Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo quyết định, từ ngày 3/2/2023, mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) sẽ theo khung giá mới với mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Khi có biến độ lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.
Mới đây, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi EVN yêu cầu khẩn trương hoàn thành xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị EVN tập trung nguồn lực, hoàn thành quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ tập đoàn và các đơn vị thành viên. Mặt khác, phải làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín kiểm toán báo cáo theo đúng quy định.
Trên cơ sở quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính năm 2022 của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, bước tiếp theo Bộ Công Thương sẽ công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Đây cũng là căn cứ để Bộ Công Thương hoàn thành tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, EVN đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh tập đoàn này ước lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng trong năm 2022 do giá nguyên liệu tăng cao. Trong khi đó, 4 năm qua, giá điện chưa được điều chỉnh, vẫn duy trì ở mức 1.864,44 đồng/kWh.
Theo ước tính của EVN, năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng; trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng.
Với số lỗ dự kiến như trên, EVN cho rằng, nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động.
Hiện nay, khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá điện đều do Nhà nước quy định. Theo đó, giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực quyết định trên cơ sở khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân mà Nhà nước đã quy định.
Trong giai đoạn 2009-2019, giá điện đã có nhiều lần điều chỉnh do chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên trong 2 năm 2020 và 2021, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã thực hiện 5 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện cho nhiều đối tượng khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo báo cáo của EVN, tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt là 16.950 tỷ đồng. Lần điều chỉnh giá điện bán lẻ gần nhất là năm 2019 với giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh. Theo EVN với mức bán lẻ điện bình quân này, giá điện tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN. Cụ thể, thấp hơn 50% so với Philippines – quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kWh) và cũng thấp hơn Indonesia (2.310 đồng/kWh), Thái Lan (3.273 đồng/kWh)… Ngược lại, giá điện bình quân của Việt Nam cao hơn Lào – quốc gia có giá điện thấp nhất khu vực, tuy nhiên quốc gia này có tới 70% điện năng sản xuất từ thủy điện (giá rẻ) và khoảng 25% từ nhiệt điện than. |