(NST) – Ngày 27/6, ông Park Ki-Yong – Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) đã có chia sẻ về bí quyết thành công của điện ảnh Hàn Quốc với các nhà làm phim Việt Nam trong buổi tọa đàm với chủ đề “Kinh nghiệm phát triển điện ảnh của Hàn Quốc và một số gợi mở cho phim Việt”.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Đây là sự kiện khai mạc khóa đào tạo của Học viện điện ảnh Hàn Quốc (KAFA – Korean Academy of Film Arts) dành cho 5 đạo diễn xuất sắc nhất của Dự án phim ngắn CJ 2023. Sự kiện có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM…
Kể từ 1985 đến nay, điện ảnh Hàn Quốc đã có nhiều thay đổi và gặt hái được nhiều thành công nhất định. Những bộ phim như: Câu chuyện kết hôn, Giáng sinh tháng Tám, Tàu đến Busan, Ký sinh trùng… đều nhận được sự quan tâm của công chúng và có doanh thu lớn. Phim Ký sinh trùng nhận giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2022 và 4 giải thưởng tại lễ trao giải Oscar 2020.
Chia sẻ bí quyết để có nền điện ảnh thành công, Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc Park Ki-Yong cho biết, thành công của phim Hàn chính là nhờ những kinh nghiệm đã được tích lũy trong nhiều năm của đội ngũ sáng tạo. Ngoài ra, điện ảnh Hàn hướng tới thị trường quốc tế với đối tượng xem phim đa dạng, nhiều độ tuổi khác nhau. Ông Park Ki-Yong xác định văn hóa “pha trộn” của Hàn Quốc đóng vai trò không nhỏ. Văn hóa “pha trộn” hiểu đơn giản là trộn mọi thứ lại với nhau, ví dụ như món cơm trộn hay canh thập cẩm của Hàn Quốc.
Tương tự, văn hóa này cũng có thể ứng dụng vào điện ảnh bằng cách kết hợp nhiều thể loại. Tiêu biểu, phim Ký sinh trùng là sự kết hợp giữa thể loại kinh dị và hài hước trong điện ảnh. Năm 2022, nhiều phim Hàn đã đi theo văn hóa “pha trộn”, nhất là hai thể loại hành động và hài hước. Điều này đã tạo nên đặc điểm riêng cho nền điện ảnh Hàn Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc xác định 3 yếu tố giúp điện ảnh Hàn thành công: Văn hóa dân tộc, giá trị trong nước, chính sách đối ngoại. Đây là ba luồng sức mạnh thúc đẩy phim màn ảnh rộng ở Hàn Quốc phát triển. Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ chú trọng phát triển các dạng phim nghệ thuật độc lập, phim cỡ vừa và nhỏ, hoạt hình, đồng thời nghiên cứu về mặt chính sách, văn hoá và kỹ thuật điện ảnh.
Bên cạnh đó, việc tham gia các liên hoan phim quốc tế, hợp tác sản xuất, chiếu phim và phân phối ở nước ngoài, giao lưu quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực mới cũng sẽ được quan tâm đầu tư. Hàn Quốc cũng thường xuyên cử người đến Hollywood học tập với tham vọng chinh phục ngược lại thị trường Mỹ. Điện ảnh Hàn Quốc đang dồn sức vào các bộ phim quốc tế và phát triển nhân tài để đáp ứng xu thế toàn cầu hóa.
Đóng vai trò trung tâm trong chiến lược đào tạo nhân lực của ngành điện ảnh chính là Học viện Điện ảnh Hàn Quốc (KAFA). Được thành lập bởi KOFIC vào năm 1984, KAFA là nơi đào tạo nên những tên tuổi hàng đầu của điện ảnh Hàn như Bong Joon-ho (đạo diễn của Parasite), Im Sang Soo (The Housemaid), Kim Tae Yong (Late Autumn), Min Kyu Dong (Memento Mori)…
Gợi ý cho điện ảnh Việt Nam
Sau khi chia sẻ bí quyết thành công của điện ảnh Hàn, ông Park Ki-Yong gợi ý hướng phát triển cho điện ảnh Việt Nam. Ông đánh giá Việt Nam là một quốc gia tiềm năng trong lĩnh vực điện ảnh vì có lịch sử tương tự Hàn Quốc với nhiều câu chuyện phong phú.
Để thành công, Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng để sản xuất phim, tăng cường hợp tác châu Á, xây dựng chương trình hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực sản xuất điện ảnh. Theo ông, điện ảnh Việt đang bước vào giai đoạn phục hưng và phát triển nhanh chóng từ ý tưởng đến sự đón nhận của khán giả.
Bày tỏ sự cảm kích tới các chuyên gia Hàn Quốc đã dành thời gian đến Việt Nam tổ chức khóa đào tạo và chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích về điện ảnh, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL Việt Nam) khẳng định: “Đây chính là cơ hội quý báu và thiết thực, tạo đà cho sự phát triển của nền điện ảnh nói riêng, và nền công nghiệp văn hóa Việt Nam nói chung”.
Trong dịp này, các chuyên gia từ KAFA cũng trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ top 5 của Dự án phim ngắn CJ 2023 thông qua khóa đào tạo chuyên sâu về đạo diễn, quay phim và tổ chức sản xuất diễn ra từ ngày 27-30/6.
Năm nay, các đạo diễn thuộc Top 5 của Dự án phim ngắn CJ bao gồm: Huỳnh Công Nhớ (Thằng bé bán kem), Anh La (Vùng trũng), Vũ Hoàng Hiệp và Tuấn Lê (Anh em kiếp này), Lý Minh Bá (Tàn ngày rực rỡ), và Đoàn Sĩ Nguyên (Rừng dịu dàng). Vượt qua vòng tuyển sinh và vòng thuyết trình, các bạn sẽ nhận kinh phí tài trợ làm phim 1,5 tỷ đồng (300 triệu đồng/dự án) để sản xuất phim ngắn được chọn.
Bà Min Hee-Kyung, Phó Chủ tịch và Giám đốc toàn cầu các Chương trình cống hiến xã hội của CJ CheilJedang chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng qua khóa đào tạo này, các tài năng được phát hiện và nuôi dưỡng từ cuộc thi sẽ được bổ sung những kỹ năng, kiến thức chuyên môn quan trọng để phát triển toàn diện, trở thành tương lai của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam”.
Được khởi xướng từ năm 2018 bởi CJ Cultural Foundation và CGV Việt Nam, Dự án phim ngắn CJ là sân chơi điện ảnh uy tín và là bệ phóng của nhiều tài năng trẻ của điện ảnh Việt. Qua 3 mùa tổ chức, đến nay, các phim ngắn hoàn thành trong khuôn khổ cuộc thi đã được lựa chọn trình chiếu và đoạt giải tại hơn 50 Liên hoan phim (LHP) hàng đầu thế giới như: LHP Berlin, LHP Cannes, LHP Venice, LHP Busan… Thành quả gần đây nhất của cuộc thi chính là giải Camera d’Or tại LHP Cannes 2023 đã được trao cho đạo diễn Phạm Thiên Ân với phim dài đầu tay Bên trong vỏ kén vàng, tác phẩm được phát triển từ phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng thuộc Dự án phim ngắn CJ mùa đầu tiên.
P.V