Nơi khai sinh nhiều tờ báo lớn
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy rằng: “Báo chí chính là vũ khí sắc bén, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”. Chính vì vậy, ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành sự quan tâm đặc biệt tới việc sử dụng báo chí để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng.
Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập báo Thanh niên – tờ báo theo Chủ nghĩa Mác – Lênin nhằm đấu tranh giải phóng dân tộc. Với tờ báo này, Bác đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tiếp sau đó, nhiều tờ báo khác cũng đã đời. Tính đến tháng 6/1936, đã có 120 tờ báo của Đảng được xuất bản cả bí mật lẫn công khai. Báo chí thực sự trở thành vũ khí sắc bén chống lại ách áp bức, bóc lột và chế độ cai trị của thực dân Pháp.
Trước thực tế đó đã đặt ra yêu cầu là phải có một tổ chức chung của những người làm báo. Chính vì vậy, đầu năm 1947, Đoàn Báo chí kháng chiến được thành lập tại ATK Định Hóa. Tháng 4/1949, giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ, được sự giúp đỡ của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí kháng chiến đã mở lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng để đào tạo cán bộ cho phong trào báo chí kháng chiến, kiến quốc đang ngày càng phát triển.
Cũng trong năm 1949, báo Cứu quốc do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ nhiệm đã đặt tòa soạn, nhà in và nơi phát hành tại xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc, Định Hóa. Cũng tại đây, nhà báo Xuân Thủy đã tổ chức Ban chấp hành lâm thời Hội những người viết báo Việt Nam gồm 15 nhà báo.
Cùng thời kỳ này, Báo Nhân dân – cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng đã được ra đời. Đây là tờ báo kế tục sự nghiệp của Báo Sự Thật, lấy tên là Báo Nhân dân thể hiện ý chí phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân; nhiệm vụ cơ bản của tờ báo là tuyên truyền, cổ động tổ chức toàn dân đoàn kết đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi.
Ngày 11/3/1951, vượt qua bộn bề khó khăn chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để in ấn, báo Nhân dân ra số đầu tại xưởng in đặt ở thôn Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa). Báo Nhân dân số 1 có 6 trang, toàn bộ nội dung tuyên truyền về Ðại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.
Do tình hình kháng chiến, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định sáp nhập tờ Vệ quốc quân và Quân du kích thành tờ Quân đội nhân dân. Tại ATK Thái Nguyên, báo Quân đội nhân dân – cơ quan của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam đã ra đời. Ngày 20/10/1950, sau gần 3 tháng chuẩn bị, báo Quân đội nhân dân cho ra số đầu tiên ở bản Khau Diều, xã Định Biên, Định Hóa. Đây là tờ báo do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên.
Đặc biệt, vào buổi chiều ngày 21/4/1950, tại Hội trường 8 mái ở Ròong Khoa đã diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của báo chí cách mạng Việt Nam. Đại diện các báo, Đài Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã đã họp bàn và quyết định thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, tức Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay, do nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng. Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam được tổ chức tại xã Điềm Mặc, đã thống nhất thông qua điều lệ, chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội gồm 10 người.
ATK Định Hóa bây giờ
Phát huy truyền thống của vùng đất cách mạng, ngày nay, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa luôn nỗ lực vươn lên xây dựng hình ảnh mới trên quê hương vùng căn cứ cách mạng. Hệ thống cơ sở hạ tầng các xã được trang bị đầy đủ, đường nhựa và bê tông đến tận ngõ xóm, điện lưới quốc gia vươn tới từng gia đình; trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang.
Chủ tịch UBND huyện Định Hóa Nguyễn Minh Tú cho biết, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa vượt qua khó khăn đạt được nhiều thành tựu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 12,8%/năm, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt 44,2 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2015. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,7 lần so với năm 2015. Có 8/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 36,36%. Tỷ lệ hộ nghèo từ 27,62% năm 2015 giảm còn 6,45% vào cuối năm 2020 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020). Một trong những dấu ấn mà huyện đạt được là công tác giảm nghèo. Giai đoạn 2015 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 4%/năm, năm 2020 còn 6,4%….
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Định Hóa lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định mục tiêu đến năm 2025, huyện có cơ cấu kinh tế: Thương mại – dịch vụ 51,1%; nông nghiệp, xây dựng 31%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 17,9%. GRDP bình quân đầu người đạt 80,5 triệu đồng. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 105 triệu đồng. 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. 18/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Ông Nguyễn Minh Tú cho biết thêm, đến thăm Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, dự Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc huyện và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tháng 11/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo, cho chủ trương, định hướng xây dựng Định Hóa đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023.
Thực hiện Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM vào năm 2023, trong năm 2022 huyện có thêm 5 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, đó là: Phú Tiến, Điềm Mặc, Bình Yên, Tân Dương và Định Biên. Trong năm 2023, đối với 6 xã đăng ký đạt chuẩn NTM là: Tân Thịnh, Quy Kỳ, Bình Thành, Linh Thông, Bảo Linh; 3 xã nâng cao: Sơn Phú, Phú Đình, Kim Phượng, huyện đã làm việc cụ thể với từng xã để rà soát, có kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung công việc theo phân kỳ năm 2022, nỗ lực mỗi xã hoàn thành thêm 3 – 4 tiêu chí, quan tâm thực hiện các tiêu chí khó để năm 2023 hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn NTM theo kế hoạch.
Để thực hiện mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2023, ông Nguyễn Minh Tú cho biết, thời gian tới, huyện tập trung xây dựng phát triển kinh tế – xã hội, nông thôn mới, nâng cao tỷ trọng nông nghiệp chất lượng cao, phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc, thu hút các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực chế biến chè, xây dựng hạ tầng dịch vụ du lịch phát triển cộng đồng gắn với di tích lịch sử cách mạng, văn hóa dân tộc. Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn lực của Trung ương, nguồn lực từ các đơn vị tài trợ và nội lực của địa phương để bứt phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, đổi mới tư duy của người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững. Tập trung thu hút nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện như: Cụm công nghiệp Tân Dương (Công ty may Thagaco); cụm công nghiệp Kim Sơn và đầu tư vào các tổ hợp sân golf, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng (hồ Bảo Linh, Khuôn Tát – xã Phú Đình, Thâm Bây – xã Quy Kỳ, Đồi Què – xã Linh Thông), du lịch tâm linh (chùa Hang, thị trấn Chợ Chu), du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện đặc biệt quan tâm xây dựng các sản phẩm đặc trưng; sản phẩm OCOP; hỗ trợ kinh tế tập thể; tập trung cho xây dựng cụm công nghiệp Tân Dương…
Mặc dù chặng đường phía trước có nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng anh hùng, sự đoàn kết, quyết tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, chắc chắn tương lai không xa nhân dân các dân tộc vùng chiến khu Định Hóa với tiềm năng, thế mạnh to lớn sẽ phát triển nhanh và bền vững.