác định các sự kiện cơ bản trong một tranh chấp được bàn bạc chuyên sâu tại Hội thảo. Tác giả cho rằng việc xác định tính trung thực, độ tin cậy của phương pháp giải quyết tranh chấp trong tố tụng trọng tài thông qua các tín hiệu bằng lời nói vẫn còn hạn chế. Thay vào đó, cần tập trung vào nội dung của các báo cáo, sử dụng các công nghệ chất lượng cao sẽ là chiến lược phù hợp để đảm bảo đầy đủ độ tin cậy khi giao kết với nhân chứng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã thảo luận, đánh giá nhiều đề tài, trong đó nổi bật với các các chủ đề như: tương lai của giải quyết tranh chấp thay thế từ việc sử dụng phương thức trực tuyến bằng Robots, bằng chứng điện tử trong tố tụng trọng tài… nhằm đưa ra những kiến nghị vô cùng thiết thực, bám sát thực tiễn.
Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia cũng đã phân tích, đánh giá các vấn đề khác nhau về vai trò và cơ chế bảo vệ quyền lợi của các bên trong tố tụng trọng tài trên nền tảng các phương thức giải quyết tranh chấp kỹ thuật số mới. Qua đó, Hội thảo khoa học đã đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật phù hợp với bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghệ số hiện nay.
P.V