Từ đầu năm 2022 đến nay, giá bất động sản (BĐS) có xu hướng chung là chững lại, chỉ tăng ở một số vị trí, loại sản phẩm. Thậm chí ở nhiều nơi xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ giá đã giảm, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều đang phải tìm cách bán cắt lỗ.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc bộ phận R&D của DKRA Việt Nam cho biết, tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp BĐS giảm rõ từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, thị trường vẫn có giao dịch chứ không hoàn toàn đóng băng.
Ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ cho rằng, giá BĐS có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Những nhà đầu tư đã ôm hàng ở đỉnh gặp áp lực tài chính sẽ có xu hướng giảm giá hoặc bán cắt lỗ. Giá BĐS sẽ có xu hướng đi xuống, tuy nhiên biên độ xuống không nhiều vì nguồn cung đang hạn chế.
“Trên thực tế, khi giá BĐS tăng cao, giao dịch sẽ giảm bởi khách hàng không chấp nhận mức giá đó. Tuy nhiên, người bán dựa vào sự khan hiếm của thị trường vẫn kỳ vọng ở một mức giá nào đó mà không chịu bán, dẫn đến giao dịch sụt giảm. Ở khu trung tâm có thể vẫn có giao dịch, còn với những khu vực tỉnh lẻ, xa xôi, giao dịch gần như đóng băng, nhất là đất nông thôn” – ông Toản cho hay.
Đánh giá về nhu cầu vốn cho thị trường BĐS, theo ông Toản, nhu cầu vốn hiện rất lớn, tuy nhiên Chính phủ đang cân nhắc bài toán lạm phát và tăng trưởng. Do đó, Chính phủ đang cân đối giữa hai yếu tố này, thông qua công cụ tài chính, đó là siết tín dụng.
“Theo tôi, trong năm 2023, tín dụng chỉ tập trung cho những lĩnh vực cần thiết như sản xuất, thương mại. Với đầu tư, kinh doanh BĐS và những lĩnh vực không có tác động tốt đến nền kinh tế sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới” – ông Toản nhận định.
Ông Toản khuyến nghị, những nhà đầu tư đã tham gia thị trường, thời điểm này nên cân đối lại khoản vay, đánh giá lại giá trị sản phẩm. Trong trường hợp thấy rằng BĐS đó ổn thì có thể giữ, nhưng nếu sử dụng dòng tiền vay ngắn hạn, sắp tới chắc chắn lãi suất sẽ tăng cao, thì phải cân nhắc. Phải xác định rõ, trong năm 2023 và 2024 sẽ khó khăn trong việc thoát hàng, do vậy, cần chấp nhận bán cắt lỗ, hoặc cắt lãi để thu tiền về.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, BĐS chỉ giảm giá ở một số phân khúc bị thổi giá thời gian qua, một số phân khúc có giá đất quá ảo. Còn với những phân khúc phục vụ nhu cầu thực, việc giảm giá là rất khó trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Trong thời gian gần đây, giá BĐS liên tục tăng, cấu trúc thị trường phân bố mạnh vào BĐS đầu cơ, giá cao. Dòng tiền đổ mạnh cho nhu cầu trú ẩn và đầu cơ nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Đang có sự phân ly mạnh mẽ giữa giá đất nền và giá căn hộ. Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, những tháng cuối năm, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt, trong khi thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.
Theo báo VietNamNet, nói thêm về xu hướng các chủ đầu tư BĐS đồng loạt tung ưu đãi lớn dịp cuối năm, ông Đính cho hay, những chủ đầu tư “bung hàng” trong đợt này hiếm có ai đưa giá quá cao để khó bán được hàng. Khó khăn lớn nhất với thị trường BĐS hiện nay là tiếp cận vốn, dù các cơ quan quản lý nói không siết nhưng hầu hết chủ đầu tư đang rất khó vay tín dụng ngân hàng. Dòng vốn vào thị trường gặp khó đã buộc các chủ đầu tư phải xoay xở, tìm cách trực tiếp huy động tiền từ khách hàng.
“Tăng ưu đãi ở mức tương đương chi phí đi vay ngân hàng để giảm giá nhà cho khách hàng là một trong những giải pháp doanh nghiệp nghĩ ra để “tự giải cứu” trong bối cảnh thị trường có nhiều điểm nghẽn”, ông Đính nhấn mạnh.
Nhưng chuyên gia lưu ý rằng, nhà đầu tư cần chú ý để không bị mắc bẫy ưu đãi. Song song với các chương trình bán hàng hấp dẫn tung ra dịp cuối năm, nhà đầu tư cần thận trọng đánh giá về tiềm năng tăng giá trong tương lai của BĐS, nên ưu tiên lựa chọn các BĐS đã thành hình, quy hoạch bài bản và có thể “mắt thấy – tay sờ” tại những vị trí hạ tầng kết nối tốt.
Chuyên gia thông tin thêm, việc “cân đo đong đếm” tiềm năng BĐS trong tương lai có thể giúp nhà đầu tư “rót tiền” vào đúng dự án để được “hưởng lợi kép” từ ưu đãi hiện tại và khả năng sinh lời bền vững, đảm bảo an toàn cho dòng vốn của nhà đầu tư.