Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 6/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về năng suất lao động, về phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp…
Thực hiện tốt việc sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề.
Đại biểu nêu, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lại không thi được vào các trường THPT công lập. Cho nên chọn học các trường trung cấp này chỉ với mục đích là có tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi lại tiếp tục thi vào các trường đại học. Như vậy là có sự lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề.
“Bộ LĐ-TB&XH cho biết có khảo sát cụ thể về vấn đề này chưa và giải pháp của Bộ để khắc phục trong thời gian tới”, đại biểu Nga đề nghị.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, “việc thu hút học sinh vào trường nghề không phải điều dễ dàng”.
Số trung cấp nghề tăng do áp dụng nguyên tắc (9 cộng). Tức học sinh sau tốt nghiệp phổ thông vào thẳng trường nghề vừa học văn hóa vừa học nghề.
Trả lời câu hỏi “có lãng phí không”, Bộ trưởng trả lời “không hoàn toàn lãng phí”, nhưng cũng chưa có đánh giá toàn diện vấn đề này và thời gian tới sẽ có đánh giá đích thực về vấn đề này.
Tuy nhiên cũng theo Bộ trưởng, việc vừa học nghề vừa học văn hóa giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi hơn cho ra trường có thể tham gia thị trường lao động. Các nước đang phát triển cũng áp dụng mô hình này, cả Đức, Nhật Bản và Canada cũng áp dụng.
Trả lời câu hỏi chất vấn về quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, không chỉ riêng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thời gian qua khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương cũng đã sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Việc thực hiện sắp xếp lại cơ bản được thực hiện đúng, tuy nhiên cá biệt có một số trường hợp còn khiên cưỡng.
Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, có trường hợp ngành y lại xếp chung trường với ngành công nghiệp cơ khí, hoặc văn hóa nghệ thuật ghép chung với các trường khác, để đảm bảo tiêu chí giảm đầu mối cao đẳng nghề tại địa phương. Bộ trưởng cho biết, với những ngành nghề có tính chất đặc thù, chuyên biệt, chẳng hạn như y tế, văn hóa, nghệ thuật, cần bố trí cho phù hợp.
“Theo Nghị quyết số 19, chỉ sắp xếp đối với các trường khi có 3 năm liền hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua, việc giảm đầu mối đã xuất hiện một số bất cập. việc sắp xếp các trường trung cấp ở địa phương do địa phương quyết định, nên đề nghị các địa phương xem xét, rà soát vấn đề này để có giải pháp, quyết định thấu đáo”, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói.
Về nâng cao chất lượng cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới ở địa phương gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực và xếp mạng lưới các cơ sở của các Bộ ngành.
Cơ cấu lại lực lượng lao động, để nâng cao năng suất lao động
Liên quan đến lao động mất việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) băn khoăn, năm 2023 kinh tế nước ta đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động, việc làm đối mặt với nhiều rủi ro, tình trạng mất việc làm diễn ra trên quy mô toàn cầu; đề nghị Bộ trưởng đưa ra những dự báo và giải pháp cho thị trường lao động nước ta trong thời gian tới?
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) chất vấn, đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng thu nhập và đời sống hiện tại của công nhân lao động ở nước ta hiện nay.
“Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng cho biết cần quan tâm và có những giải pháp căn cơ gì để chăm lo, hỗ trợ cho đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, đại biểu nêu câu hỏi.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau), quan tâm làm thế nào để nâng sức lao động của người Việt Nam phát triển và thoát khỏi vùng chuẩn của khu vực ASEAN và ngang bằng các nước trên thế giới?
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Duy Thanh tại sao năng suất lao động thấp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có nhiều nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam, nhưng có 2 vấn đề chính là yếu tố vốn và kỹ năng, trình độ người lao động. Bộ trưởng chưa đồng tình với nhận định năng suất lao động Việt Nam thấp hơn so với Campuchia.
Bộ trưởng phân tích, lực lượng lao động Việt Nam đang phân bố khu vực nông nghiệp rất cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thương mại thì thấp. Hơn nữa, quy mô lao động Việt Nam rất lớn, do đó cũng một công việc ấy đáng lẽ một người làm nhưng san sẻ 2-4 người làm nên tỷ lệ thất nghiệp không cao.
Để nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng cho biết giải pháp thời gian tới là cơ cấu lại lực lượng lao động; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao; hạn chế sử dụng các ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động.
Về thực trạng thu nhập, đời sống, việc làm của người lao động, nhất là khu công nghiệp, khu chế xuất, giải pháp căn cơ cho vấn đề này của đại biểu Trần Hồng Nguyên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6 % so với quý IV/2022.
Bộ trưởng nhận xét, các doanh nghiệp đã cố gắng; doanh nghiệp, người lao động cũng san sẻ, chia sẻ với phương châm phát triển cùng hưởng, khó khăn sẻ chia. Tuy nhiên, có thể thấy lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động nữ.
Giải pháp cho vấn đề này cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ra: Tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập của đời sống. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Chăm lo đời sống phúc lợi, thiết chế, nhất là các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục dành cho phụ nữ, người thân trong gia đình. Tăng cường kết nối giới thiệu việc làm, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp, đào tạo…
Về băn khoăn của đại biểu đánh giá tình trạng thất nghiệp (2,25%) có sát với tình hình thực tế, Bộ trưởng khẳng định, “việc đánh giá hoàn toàn khách quan và khoa học, dựa trên những tiêu chí cụ thể của quốc tế đưa ra”.
P.V