Các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) chiều nay, trong đó, có nội dung đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm kinh doanh, có hiệu lực từ 1/1/2021.
Cụ thể, với 446/458 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (tương đương 92,34%), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật này đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước khi bấm nút thông qua, cụ thể:
Về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đa số ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định “cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.
Về áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan, có ý kiến cho rằng quy định nếu có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác mà chỉ thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư là chưa hợp lý, gây phức tạp cho áp dụng pháp luật đối với trường hợp luật ban hành sau có quy định khác với Luật Đầu tư, đề nghị bỏ quy định tại khoản 2.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, sửa đổi quy định tại khoản 2 để phân định rõ trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Đồng thời, bổ sung khoản 4 quy định đối với trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.
Về chính sách về đầu tư kinh doanh, có ý kiến cho rằng vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia có phạm vi rất rộng, cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để xác định và giải quyết đối với dự án bị đình chỉ đầu tư kinh doanh do có hoạt động gây phương hại đến quốc phòng, an ninh.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, quy định tại khoản 3 Điều 5 phù hợp với Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, kinh nghiệm quốc tế và điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên.
Để thực hiện chính sách trên, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định về quốc phòng, an ninh quốc gia, xác định thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể. Trong đó, quy định chỉ Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền ngừng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Qua đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, đồng thời hạn chế gia tăng thủ tục hành chính, tránh gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Theo Bizlive