Theo ghi nhận của PV Tiền Phong ngày 13/10, tại các quận 12, quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận Tân Phú… không còn cảnh người dân chen kín mua xăng. Người dân cũng không cần xếp hàng chờ đợi lâu hay bị giới hạn mức tiền đổ xăng cho mỗi lượt. Tại cửa hàng xăng dầu chi nhánh số 1-Comeco (góc Lý Thái Tổ-Lê Hồng Phong, quận 10) trước đó thường treo biển “hết xăng” thì từ sáng 12/10 đã hoạt động bình thường trở lại.
Tương tự, cây xăng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) chỉ lưa thưa khách đến đổ xăng. Người dân không mất nhiều thời gian chờ đợi, chỉ cần đợi 1-2 phút là đã mua được xăng.
Tại các cây xăng ở tỉnh Bình Thuận cũng không còn cảnh chen chúc đổ xăng như những ngày trước. Nhiều cây xăng dừng bán đã trở lại hoạt động bình thường. Các cây xăng những ngày trước đổ theo định mức 50.000 đồng/lần thì nay đổ theo nhu cầu của khách.
Theo lý giải của đại diện một số cây xăng, họ đã đặt hàng cách đây vài ngày nhưng hàng về không kịp. Từ tối 11/10, các đại lý xăng dầu mới vận chuyển hàng về. Theo ông Phan Hoàng Anh Khoa, Cục phó Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có 298 cửa hàng xăng dầu, 15 tàu dầu và 2 kho xăng dầu. Hiện tại, Bình Thuận chưa phát hiện cơ sở kinh doanh xăng dầu nào có hành vi đầu cơ, găm hàng.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu khu vực 2 thuộc Petrolimex Sài Gòn cho biết, trong ba ngày 10, 11 và 12/10, sản lượng bán ra tăng đến 200% với 3.100m3/ngày, gây quá tải cục bộ tại một thời điểm, dẫn đến tâm lý khách hàng lo lắng, xếp hàng mua xăng gây ùn tắc hệ thống Petrolimex Sài Gòn và các cửa hàng nhượng quyền.
Theo đại diện Petrolimex Sài Gòn, lượng hàng tồn kho của hệ thống hiện nay là trên 3.000m3. Vài ngày tới sẽ có tàu vận chuyển thêm 100.000 m3 xăng các loại nên nguồn cung cho TP.HCM đảm bảo đến hết tháng 10 và sẽ trở lại bình thường.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho hay, từ nay đến kỳ điều hành sắp tới, TP.HCM cơ bản đảm bảo nguồn cung.