Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có văn bản mời các doanh nghiệp xăng dầu tham dự phiên giải trình về tình hình xăng dầu của Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo Ủy ban Kinh tế sẽ chủ trì cuộc họp này vào ngày 28/2.
Trong năm 2022, thị trường xăng dầu trong nước chịu nhiều biến động bất thường, trước tác động của thị trường xăng dầu thế giới, nguồn cung trong một số thời điểm, tại một số địa bàn bị đứt gãy cục bộ, nhiều cây xăng treo biển hết hàng, nghỉ bán, ảnh hưởng tới đời sống người dân và doanh nghiệp.
Tình trạng này tiếp tục diễn ra trong những ngày đầu năm 2023, đặc biệt là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dù nguồn cung xăng dầu cho thị trường được Bộ Công thương khẳng định là không thiếu. Quản lý Thị trường cũng đã xử phạt hàng loạt cây xăng nghỉ bán hàng không lý do.
Về chức năng, Bộ Công thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Trong khi đó, Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở.
Tuy vậy, thời gian qua, hai bộ này đã có đề xuất qua lại về trách nhiệm làm đầu mối quản lý, điều hành giá xăng dầu. Đề xuất qua lại này thậm chí được ví như đùn đẩy, “đá bóng” cho nhau.
Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu” mới đây, ông Hà Thanh Tùng – Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (ở Hà Giang) cho biết, nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có 950 thành viên với 9.000 cửa hàng, chiếm khoảng 53% trong tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Ước tính số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ tính từ tháng 3/2022 đến nay khoảng 3.000 – 4.000 tỷ đồng. Dù vậy, do xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên lời hay lỗ vẫn phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng nếu không sẽ bị phạt.
“Thương nhân bán lẻ lỗ cả nghìn tỷ đồng. Thậm chí một số còn đứng trước nguy cơ rút giấy phép do không thể tiếp tục kinh doanh được. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, sức chịu đựng của chúng tôi có hạn, trường hợp 9.000 doanh nghiệp bán lẻ xin dừng hoạt động thì chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy, tác động đến nền kinh tế”, ông Tùng chia sẻ tại hội thảo trên.
Nhìn nhận về những khó khăn này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bán lẻ xăng dầu là khâu đặc biệt quan trọng trong cung ứng xăng dầu. Vì vậy, các doanh nghiệp này phải được hưởng một phần lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, để vận hành một cách thuận lợi thì khi đấy nguồn cung xăng dầu mới có thể đảm bảo.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm là nguyên nhân khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.
“Có doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói với tôi rằng chưa bao giờ trong quá trình kinh doanh hàng chục năm rồi có tình trạng bán lẻ phải tự bỏ tiền ra để được các doanh nghiệp đầu mối, phân phối cung cấp xăng duy trì việc kinh doanh xăng dầu, tránh việc cơ quan chức năng xử phạt ”, ông Tuấn quan ngại.
Ở góc độ thương nhân đầu mối, nhiều đại diện doanh nghiệp cho biết, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có rất nhiều thành phần tham gia.
Trong khi theo quy định thương nhân đầu mối phải trữ tồn kho 20 ngày nhưng do công thức giá lấy giá biên độ quá mạnh nên nếu giá xuống thì tồn kho của doanh nghiệp rất lớn.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp đầu mối lỗ rất nặng. Do đó, doanh nghiệp không đủ nguồn lực chia sẻ chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.
Vì vậy, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối xăng dầu đồng loạt gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công thương, VCCI… về các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu hiện nay và góp ý sửa đổi Nghị định 95, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.