(NSO) – Sáng 20/10, gần 1.000 chuyên gia, doanh nghiệp, các giảng viên, sinh viên thuộc các trường đại học giảng dạy Marketing… đã tham dự Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.
Quay trở lại sau sự thành công vang dội của Vietnam Online Marketing Forum 2021, VOMF 2022 đón nhận sự quan tâm nồng nhiệt của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân khởi nghiệp, các đơn vị truyền thông, các tổ chức – cơ quan – đơn vị hoạt động trong lĩnh vực marketing, thương mại điện tử trên khắp cả nước. Có thể nói, VOMF 2022 chính là sự kiện Online Marketing quy mô cấp quốc gia được mong đợi nhất năm 2022. Tại đây, doanh nghiệp sẽ tìm thấy những lời giải cho bài toán giải cứu doanh nghiệp trong thời đại mới.
Khai mạc chương trình, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ: “Qua 2 năm dịch, hành vi mua hàng của người tiêu dùng đã hoàn toàn thay đổi. Sự dịch chuyển mua sắm lên trực tuyến tăng nhanh gấp 3 lần so với trước đó. Doanh nghiệp đối mặt với tình huống bắt buộc phải thay đổi để tiếp cận nhóm khách hàng đã thay đổi hành vi này. Vì thế, chúng tôi tiếp tục tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2022 với chủ đề “Social Marketing” nhằm mang đến những cập nhật mới về xu hướng tiếp thị trong thời đại mới đến với cộng đồng.”
VOMF 2022 diễn ra gồm gồm 4 phiên: Phiên 1, với chủ đề “Sự dịch chuyển thói quen mua sắm online”. Tại đây, các diễn giả, chuyên gia cùng trao đổi hành trình khách hàng, xu hướng hành vi người tiêu dùng cũng như những xu hướng marketing nổi bật trong năm 2022; giúp doanh nghiệp thấu hiểu tường tận về phương hướng tiếp thị hiệu quả thông qua mạng xã hội trong thời gian tới và nhanh chóng chuyển mình để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Phiên 2, với chủ đề “Entertainmen: Xu hướng thương mại giải trí” tập trung cung cấp các giải pháp giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trực tuyến tận dụng sức mạnh từ lực lượng KOC, ứng dụng triệt để Shoppertainment để tăng trưởng đơn hàng đột phá thông qua những case-study thực tế.
Phiên 3, “Công nghệ mới trong tiếp thị trực tuyến”, hướng tới sự thừa nhận, đáp ứng với những cách thức quảng cáo đồng loạt cho tất cả mọi người. Với mỗi sở thích, cá tính riêng; điều mà Marketers cần làm là phân chia theo từng nhóm và có những thông điệp phù hợp với nhóm khách hàng đó. Khi doanh nghiệp có chiến lược tập trung vào người dùng, những tác động tích cực từ khách trung thành, tỷ lệ giữ chân khách hàng cũ và mức độ tăng trưởng doanh thu bất ngờ.
Phiên 4, “Chiến lược D2C trong kỷ nguyên mới mạng xã hội” trao đổi về phương hướng tận dụng social để tăng trưởng. Chiến lược mới để tiếp cận gần hơn đến người tiêu dùng sẽ tạo nên thành công cho marketing và quảng cáo nếu doanh nghiệp biết tận dụng sức mạnh và khai thác đúng cách.
Tại các phiên thảo luận, nhiều chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp đã gợi mở xu thế của mua bán, tiếp thị trực truyến, các giải pháp giúp doanh nghiệp, người kinh doanh nắm bắt cơ hội trong thời công nghệ số.
Bảo Đồng